Tài chính quốc tế

Kiến thức tiền ảo: Thế nào là Token tiện ích và Token cổ phần?

(VNF) - Năm 2017 vừa qua chứng kiến bước ngoặt đầy triển vọng cho các dự án ICO (dự án gọi vốn bằng tiền điện tử).

Kiến thức tiền ảo: Thế nào là Token tiện ích và Token cổ phần?

Kiến thức tiền ảo: Thế nào là Token tiện ích và Token cổ phần?

Trong số 10 nhân tố ảnh hưởng tới quyết định của nhà đầu tư để chọn tham gia vào ICOs, có một thuật ngữ chiếm đến 40% sự quan tâm của họ, đó chính là Token (theo khảo sát của Blockchain Review). 

Nắm giữ token, cũng như tiền điện tử, là một khoản đầu tư cực kỳ mạo hiểm. Biến động khôn lường, thay đổi chóng mặt, những dự án đầy rủi ro - có quá nhiều vấn đề để nhà đầu tư phải lo lắng. Trước làn sóng đó, một vài token thậm chí được coi là một tài sản chứng khoản và tất yếu phải chịu sức ép từ pháp luật.

Vào tháng 7/2017, SEC (Uỷ ban Giao dịch và Chứng khoán Hoa Kỳ) đã đưa ra một cuộc điều tra và kết quả cho thấy, DAO token được công nhận là một tài sản chứng khoán (security) và theo đó, một vài token khác cũng có thể được phân loại là chứng khoán và trở thành một chủ thể của pháp luật.

Thế nào là Token cổ phần (security token) và Token tiện ích (utility token)?

Security token là một dạng hợp đồng đầu tư trong đó, người sở hữu kỳ vọng vào sự sản sinh các khoản lợi nhuận trong tương lai như cổ tức, lợi tức từ doanh thu, hoặc phổ biến nhất là ăn chênh lệch giá. Một số dự án ICO sử dụng security token như một khoản tài trợ cho các tổ chức phi lợi nhuận, bằng cách đóng góp vào đó Bitcoin hoặc Ethereum. Tuy nhiên, hình thức này lại không đem đến sự bảo đảm về mặt pháp lý cho nhà đầu tư.

Nhiều người cho rằng token cổ phần sẽ trở thành loại token ICO chiếm ưu thế hơn cả. Tuy nhiên, Ủy ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Hoa Kỳ (SEC) chỉ ra rằng token cổ phần phải tuân thủ các quy định chứng khoán liên bang, và chỉ có vài công ty trang bị đủ tài nguyên để phát hành token tuân thủ tất cả các quy định hiện hành. Do đó, các nhà đầu tư không nên góp vốn vào token cổ phần ICO mà không có sự hướng dẫn của chuyên gia pháp lý chuyên về luật chứng khoán liên bang.

tZero là token cổ phần

Utility token (còn được gọi là token hoặc app coin) là một công cụ giúp nhà đầu tư tiếp cận với các sản phẩm và dịch vụ của ICOs sau khi hoàn thiện. Utility token không được phát hành để phục vụ mục đích đầu tư, do đó, loại token này không có nghĩa vụ tuân theo luật chứng khoán liên bang.  

Ví dụ một token tiện ích là Dacxi (DAC). Trong báo cáo nghiên cứu token Dacxi, các nhà giao dịch nắm giữ Dacxi coin trong tài khoản của mình để được giảm phí giao dịch trên sàn giao dịch và tham gia các tiện ích khác trên nền tảng của Dacxi.

Dacxi là token tiện ích

Token tiện ích không được thiết kế để làm khoản đầu tư. Tuy nhiên, nhiều người góp vốn vào ICO token tiện ích với niềm hy vọng giá trị của token sẽ tăng lên khi nhu cầu về sản phẩm hoặc dịch vụ của công ty tăng lên. Sự biến động giá của token tiện ích có thể so sánh như vé xem sự kiện thể thao vậy.

Giá vé sự kiện thể thao trong tương lai có thể tăng lên nếu một hoặc cả hai đội giành nhiều trận thắng và trở thành ứng cử viên sáng giá cho chức vô địch. Mặt khác, cùng một tấm vé đó nhưng có thể giảm giá trị nếu một cầu thủ ngôi sao chẳng may bị chấn thương hoặc có một đội chịu chuỗi bàn thua kéo dài.

Cách xác định một token là security hay utility

Để xác định một token là security hay utility, SEC (Uỷ ban Chứng khoán và Sàn giao dịch Hoa Kỳ) sẽ tiến hành đánh giá Howey test (được soạn thảo vào năm 1946) - một bài kiểm tra nhằm giải đáp hai câu hỏi:

Token có được bán như một khoản đầu tư?

Trong trường hợp này, nhà đầu tư mua token để nhận về một khoản lợi nhuận hoặc sự chênh lệch giá trong tương lai, hoặc ít nhất là token cung cấp một giá trị thực tiễn nào đó cho người mua. Do đó, chúng ta có thể xem security token như công ty, khi tiền đi vào từ một phía, chắc chắn sẽ có sản phẩm/ khoản tiền đi ra ở phía bên kia. 

Ai là người chịu trách nhiệm cho khoản đầu tư?

Chúng ta cần phải kiểm tra xem là do chỉ một cá thể, hay cả mạng lưới cùng tạo giá trị cho token. Có thể lấy Amazon là một ví dụ cho việc trách nhiệm tập trung vào một chủ thể hoặc một vài cá nhân trong mạng lưới (đối với lưu trữ đám mây). Ngược lại, một vài nền tảng “phi tập trung” như Storj (một dự án lưu trữ dữ liệu offchain chỉ cho phép người sở hữu truy cập vào dữ liệu của mình) lại phân bổ trách nhiệm cho nhiều bên để lưu trữ file hoặc kiểm tra quyền truy cập vào nền tảng.

Trong trường hợp thứ nhất, người nắm giữ token đóng vai trò là một "nhà đầu tư" chính hiệu, họ đặt toàn quyền quyết định vào tay bộ máy quản lý - những người chèo lái con thuyền và tạo ra sự phát triển cho cả nền tảng. Trong trường hợp thứ hai, những người sở hữu token chính là nhân tố then chốt tạo ra lực mua bán (cung cầu) cho token, qua đó ảnh hưởng trực tiếp lên giá trị token đó. 

Tin mới lên