Tiêu điểm

'Kinh doanh bằng 'quan hệ' đang gây khó cho đông đảo doanh nghiệp'

(VNF) - Theo báo cáo PCI 2016, 72% doanh nghiệp tại tỉnh trung vị năm 2016 cho biết "hợp đồng, đất đai,... và các nguồn lực kinh tế khác chủ yếu rơi vào tay các doanh nghiệp có liên kết chặt chẽ với chính quyền tỉnh", tuy giảm so với các năm trước, nhưng vẫn ở mức cao.

 'Kinh doanh bằng 'quan hệ' đang gây khó cho đông đảo doanh nghiệp'

Báo cáo PCI 2016 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cùng với Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) vừa công bố cho thấy vẫn tồn tại một "sân chơi" chưa bình đẳng giữa các doanh nghiệp tại các tỉnh, thành phố Việt Nam. Theo đó, thiệt thòi nhất vẫn luôn là nhóm doanh nghiệp dân doanh quy mô nhỏ và vừa.

Tại tỉnh trung vị trong khảo sát PCI hai năm qua, hơn 38% doanh nghiệp vẫn cho biết "tỉnh ưu ái cho các tổng công ty, tập đoàn của nhà nước gây khó khăn cho doanh nghiệp", tăng 6% (có ý nghĩa về mặt thống kê) so với năm 2013. Đồng thời, hơn 42% doanh nghiệp đồng ý "tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư nước ngoài hơn là phát triển khu vực tư nhân trong nước", tăng 14% so với năm 2013.

Đáng lo ngại, kinh doanh bằng mối quan hệ của một số doanh nghiệp tiếp tục chèn lấn các hoạt động kinh doanh của đông đảo các doanh nghiệp khác. 72% doanh nghiệp tại tỉnh trung vị năm 2016 cho biết "hợp đồng, đất đai,... và các nguồn lực kinh tế khác chủ yếu rơi vào tay các doanh nghiệp có liên kết chặt chẽ với chính quyền tỉnh", tuy giảm so với các năm trước, nhưng vẫn ở mức cao.

Không chỉ xuất thân, mối quan hệ, mà ngay cả quy mô cũng trở thành rào cản đối với một doanh nghiệp tư nhân. Quan ngại bị phân biệt đối xử trong quá trình hoạt động do quy mô nhỏ bé đang ngày một nhiều lên. Năm 2013, chỉ 35% doanh nghiệp ở tỉnh  trung vị đồng ý với nhận định "ưu đãi với các công ty lớn (nhà nước và tư nhân) là trở ngại cho hoạt động kinh doanh của bản thân doanh nghiệp", thì con số này đã tăng lên 56% (2015) và 55% (2016).

Nếu tình trạng này không cải thiện mạnh mẽ, khối doanh nghiệp nhỏ và vừa, chiếm tới 97% cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam sẽ khó trở thành động lực cho sự phát triển của nền kinh tế.

Cũng theo báo cáo PCI 2016, mối quan hệ cá nhân với công chức nhà nước vẫn tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong khả năng tiếp cận các thông tin, tài liệu quan trọng đối với hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp. Năm 2016, 66% doanh nghiệp tại tỉnh trung vị cho biết phải sử dụng các mối quan hệ để tiếp cận thông tin, cao hơn 16 điểm phần trăm so với mốc thấp lịch sử năm 2008. Mức biến động của chỉ tiêu này tương đối mạnh, trồi sụt theo thời gian và chưa có xu hướng cải thiện ổn định, bền vững.

Xu hướng tương tự cũng ghi nhận được ở tỷ lệ doanh nghiệp cho rằng "thương lượng các khoản thuế phải nộp là một phần thiết yếu trong hoạt động kinh doanh". Nhiều doanh nghiệp phải đầu tư nguồn lực và thời gian để phát triển các mối quan hệ cá nhân với các cơ quan chính quyền, thay vì sử dụng các nguồn lực đó để phát triển sản xuất, kinh doanh một cách hiệu quả.

Kết quả điều tra PCI nhiều năm qua đã khẳng định một môi trường kinh doanh thiếu minh bạch sẽ tạo ra nhiều cơ hội cho việc nhũng nhiễu, tham nhũng. Chi phí không chính thức giai đoạn 2014-2016 chưa có dấu hiệu cải thiện. Các chỉ tiêu đo lường ở giai đoạn này dường như diễn biến theo xu hướng tiêu cực hơn so với giai đoạn 2008-2013.

Trung bình có khoảng 66% doanh nghiệp tại tỉnh trung vị phải "móc hầu bao" cho các khoản không chính thức, cao hơn 12-15 điểm phần trăm so với giai đoạn 2008-2013. 9%-11% doanh nghiệp tham gia điều tra từ năm 2014-2016 cho biết các khoản chi cho riêng mục này chiếm tới hơn 10% tổng doanh thu của họ, cao hơn hẳn mức 6-8% giai đoạn 5 năm trước đó.

Ngoài ra, doanh nghiệp cho rằng tình trạng nhũng nhiễu khi giải quyết thủ tục cho doanh nghiệp vẫn phổ biến. Chỉ tiêu này dù được cải thiện trong 2 năm qua (giảm từ 65% năm 2013-2014 xuống còn 58% năm 2016) nhưng cao hơn hẳn kết quả điều tra các năm trước đó (2006-2012).

Tin mới lên