Thị trường

Kinh doanh khách sạn trong đại dịch: Tắc lối ra, chờ 'cởi trói'

(VNF) - Dịch bệnh và lệnh giãn cách xã hội nghiêm ngặt đã khiến các chủ doanh nghiệp khách sạn, resort, khu nghỉ dưỡng rơi vào tình cảnh bi đát. Họ đã làm mọi thứ có thể nhưng tình hình kinh doanh không cải thiện được là bao.

Kinh doanh khách sạn trong đại dịch: Tắc lối ra, chờ 'cởi trói'

Ông Thân Thành Vũ – Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Bất động sản Du lịch Việt Nam (VNTPA)

Theo báo cáo của Savills Việt Nam, trước khi đại dịch Covid-19 diễn ra, tỷ lệ phòng lấp đầy trung bình ở các khách sạn 3 - 5 sao tại Hà Nội thường xuyên đạt mức 74%, cao nhất trong 10 năm vừa qua, với giá phòng trung bình đạt 113 USD/phòng/đêm.

Tuy nhiên, đến năm 2020, dưới ảnh hưởng của Covid-19, tỷ lệ lấp đầy của thị trường này chỉ còn trung bình 30%, giảm 44 điểm % so với cùng kỳ năm trước. Giá phòng cũng vì thế giảm 30%, còn khoảng 81 USD/phòng/đêm. Trong 6 tháng đầu năm 2021, thị trường khách sạn Hà Nội tiếp tục chứng kiến sự sụt giảm, với tỷ lệ lấp đầy chỉ còn 25%, giá phòng trung bình khoảng 72 USD/phòng/đêm.

Tại Đà Nẵng, địa điểm du lịch trọng điểm của Việt Nam, tỷ lệ lấp đầy các khách sạn ở đây vào thời điểm năm2019 đạt 61% với giá phòng trung bình là 108 USD/phòng/đêm, nhưng đến năm 2020, tỷ lệ lấp đầy chỉ còn 17% với giá phòng tương đương 54 USD/phòng/đêm. Đến năm 2021, tỷ lệ lấp đầy phòng khách sạn 3 - 5 sao tại Đà Nẵng giảm xuống mức thấp nhất trong 10 năm vừa qua, chỉ còn 11% và giá phòng trung bình chỉ đạt 49 USD/phòng/đêm.

Tại TP. HCM, với những tác động của đợt dịch thứ 4, những quy định nghiêm ngặt về giãn cách xã hội, tỷ lệ lấp đầy trong quý II/2021 chỉ đạt 18% với giá phòng trung bình là 69 USD/phòng/đêm.

Những số liệu đáng buồn nêu trên đã cho thấy bức tranh u ám của ngành khách sạn tại 3 thành phố lớn nhất đất nước. Để nhìn rõ hơn những đường nét, mảng màu của bức tranh ấy, Tạp chí Đầu tư Tài chính - VietnamFinance đã có cuộc trao đổi với ông Thân Thành Vũ – Phó chủ tịch thường trực kiêm Tổng thư ký Hội Bất động sản Du lịch Việt Nam (VNTPA):

- Những số liệu dường như là quá đủ nhưng những câu chuyện thực tế về sự khó khăn của doanh nghiệp khách sạn lại gần như rất thiếu. Ông có thể chia sẻ rõ hơn những câu chuyện thực tế này?

Ông Thân Thành Vũ: Tôi có khoảng 100 người bạn làm trong lĩnh vực khách sạn, resort, khu nghỉ dưỡng thì 100 người đều than thở về chuyện kinh doanh. Hầu hết các cơ sở tôi biết đều trong trạng thái hoạt động lay lắt, từ Phú Quốc đến Nha Trang hay Đà Nẵng đều vậy. Mà đó còn là trước tháng 6/2021, còn từ tháng 6/2021 trở đi thì “zero” (số 0) luôn rồi, vì làm gì có khách đâu. Đi lại khó khăn, xét nghiệm lên xuống, cách ly dài ngày, ai đâu yên đấy thì lấy ai ở khách sạn.

Một khách sạn hoạt động phải gánh rất nhiều chi phí: nhân công, điện nước, bảo dưỡng, lãi vay... Khách sạn hoạt động mà không có khách hoặc mỗi ngày chỉ đón được vài khách thì thu không đủ chi, trong trung hạn đã không ai chịu nổi, nói gì là dài hạn. Việc đóng cửa khách sạn, thực tế, cũng gây ra những tổn thất rất lớn cho chủ sở hữu, nhẹ thì tường ẩm mốc, hoen ố, vật dụng không được lau dọn, bảo dưỡng dẫn đến xuống cấp, nặng thì chuột cắn phá dây điện, có thể gây hư hỏng, cháy nổ khách sạn. Đến khi có thể mở cửa kinh doanh thì riêng chi phí tôn tạo, phục hồi cũng đã ngốn của chủ sở hữu một đống tiền.

Đóng cửa khách sạn, không có doanh thu, không có dòng tiền tự do, nhưng nợ ngân hàng thì đến hạn vẫn phải trả. Nhiều chủ khách sạn hiện nay rơi vào cảnh bị chuyển nhóm nợ. Hệ lụy tương lai là sau dịch không thể tiếp cận tín dụng, không thể khôi phục kinh doanh.

Về nhân sự, ngành khách sạn bị chảy máu nhân sự nặng nề, vì giới chủ không có khả năng trả lương cho người lao động. Viễn cảnh chắc chắn xảy ra là khi hoạt động trở lại, các khách sạn sẽ “đói” người. Doanh nghiệp lại phải tuyển dụng, đào tạo từ đầu, lại phải vất vả thêm lần nữa, tốn kém lần nữa, mà đào tạo cấp thấp còn dễ chứ cấp cao rất khó. Khách sạn có mở cửa được cũng phải từng bước, phải tốn kém rất nhiều mới có thể ổn định được.

- Dường như giới chủ khách sạn đã chọn cách buông tay trong dịch bệnh?

Điều quan trọng nhất với cơ sở lưu trú là khách lưu trú, không có khách thì không có nguồn thu, không có nguồn thu thì không thể cầm cự. Nếu nói về giải pháp ứng phó của giới chủ khách sạn trong tình cảnh dịch bệnh thì chỉ có giải pháp về dòng tiền, tức là đi vay. Ai cũng cố vay mượn để có tiền trả lương cho ban giám đốc, cho những nhân sự không thể để mất, cho việc lau dọn, bảo dưỡng khách sạn và cho lãi vay.

Khách sạn 1.000 tỷ đồng, chủ đầu tư đi vay để xây dựng 800 tỷ đồng, lãi suất thấp cũng 10%, như vậy riêng tiền lãi mỗi tháng khoảng 8 tỷ đồng, cộng chi phí khác nữa thì khoảng chục tỷ đồng. Một tháng ngồi không cũng mất chục tỷ đồng. Nợ thì có thời hạn, lấy tiền đâu để đảo nợ? Tất yếu là phải đi vay bên ngoài thôi. Tôi biết có nhiều ông chủ khách sạn phải đi vay nóng ngoài xã hội, chịu lãi ngày để có tiền hoạt động.

- Mô hình khách sạn cách ly không cứu được khách sạn sao?

Không nhiều khách sạn trở thành khu cách ly trả phí và thực tế doanh thu từ việc trở thành khu cách ly cũng không nhiều, vì không có bao khách cả, làm cầm chừng vậy thôi, chủ yếu để khách sạn có người ra người vào. Nếu ai đó nói khách sạn cách ly là điểm sáng của ngành khách sạn thì đó chỉ là ánh sáng của con đom đóm, đó không phải là lối ra của thị trường khách sạn.

- Tình trạng rao bán khách sạn diễn ra khá nhiều với khách sạn cấp thấp, vậy với khách sạn cấp cao thì sao?

Không khác nhau là bao, chẳng qua khách sạn nhỏ thì như căn nhà, dễ rao bán, còn khách sạn cao cấp thì kín tiếng hơn. Anh em vẫn gửi dự án tới nhờ tôi xem giùm, nhờ chuyển nhượng. Chuyện này nhiều lắm, hằng ngày luôn, không chỉ với dự án đã hoạt động mà ngay cả dự án đang dở dang. Tình trạng bi đát không chừa người giàu hay người nghèo.

- Vắc xin sẽ là lối thoát cho ngành khách sạn trong tương lai?

Có vắc xin, ngành khách sạn sẽ có được hi vọng. Tuy vậy, điều làm tôi lo ngại hiện nay là hình ảnh Việt Nam trong mắt quốc tế. Những hình ảnh giăng dây, rào chắn tại nhiều tỉnh thành khiến du khách phương Tây rất e ngại khi muốn tới Việt Nam. Cách chính quyền mở ra, đóng vào sẽ khiến du khách bị sốc nếu họ đang tới Việt Nam du lịch.

- Như vậy, ngay cả đề án thí điểm đón khách tới Phú Quốc cũng sẽ phải tính toán thêm nhiều yếu tố?

Tôi không được biết hết về đề án này, nhưng có thể thấy ngay vài điểm. Một là Phú Quốc sẽ phản ứng thế nào nếu đang đón khách mà bùng dịch? Không phong tỏa thì dịch lây lan mà phong tỏa thì chẳng lẽ “nhốt” du khách trong nửa tháng? Hai là ai sẽ quảng bá cho việc đón khách tới Phú Quốc? Doanh nghiệp không thể làm một mình, vì chi phí lớn mà không hiệu quả, vậy Chính phủ hay tỉnh Kiên Giang sẽ làm? Ba là Chính phủ hoặc tỉnh Kiên Giang có hỗ trợ gì cho doanh nghiệp lưu trú tại Phú Quốc không hay để mạnh ai nấy chạy?

- Vậy ông có khuyến nghị gì đối với nhà chức trách?

Chính sách chống dịch hiện nay khiến nguồn sống của các khách sạn gần như bị đứt hết. Doanh nghiệp chỉ có thể thắt lưng buộc bụng và chịu đựng thôi. Không còn cách nào cả. Khi bạn bị trói tay, trói chân, bạn chỉ có thể chờ người cởi trói cho thôi. Tôi nghĩ với tình hình hiện nay, phải tới năm 2025, ngành khách sạn mới trở lại như cũ

Tin mới lên