Xe

Kiểm định ôtô nhập khẩu theo kiểu loại thay vì theo lô: 'Tạo kẽ hở lớn' để doanh nghiệp lách luật?

(VNF) - Bộ Giao thông vận tải vừa có văn bản số 12616/BGTVT-KHCN gửi tới Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai nhiệm vụ được giao liên quan đến sửa đổi phương thức kiểm tra từng lô theo Nghị định số 116/2017/NĐ-CP.

Kiểm định ôtô nhập khẩu theo kiểu loại thay vì theo lô: 'Tạo kẽ hở lớn' để doanh nghiệp lách luật?

Theo văn bản này, thực hiện Quyết định số 1254/QĐ-Ttg ngày 26/9/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt kế hoạch hành động thúc đẩy Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, cải cách công tác kiểm tra chuyên ngành đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu và tạo thuận lợi thương mại giai đoạn 2018-2020, Bộ Giao thông vận tải đã rà soát, triển khai các nhiệm vụ được giao và nhận thấy có nhiều vấn đề cần báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo từ Chính phủ.

Nghị định 116 không gây khó khăn cho các doanh nghiệp

Cụ thể, liên quan tới vấn đề kiểm tra mẫu ô tô đại diện cho từng kiểu loại xe đối với tất cả các lô hàng, thay vì áp dụng cho từng lô xe nhập khẩu, Bộ Giao thông vận tải cho rằng, việc quy định ô tô chưa qua sử dụng nhập khẩu phải được kiểm tra chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường theo từng lô đã được Chính phủ, các Bộ ngành liên quan xem xét trong quá trình xây dựng Nghị định số 116/2017/NĐ-CP.

Mục đích của Nghị định này là đảm bảo ô tô chưa qua sử dụng nhập khẩu phải đáp ứng điều kiện an toàn kỹ thuật, chất lượng sản phẩm phải đồng nhất giữa các lô xe trong khi cơ quan quản lý không có điều kiện giám sát, đánh giá được quy trình quản lý, kiểm soát chất lượng sản phẩm ở cơ sở sản xuất nước ngoài với mục tiêu bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đồng thời, quy định này cũng nhằm tạo công bằng trong việc quản lý chất lượng sản phẩm giữa ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước với ô tô nhập khẩu.

Sau 1 năm triển khai Nghị định 116, thời gian đầu các doanh nghiệp nhập khẩu cũng gặp nhiều khó khăn do doanh nghiệp chưa nắm rõ yêu cầu về Giấy chứng nhận kiểu loại ô tô nhập khẩu, cũng như lo ngại về việc tăng thời gian, chi phí khi thực hiện kiểm tra theo từng lô hàng nhập khẩu.

Tuy nhiên đến thời điểm hiện tại, Bộ Giao thông vận tải đánh giá hầu hết ô tô từ các thị trường khác nhau cũng đã nhập khẩu được về nước mà không gặp khó khăn, vướng mắc như trước.

Bộ Giao thông vận tải cũng cho rằng việc kiểm tra, thử nghiệm theo lô trên thực tế không quá phức tạp, tốn kém kinh phí và thời gian như phản ánh của các doanh nghiệp.

Không kiểm soát theo lô tiềm ẩn nhiều hệ luỵ

Trong văn bản này, Bộ Giao thông vận tải cho rằng việc sửa đổi Nghị định số 116/2017/NĐ-CP theo hướng chỉ kiểm tra mẫu ô tô đại diện cho từng kiểu loại xe đối với tất cả các lô hàng thay vì áp dụng cho từng lô xe nhập khẩu sẽ tạo sự thuận lợi nhưng sẽ tiềm ẩn hệ luỵ lớn.

Cụ thể, trong trường hợp không thực hiện kiểm soát theo lô như quy định hiện nay sẽ tạo ra kẽ hở lớn cho các doanh nghiệp nhập khẩu tiến hành nhập khẩu hàng loạt xe về và chỉ đăng ký kiểm tra cho một lô đại diện (có thể là 1 xe duy nhất đã được doanh nghiệp chuẩn bị từ trước, lựa chọn xe tốt nhất) để cơ quan kiểm tra, cấp giấy chứng nhận, sau đó doanh nghiệp tiếp tục đăng ký kiểm tra cho các lô tiếp theo với số lượng không giới hạn trong vòng 3 năm.

Điều này sẽ khiến cơ quan chức năng sẽ không thể kiểm soát được chất lượng khí thải, an toàn và chất lượng linh kiện, các hệ thống trên xe của những xe nhập khẩu mà doanh nghiệp nhập về Việt Nam trong khoảng thời gian dài. Và đây cũng chính là lỗ hổng lớn trong quản lý chất lượng xe nhập khẩu, ảnh hưởng đến an toàn và quyền lợi của người tiêu dùng.

>>> Xem thêm: VAMA lại xin ‘gỡ khó’ nhiều vấn đề liên quan Nghị định 116

Tin mới lên