Tiêu điểm

Kiến nghị tiếp tục cách ly xã hội đến hết ngày 30/4 đối với Hà Nội

(VNF) - Tại cuộc họp sáng 22/4, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 đã kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ áp dụng cách ly xã hội thêm 1 tuần nữa đối với Hà Nội nhưng cho phép thành phố này căn cứ vào tình hình thực tiễn có một số giải pháp nới lỏng hơn so với Chỉ thị 16/CT-TTg.

Kiến nghị tiếp tục cách ly xã hội đến hết ngày 30/4 đối với Hà Nội

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống dịch Covid-19 kiến nghị tiếp tục cách ly xã hội đến 30/4 đối với Hà Nội.

Qua trao đổi với các địa phương, Ban Chỉ đạo cho biết có 11/12 tỉnh tự đánh giá không còn thuộc nhóm nguy cơ cao, 8/15 tỉnh đánh giá mình không thuộc nhóm có nguy cơ.

Dựa trên các tiêu chí đánh giá, trong đó có yếu tố các tiêu chí chủ quan đã được tăng cường rất tốt trong tuần qua, đo lại các các tiêu chí khách quan, trong đó có chỉ số quan trọng là các ca bệnh phát hiện trong cộng đồng, Ban Chỉ đạo đánh giá còn duy nhất Hà Nội thuộc nhóm nguy cơ cao.

Đối với địa phương còn nguy cơ cao là TP. Hà Nội, Ban Chỉ đạo kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cần tiếp tục áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg thêm 1 tuần nữa (đến hết ngày 30/4). Tuy nhiên, Ban Chỉ đạo đề xuất Thủ tướng cho phép chủ tịch Uỷ ban nhân dân thành phố quyết định theo thẩm quyền việc mở các cửa hàng kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu các loại hình kinh doanh đường phố và theo tình hình thực tiễn tại địa phương nhưng phải bảo đảm phòng, chống dịch.

Đối với nhóm có nguy cơ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố quyết định theo thẩm quyền việc mở các cửa hàng kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu các loại hình kinh doanh đường phố và theo tình hình thực tiễn tại địa phương nhưng phải bảo đảm phòng, chống dịch.

Đối với nhóm nguy cơ thấp, các cửa hàng kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không thiết yếu được phép hoạt động, phải thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho người mua hàng; yêu cầu khách hàng phải thực hiện dãn cách đúng quy định. Chủ cửa hàng phải chịu trách nhiệm về các biện pháp phòng chống dịch của cơ sở do mình quản lý.

Ngoài ra, với các địa phương có cửa khẩu, khu công nghiệp lớn, có nhiều lao động tự do ở các thành phố lớn… cần hết sức chú trọng công tác phòng chống dịch cho các nhóm đối tượng này.

Riêng với nhóm có nguy cơ, mặc dù ca bệnh cuối cùng phát hiện tại TP. HCM đã qua 25 ngày nhưng vì là đô thị lớn và rất nhiều yếu tố rủi ro khác nên Ban Chỉ đạo đánh giá là có nguy cơ, cần phải chú trọng một số khâu.

Cùng với đó, tỉnh Bắc Ninh có ca bệnh mới nhất xuất hiện vào ngày 11/4, chưa qua 14 ngày. Tỉnh Hà Giang có ca bệnh phát hiện ngày 8/4, đã qua 14 ngày nhưng điều tra dịch tễ rất phức tạp, có tiềm ẩn nguy cơ trong cộng đồng. Đây cũng là tỉnh biên giới vẫn còn nguy cơ từ việc đi lại qua đường mòn, lối mở dù đã kiểm soát chặt.

Ban Chỉ đạo cũng đặc biệt lưu ý các tỉnh phải quản lý, kiểm soát chặt chẽ các cửa khẩu, đường mòn, lối mở; hết sức chú ý những nơi tập trung nhiều lao động tự do, nhà trọ; tăng cường hướng dẫn để đảm bảo các hoạt động sản xuất, kinh doanh an toàn; hướng dẫn chi tiết hoạt động giao thông đi lại.

Tính đến 6 giờ sáng 22/4/2020, Bộ Y tế không ghi nhận ca dương tính Covid-19. Tổng số ca nhiễm được ghi nhận tại Việt Nam cho đến nay vẫn là 268. Hôm qua, số người khỏi bệnh trên cả nước là 216, còn lại 52 người đang điều trị.

Hiện tại, tổng số người tiếp xúc gần và nhập cảnh từ vùng dịch đang được theo dõi sức khỏe (cách ly) là 67.022 người, trong đó, cách ly tập trung tại bệnh viện 358 người; cách ly tập trung tại cơ sở khác 18.263 người; cách ly tại nhà, nơi lưu trú 48.401 người.

Theo báo cáo của Tiểu ban Điều trị, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19, số ca có kết quả xét nghiệm 1 lần âm tính với SARS-CoV-2 là 12 ca. Số ca có kết quả xét nghiệm 2 lần âm tính với SARS-CoV-2 là 8 ca.

Tiểu ban Điều trị, Ban chỉ đạo Quốc gia phòng, chống Covid-19 cũng dự kiến số ca được công bố khỏi bệnh hôm nay là 6 ca.

Tin mới lên