Tiêu điểm

Kiến nghị không bố trí vốn kế hoạch năm 2020 cho dự án công giải ngân dưới 50%

(VNF) - Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị kiên quyết không bố trí vốn kế hoạch năm 2020 đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước (vốn trong nước) đến ngày 30/11/2019 giải ngân đạt dưới 50% kế hoạch vốn năm 2019 được giao đầu năm, trừ những dự án mua sắm trang thiết bị.

Kiến nghị không bố trí vốn kế hoạch năm 2020 cho dự án công giải ngân dưới 50%

Kiến nghị không bố trí vốn kế hoạch năm 2020 cho các dự án giải ngân vốn đầu tư công dưới 50% (Ảnh minh họa)

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vấn đề phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công là một “điểm mờ” trong bức tranh sáng của tổng thể nền kinh tế.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho hay, giải ngân 9 tháng đầu năm 2019 ước đạt 192.136 tỷ đồng, bằng 45,17% so với kế hoạch Quốc hội giao và bằng 49,14% so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, thấp hơn cùng kỳ năm 2018. Trong đó, giải ngân vốn trái phiếu chính phủ và ODA đều đạt thấp.

Có 7 Bộ, ngành và 14 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 70%, trong đó, 4 Bộ ngành và 4 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt trên 80%. Nhiều bộ, cơ quan trung ương và địa phương có tỷ lệ giải ngân vốn dưới mức bình quân chung, có 31 Bộ, cơ quan trung ương và 19 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 50%, trong đó, 17 bộ, cơ quan trung ương và 1 địa phương có tỷ lệ giải ngân đạt dưới 30%.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, sở dĩ tỷ lệ giải ngân vốn trái phiếu chính phủ và ODA thấp hơn nhiều so với cùng kỳ, chủ yếu là do năm 2019 phải thực hiện đồng thời với thủ tục điều chỉnh kế hoạch trung hạn, điều chỉnh hiệp định, nhiều dự án chưa kịp điều chỉnh để đi vào thực hiện, nhiều dự án trái phiếu chính phủ vào chu kỳ cuối, kết thúc thực hiện và giải ngân.

Đặc biệt, các dự án trái phiếu chính phủ quy mô lớn như Dự án đường Cao tốc Bắc - Nam, Cảng hàng không quốc tế Long Thành, các dự án hạ tầng giao thông... chiếm tới gần 50% tổng số vốn trái phiếu chính phủ của kế hoạch năm 2019 nhưng tiến độ giải ngân rất chậm, nên đã ảnh hưởng lớn đến tỷ lệ giải ngân chung của cả nước.

Về nguyên nhân, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, vướng mắc về thể chế, pháp luật đầu tư công là một trong những nguyên nhân khách quan, chẳng hạn: công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án còn nhiều bất cập, chưa kỹ, chưa tốt dẫn đến dự án và kế hoạch phải điều chỉnh nhiều lần; thủ tục điều chỉnh chưa được đơn giản hóa, phải được xét duyệt qua nhiều cấp, thủ tục này phải chờ thủ tục kia, mất nhiều thời gian, chưa chủ động, linh hoạt...

Những vướng mắc này đã được nhận diện trong quá trình sửa đổi Luật Đầu tư công, nhưng do Luật mới chưa có hiệu lực nên những vướng mắc vẫn còn tồn tại.

Một số nguyên nhân khách quan khác là việc thực hiện các quy định của Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, Luật Bảo vệ tài nguyên môi trường... còn nhiều lúng túng, mất nhiều thời gian trong công tác giải phóng mặt bằng, còn một số vướng mắc về khiếu kiện đất đai; thủ tục phê duyệt thiết kế, dự toán công trình, lựa chọn nhà thầu kéo dài; việc thực hiện phân cấp chưa triệt để, nhất là đối với 2 Chương trình mục tiêu quốc gia; sự khác biệt về thủ tục giải ngân, rút vốn giữa Việt Nam và các nhà tài trợ đối với các dự án ODA... 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng chỉ ra các nguyên nhân chủ quan như: công tác lập kế hoạch chưa sát với thực tế và khả năng giao vốn, khả năng giải ngân vốn dẫn đến không phân bổ được hết số vốn kế hoạch, nhiều dự án được giao kế hoạch vốn lớn hơn khả năng giải ngân, tiên lượng khả năng hoàn thiện thủ tục đầu tư chưa chính xác, kịp thời nên không giao được kế hoạch...

"Đây là trách nhiệm của cả cơ quan tổng hợp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) và của các bộ, ngành, địa phương, rà soát không kỹ, nể nang giữ nguyên đề xuất của bộ, ngành, địa phương mà không tham mưu, kiến nghị điều chỉnh phù hợp", Bộ Kế hoạch và Đầu tư thẳng thắn nhìn nhận.

Bên cạnh đó, công tác giao kế hoạch chậm, chưa phù hợp với yêu cầu tiến độ các dự án, bao gồm cả giao kế hoạch từ trung ương cho các bộ, ngành, địa phương và giao kế hoạch vốn của các bộ, ngành, địa phương cho các dự án cụ thể, dẫn tới các chủ đầu tư khó chủ động trong triển khai, thực hiện dự án; chưa quyết liệt trong việc hoàn thiện thủ tục đầu tư dự án, đề xuất phương án phân bổ chưa bám sát nguyên tắc, thứ tự ưu tiên; Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải chờ đợi các bộ, ngành, địa phương hoàn thiện mới tổng hợp, trình giao kế hoạch.

Cùng với đó, công tác phối hợp giữa các cơ quan tổng hợp còn chưa nhanh, chưa kịp thời, thậm chí có những Tờ trình giao kế hoạch của Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải qua nhiều vòng lấy ý kiến, mất vài tháng mới ban hành được Quyết định giao kế hoạch.

Nguyên nhân chủ quan khiến giải ngân vốn đầu tư công chậm cũng đến từ công tác tổ chức triển khai thực hiện tại các bộ, ngành và địa phương còn nhiều bất cập; các cấp, các ngành chưa thực sự vào cuộc, vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu chưa được đề cao, chưa rõ nét; công tác tuyên truyền đến người dân về chính sách bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng còn chưa đầy đủ, thiếu minh bạch, thiếu công bằng...

Riêng vấn đề giải ngân chậm nguồn vốn ODA thì có nhiều đặc thù, nhiều dự án phải thực hiện điều chỉnh hiệp định vay mặc dù dự án đã có khối lượng hoàn thành nhưng không thể giải ngân; công tác chuẩn bị đầu tư, chuẩn bị dự án còn tồn tại bất cập, dẫn tới tính sẵn sàng của dự án thấp; một số dự án không được bố trí vốn đối ứng đầy đủ, kịp thời đã ảnh hưởng đến khả năng hấp thụ, giải ngân vốn nước ngoài; dự án sử dụng vốn hỗn hợp gặp vướng mắc về thủ tục cho vay lại, chậm ký hợp đồng cho vay lại...

Giải ngân vốn đầu tư chậm là một “điểm mờ” trong bức tranh sáng của tổng thể nền kinh tế

Trên cơ sở những nguyên nhân trên, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề xuất 4 nhóm giải pháp chính.

Thứ nhất là nhóm giải pháp về thể chế. Cơ quan này đề xuất trình Chính phủ xem xét, cho phép không áp dụng quy định dự án phải có quyết định đầu tư trước 31/10 năm trước, bao gồm cả nhiệm vụ chuẩn bị đầu tư; không áp dụng quy định tiết kiệm 10% trên tổng mức đầu tư đối với các dự án sử dụng vốn trái phiếu chính phủ; nghiên cứu để trình cấp có thẩm quyền cho phép giao kế hoạch năm 2020 theo hướng đổi mới, phù hợp với Luật Đầu tư công năm 2019.

Thứ hai là nhóm giải pháp về chỉ đạo, điều hành, phối hợp.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị xác định rõ các nhiệm vụ cụ thể của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các bộ, ngành trung ương và địa phương trong toàn bộ các hoạt động liên quan đến phân bổ, giao kế hoạch và giải ngân vốn đầu tư công của kế hoạch năm 2019, trong đó, đặc biệt là tăng cường trách nhiệm trong công tác phối hợp giữa các cơ quan tổng hợp, cơ quan chuyên môn...

"Người đứng đầu các cơ quan, tổ chức phải có trách nhiệm trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc thực hiện và giải ngân vốn đầu tư công; phân công trong đội ngũ lãnh đạo chỉ đạo trực tiếp đối với một số dự án trọng điểm, có tỷ lệ giải ngân thấp của ngành, đơn vị, địa phương mình; kiên quyết xử lý các trường hợp cán bộ liên quan đến dự án có năng lực chuyên môn yếu, có biểu hiện nhũng nhiễu, tiêu cực, lợi ích nhóm làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện và giải ngân của dự án", cơ quan này nhấn mạnh.

Thứ ba là nhóm giải pháp về tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát phân bổ và giải ngân vốn đầu tư công.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị các cơ quan chuyên môn về thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, giám sát cần vào cuộc để góp phần phát hiện, xử lý, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đối với công tác giải ngân, ngăn chặn những hành vi tiêu cực, vi phạm pháp luật, bảo đảm đầu tư công được công khai, minh bạch, hiệu quả.

Đáng chú ý, ở nhóm giải pháp về chế tài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị kiên quyết không bố trí vốn kế hoạch năm 2020 đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước (vốn trong nước) đến ngày 30/11/2019 giải ngân đạt dưới 50% kế hoạch vốn năm 2019 được giao đầu năm, trừ những dự án mua sắm trang thiết bị.

Tin mới lên