Tài chính quốc tế

Khủng bố 11/9: Nền kinh tế Mỹ gánh chịu hậu quả suốt 2 thập kỷ

(VNF) - Trên con đường khôi phục nền kinh tế sau cú gục ngã từ sự kiện thảm khốc ngày 11/9, nước Mỹ lại phải đối mặt với đại dịch Covid-19.

Khủng bố 11/9: Nền kinh tế Mỹ gánh chịu hậu quả suốt 2 thập kỷ

Nền kinh tế Mỹ gánh chịu hậu quả sau sự kiện 11/9 trong suốt 2 thập kỷ

Sau sự kiện khủng bố ngày 11/9/2001, nền kinh tế nước Mỹ đã bị suy thoái nặng nề khi thiệt hại tới 1.400 tỷ USD. Thị trường chứng khoán lao dốc mạnh. Nhiều sàn giao dịch phải đóng cửa và ngưng mọi hoạt động.

Một tác động nặng nề và rõ ràng nhất của sự kiện 11/9 là gia tăng khoảng cách giàu nghèo của người dân Mỹ.

Ông Gabriel Zucman, phó giáo sư kinh tế tại Đại học California, Berkeley, cho biết: "Những thay đổi trong chính sách thuế đã làm gia tăng bất bình đẳng. Bắt đầu từ việc cắt giảm thuế của tổng thống Bush ban hành vào năm 2001 và 2003, sau đó lên đến đỉnh điểm là cải cách thuế của tổng thống Trump năm 2018. Kết quả là tạo ra một hệ thống thuế mà ở đó các tỷ phú thậm chí có mức thuế thấp hơn cả tầng lớp trung lưu".

Kể từ năm 1980, thuế suất dành cho những người thuộc nhóm thu nhập cao nhất, từ 518.000 USD/năm, đã giảm từ 70% xuống còn 37%. Trong cùng kỳ, tỷ lệ doanh nghiệp hàng đầu giảm từ 46% xuống 21%, mức thấp nhất kể từ năm 1939, theo Trung tâm Chính sách Thuế Urban-Brookings.

Các chuyên gia kinh tế cho biết, không có gì ngạc nhiên khi mức thu thuế của Mỹ tính theo tỷ trọng GDP đã giảm từ 18,5% xuống 16,3%. Văn phòng Ngân sách Quốc hội ước tính việc cắt giảm thuế của cựu thổng thống Trump sẽ thêm gần 2 nghìn tỷ USD vào thâm hụt ngân sách hàng năm của quốc gia trong vòng 10 năm.

Theo một bài báo mới từ các nhà nghiên cứu tại Ngân hàng Dự trữ Liên bang San Francisco và Đại học Boston, trong khoảng thời gian 30 năm, khoảng cách trong thu nhập và giáo dục giữa người dân Mỹ đã khiến quốc gia này thiệt hại gần 23.000 tỷ USD.

Tuy nhiên, nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng nhanh chóng phục hồi. Người tiêu dùng và các doanh nghiệp đã lấy lại tinh thần sau khi đối mặt với thảm hoạ.

Các chính trị gia và báo chí chỉ ra sự phục hồi này là bằng chứng cho sức mạnh tự đổi mới của một nước tư bản chủ nghĩa vốn được ca tụng là luôn dẫn đầu toàn cầu. Kể từ đó đến nay, Mỹ đã lấy lại được vị thế của mình, kể cả khi phải đối mặt với cuộc Đại suy thoái năm 2008.

Nền kinh tế Mỹ hiện nay khác hoàn toàn so với 20 năm trước. Theo thước đo rộng nhất, quy mô của nền kinh tế đã tăng lên gấp đôi, với GDP đạt mức khoảng 23.000 tỷ USD so với 11.000 tỷ USD vào năm 2001.

Tuy nhiên, trải qua 2 thập kỷ gồng mình đi lên từ thảm kịch 11/9, nước Mỹ tiếp tục đối mặt với sự bùng phát của đại dịch Covid-19. Theo Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), các doanh nghiệp nước này đang phải chống chọi với lạm phát tăng cao và nguồn cung hàng hóa thiếu hụt. 

Chính phủ nước này liên tục đưa ra các gói kích thích kinh tế trị giá hàng nghìn tỷ USD nhằm trợ cấp người dân và đảm bảo cho kinh tế nước nhà. Có thể nói nền kinh tế Mỹ một lần nữa đang trên con đường phục hồi. Sự hỗ trợ đến từ chính phủ lúc này là điều vô cùng quan trọng.

Xem thêm >>20 năm ngày khủng bố 11/9: Nỗi đau suốt 2 thập kỷ chưa thể khép lại

Tin mới lên