Ngân hàng

Kiểm toán Nhà nước tiếp tục chỉ ra nhiều bất cập trong hoạt động của một số ngân hàng

Kiểm toán Nhà nước vừa chính thức công khai kết quả kiểm toán năm 2020. Điều đáng chú ý nhiều vấn đề bất cập liên quan đến quản lý sử dụng vốn, tài sản nhà nước năm 2019 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cùng 4 tổ chức tài chính, ngân hàng bảo hiểm và ngân hàng chính sách xã hội đã được làm rõ.

Kiểm toán Nhà nước tiếp tục chỉ ra nhiều bất cập trong hoạt động của một số ngân hàng

Ngân hàng Chính sách xã hội xoá nợ cho nhiều khách hàng chưa phù hợp

7 ngân hàng tăng trưởng tín dụng vượt mức tối đa cho phép

Báo cáo của Kiểm toán Nhà nước nêu rõ, có 7 ngân hàng, trong đó hơn nửa nhà băng ngoại đã có mức tăng trưởng tín dụng vượt mức tối đa cho phép năm 2019. Tổng số dư nợ tăng trưởng vượt hạn mức tối đa này là gần 26.000 tỷ đồng. Trên thực tế, mỗi năm, Ngân hàng Nhà nước sẽ có hai lần điều chỉnh giảm lãi suất. Sau khi đưa ra hạn mức tín dụng cho từng tổ chức tín dụng đầu năm, cơ quan này tiếp tục có đợt nới rộng thêm lần 2 vào nửa cuối năm. Các tổ chức tài chính, ngân hàng, bảo hiểm được kiểm toán đảm bảo các chỉ tiêu an toàn trong hoạt động, kinh doanh có lãi, đạt mục tiêu tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 2%.

Tuy nhiên, trong năm 2019, có một số tổ chức tín dụng tăng trưởng tín dụng vượt mức tối đa cho phép của Ngân hàng Nhà nước gồm Ngân hàng TMCP Đại Chúng (PVcombank) vượt 13.656 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Sài Gòn vượt 8.654 tỷ đồng, Ngân hàng TMCP Bảo Việt vượt 3.153 tỷ đồng, Ngân hàng Shinhan Bank vượt 132 tỷ đồng, Ngân hàng Mizuho Hồ Chí Minh vượt 192 tỷ đồng, Ngân hàng Busan - Chi nhánh Hồ Chí Minh vượt 83 tỷ đồng, Ngân hàng Liên doanh Việt - Nga vượt 69 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, kiểm toán cũng thẳng thắn chỉ ra việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam quy định việc xác định giá trị tài sản đảm bảo, việc hạch toán giá trị tài sản cho thuê tài chính chưa phù hợp. Cụ thể, việc xác định giá trị tài sản bảo đảm cho thuê tài chính theo Thông tư số 02/2013/TT-NHNN chưa căn cứ vào giá trị thực tế hợp lý của tài sản mà phụ thuộc vào dư nợ cho thuê, chưa phản ánh đúng bản chất của tài sản bảo đảm; Việc hạch toán, theo dõi, phản ánh giá trị tài sản cho thuê tài chính theo giá gốc ban đầu theo quy định tại Văn bản hợp nhất số 05/VBHN-NHNN chưa phù hợp với nguyên tắc giá trị tài sản cho thuê giảm dần và được chuyển giao cho bên đi thuê khi hết thời gian thuê.

Cùng đó, một số đơn vị đầu tư tài chính không hiệu quả hoặc hiệu quả thấp. Đơn cử như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (NHNo) có cổ tức, lợi nhuận được chia bằng 1,17% vốn đầu tư. Đầu tư 294,41 tỷ đồng vào Công ty TNHH MTV Cho thuê tài chính II - NHNo (ALC II) đã phá sản và chấm dứt hoạt động, phải trích lập dự phòng 100% vốn đầu tư, ngoài ra NHNo còn phải chịu trách nhiệm về khoản tổn thất phải bồi thường cho Bảo hiểm xã hội Việt Nam theo phán quyết của Tòa án 862,64 tỷ đồng do NHNo bảo lãnh cho ALC II;

172,08 tỷ đồng vào Công ty TNHH MTV Cho thuê tài chính I - NHNo và 8,2 tỷ đồng vào Công ty TNHH Liên doanh Quản lý Đầu tư Agribank-VGFM phải trích lập dự phòng 100% vốn đầu tư; 1.250,91 tỷ đồng vào Công ty CP Chứng khoán Agribank phải trích lập dự phòng 92,34 tỷ đồng (lỗ lũy kế đến 31/12/2019 của Công ty là 360,6 tỷ đồng); một số khoản đầu tư tài chính ngắn hạn phải trích lập dự phòng 100% vốn đầu tư (178,25 tỷ đồng tiền gửi tại ALC II; 68,4 tỷ đồng trái phiếu Vinashin; 8,76 tỷ đồng trái phiếu Công ty CP Sông Đà Thăng Long; 20 tỷ đồng trái phiếu Công ty CP Vận tải Biển Bắc).

Ngoài các tồn tại kể trên, báo cáo kiểm toán còn nhận thấy, có những ngân hàng hạch toán doanh thu, thu nhập, chi phí chưa phù hợp, chính xác. Cụ thể như Ngân hàng VCB ghi nhận lãi dự thu không đúng quy định đối với các khoản nợ được cơ cấu lại 85,47 tỷ đồng; hạch toán thiếu 29,25 tỷ đồng phí bảo lãnh, phí phát hành; hạch toán thừa lãi dự chi 19,07 tỷ đồng; Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hạch toán thừa lãi dự thu 114,7 tỷ đồng; Ngân hàng Bảo Minh hạch toán thiếu doanh thu 7,04 tỷ đồng đối với các hợp đồng bảo hiểm đã phát sinh trách nhiệm…

Xoá nợ hơn 19 tỷ đồng cho khách hàng được coi là mất tích không đúng quy định

Đặc biệt, qua công tác kiểm tra, Kiểm toán nhà nước cũng phát hiện, Ngân hàng Chính sách xã hội xóa nợ 19,44 tỷ đồng (nợ gốc 14,78 tỷ đồng; nợ lãi 4,66 tỷ đồng) cho nhiều khách hàng được coi là mất tích theo xác nhận của chính quyền cấp xã, không phù hợp với quy định của Bộ Luật dân sự năm 2015 (Khoản 1 Điều 68 “…theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án có thể tuyên bố người đó mất tích”), trong đó có 17 trường hợp vẫn đóng bảo hiểm xã hội.

Đồng thời, điều chỉnh kế hoạch vốn Chương trình cho vay hộ dân tộc thiểu số nghèo chưa kịp thời dẫn đến năm 2018, 2019 có 3.135 trường hợp không được vay lãi suất ưu đãi (vay vốn theo Chương trình cho vay hộ nghèo với lãi suất 6,6%/năm trong khi lãi suất ưu đãi Chương trình cho vay hộ dân tộc thiểu số nghèo là 3,3%/năm) tương ứng tiền lãi ưu đãi 2,56 tỷ đồng.

Hay như việc áp dụng thời gian ân hạn 12 tháng đối với hầu hết các khoản cho vay không phù hợp quy định tại Quyết định 157/2007/QĐ-TTg (chỉ áp dụng trong trường hợp học sinh sinh viên (HSSV) ra trường chưa có việc làm/không có thu nhập); chính sách giảm lãi cho HSSV khi trả nợ trước hạn còn bất cập (đối tượng thực sự khó khăn lâu dài (như HSSV mồ côi, hoặc hộ nghèo) không được hưởng chính sách do không có khả năng trả nợ trước hạn; chính sách miễn giảm lãi giúp thu hồi và tăng nhanh vòng quay vốn không còn phù hợp do dư nợ của chương trình giảm nhiều; gia tăng cấp bù lãi suất từ NSNN).

Ngoài ra, ngân hàng chính sách xã hội cũng chưa triển khai quản trị hệ thống công nghệ thông tin đầy đủ theo định hướng, kế hoạch và quy định của ngân hàng nhà nước, khả năng hỗ trợ quản lý của hệ thống công nghệ thông tin chưa hiệu quả; chưa thực hiện đầy đủ các quy định của ngân hàng nhà nước về đảm bảo an toàn thông tin như chưa ban hành đầy đủ quy định về vận hành hệ thống dự phòng thảm họa, quy trình xử lý các tình huống mất an toàn, gián đoạn hoạt động của từng cấu phần trong hệ thống thông tin từ mức độ 2 trở lên; quản lý sử dụng thiết bị di động, sử dụng vật mang tin; quản lý mã khóa bí mật, kết nối internet…;

Ứng dụng công nghệ thông tin vào các nghiệp vụ liên quan đến báo cáo tài chính còn hạn chế: Quản lý thông tin cá nhân khách hàng chưa chặt chẽ, dẫn đến cho vay ưu đãi vượt hạn mức đối với khách hàng dùng 2 CMND; chưa bắt buộc ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý khách hàng vay là hộ gia đình, dẫn đến cho vay chồng chéo, sai quy định; quản lý các đối tượng xóa nợ trên hệ thống công nghệ thông tin chưa chặt chẽ...

Tại Vietcombank, đến cuối năm 2019, một số nghiệp vụ kế toán tài chính chưa được hoàn toàn tự động hạch toán trên các hệ thống công nghệ thông tin, một số dữ liệu chấm điểm xếp hạng tín dụng chưa được rà soát toàn diện dựa trên các nguồn dữ liệu sẵn có của đơn vị; Ứng dụng phân hệ thẻ tín dụng chưa tích hợp tự động chỉ tiêu lãi dự thu, lãi chưa thu với hệ thống…

Tin mới lên