Tiêu điểm

Khu kinh tế Vân Phong và kỳ vọng thu hút 'đại bàng'

(VNF) - Khu kinh tế Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) có vị trí địa lý thuận lợi, hội tụ nhiều yếu tố để phát triển đa ngành, đa lĩnh vực. Với những lợi thế hiếm có, nơi đây đang nhận được nhiều chính sách ưu đãi từ Trung ương, đặc biệt là các cơ chế theo Nghị quyết 55 của Quốc hội.

Khu kinh tế Vân Phong và kỳ vọng thu hút 'đại bàng'

ĐBQH Lê Thanh Vân

Nghị quyết mở đường cho Vân Phong

Tại Quyết định số 451/QĐ-TTg ngày 13/4/2022 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Vân Phong (tỉnh Khánh Hòa) đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050, theo đó, xác định tính chất khu kinh tế Vân Phong là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, có vai trò đầu tàu thu hút đầu tư và là động lực phát triển kinh tế cho các vùng lân cận và cho cả nước.

Trong đó, kinh tế biển là nền tảng có cảng trung chuyển container quốc tế và dịch vụ logistic, đô thị, dịch vụ, du lịch, công nghiệp giữ vai trò quan trọng, kết hợp phát triển các ngành kinh tế khác; là trung tâm dịch vụ du lịch và vui chơi giải trí tổng hợp cao cấp có những sản phẩm dịch vụ, du lịch độc đáo, khác biệt, hiện đại với chất lượng cao, có thương hiệu và khả năng cạnh tranh quốc tế; là khu vực phát triển đô thị thông minh bền vững với hệ thống cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội phát triển đồng bộ, hiện đại. Hiện nay, Quy hoạch chung khu Kinh tế Vân Phong đã được Bộ Xây dựng thẩm định và đang chờ Thủ tướng phê duyệt.

Tại Kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XV vào ngày 16/6/2022, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết 55/2022/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Nghị quyết 55 chủ yếu đề cập đến cơ chế chính sách đặc thù rất lợi thế cho khu kinh tế Vân Phong. Đây là cơ sở để Khánh Hòa kêu gọi, thu hút nhà đầu tư chiến lược, tạo bước đột phá cho khu kinh tế.

Theo kiến trúc sư Ngô Viết Nam Sơn, Vân Phong có rất nhiều tiềm năng, tuy nhiên, từ trước đến nay chúng ta chỉ nói mà chưa khai thác được nhiều. “Lâu nay, chúng ta cứ nói Vân Phong nhiều tiềm năng nhưng ngồi chờ không làm gì hết. Nghị quyết 55 sẽ khai thông cho việc này và mở đường cho phát triển kinhh tế xã hội cho Vân Phong. Nghị quyết này đã ủng hộ cho hướng phát triển của tỉnh Khánh Hòa trong giai đoạn tới”, ông nói và nhấn mạnh trong tất cả những dự án ở Nam Vân Phong và Bắc Vân Phong, có làm gì cũng cần phải bảo vệ môi trường cho vịnh Vân Phong được sạch đẹp để khai thác bền vững.

Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết các cơ chế, chính sách đặc thù cho khu kinh tế Vân Phong tại Nghị quyết 55 sẽ tạo điều kiện cho tỉnh Khánh Hòa có thể thu hút được sự tham gia của các nhà đầu tư chiến lược để tạo hiệu ứng “mỏ neo” giúp khai thác hiệu quả tiềm năng phát triển của khu kinh tế Vân Phong. Đồng thời, giúp sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn lực từ khu vực kinh tế tư nhân để thực hiện các nhiệm vụ xây dựng khu kinh tế Vân Phong trở thành động lực phát triển kinh tế của tỉnh Khánh Hòa và khu vực Nam Trung Bộ theo đúng tinh thần tại Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 của Chính phủ.

“Sau khi các cơ chế chính sách đặc thù được áp dụng và triển khai, hy vọng rằng trong tương lai không xa, khu kinh tế Vân Phong có thể hướng tới việc trở thành hình mẫu về phát triển kinh tế biển, có thể phát huy được hết tiềm năng, thế mạnh, thu hút ngày càng nhiều các nhà đầu tư lớn trong và ngoài nước, trở thành một trong những trung tâm kinh tế biển hiện đại, phát triển đột phá cho tỉnh và khu vực như kỳ vọng”, ông Nguyễn Tấn Tuân nhấn mạnh.

Vẫn theo ông Nguyễn Tấn Tuân, hiện nay có nhiều tập đoàn lớn, nhà đầu tư chiến lược đề xuất ý tưởng đầu tư tại khu kinh tế Vân Phong với nhiều ngành nghề đa dạng, trong đó có nhiều ngành, lĩnh vực có tiềm năng phát triển mạnh như: lọc hóa dầu, kho cảng nhập khí hóa lỏng, sản xuất năng lượng sạch (hydro xanh), khu cảng tổng hợp và trung chuyển quốc tế, khu đô thị biển cao cấp, khu du lịch nghỉ dưỡng cao cấp… Do đó, UBND tỉnh đang chỉ đạo các cơ quan liên quan triển khai xúc tiến đầu tư đúng trọng tâm, trọng điểm, xác định các ngành, lĩnh vực phù hợp, bám sát nhu cầu thực tế và lợi thế so sánh của khu kinh tế.

Đưa Vân Phong vươn tầm

UBND tỉnh Khánh Hòa đã có báo cáo triển khai và tiến độ thực hiện Nghị quyết 55 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa. Theo UBND tỉnh Khánh Hòa, để có cơ sở xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư đối với các dự án xây dựng và kinh doanh sân bay, tỉnh Khánh Hòa đã có văn bản báo cáo Bộ Giao thông vận tải về quy hoạch sân bay trong đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Vân Phong.

Trong đó, Khánh Hòa đề xuất Bộ Giao thông vận tải chấp thuận về việc quy hoạch xây dựng Cảng hàng không Vân Phong trong đồ án Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế Vân Phong đến năm 2040 tầm nhìn năm 2050 và Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 đến 2030, tầm nhìn đến 2050, báo cáo Thủ tướng xem xét, bổ sung Cảng hàng không Vân Phong vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đang trình Thủ tướng phê duyệt. Mới đây, trên cơ sở đề xuất của các địa phương, Cục Hàng không đề xuất Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu, bổ sung vào quy hoạch 9 sân bay mới tại các tỉnh, trong đó có sân bay Vân Phong (Khánh Hòa).

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân cho biết việc xây sân bay tại khu kinh tế Vân Phong là một trong những bước đi quan trọng của tỉnh Khánh Hòa để phát triển khu kinh tế Vân Phong vươn tầm thế giới. Khu kinh tế Vân Phong thời gian tới sẽ phát triển theo hai hướng, trong đó phía Bắc sẽ xây dựng đô thị du lịch cao cấp quốc tế và phía Nam sẽ làm đô thị công nghiệp.

“Với định hướng này, nếu xây sân bay sẽ đảm bảo phục vụ được khách du lịch và nhà đầu tư đến với khu kinh tế Vân Phong. Ngoài ra, xây sân bay sẽ đồng bộ với các tuyến cao tốc kết nối Tây Nguyên, Nam Trung Bộ và cảng biển, tạo điều kiện để Khu Vân Phong phát triển”, ông Nguyễn Tấn Tuân nói và cho biết nếu được thông qua, sân bay tại khu kinh tế Vân Phong dự kiến sẽ được đầu tư từ nguồn vốn tư nhân từ nhà đầu tư chiến lược.
 

Tin mới lên