Tài chính quốc tế

Kinh tế Nhật bất ngờ lao dốc do lạm phát nóng, nguy cơ suy thoái toàn cầu

(VNF) - Nền kinh tế Nhật Bản bất ngờ suy giảm vào quý III, đánh dấu mức thụt lùi đầu tiên kể từ 1 năm trước và đi ngược dự báo tăng trưởng. Mức sụt giảm mới của nền kinh tế thứ 3 thế giới do đồng yên yếu và chi phi nhập khẩu tăng mạnh, gia tăng thêm lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế toàn cầu.

Kinh tế Nhật bất ngờ lao dốc do lạm phát nóng, nguy cơ suy thoái toàn cầu

Kinh tế Nhật thu hẹp trong quý III/2022 do ảnh hưởng bởi giá nhập khẩu tăng, lạm phát nóng và đồng yên yếu.

Theo dữ liệu mới được công bố hôm 15/11, tổng sản phầm quốc nội (GDP) Nhật Bản trong quý III giảm 1,2%. Đây là lần suy giảm đầu tiên trong vòng 4 quý gần nhất.

Tổng sản phẩm quốc nội thực tế, đã điều chỉnh theo lạm phát, giảm 0,3% so với quý trước, theo dữ liệu sơ bộ do Văn phòng Nội các công bố.

Con số tăng trưởng đi ngược lại với dự báo trung bình của thị trường về mức mở rộng 1,2% trong một cuộc khảo sát của Kyodo News, là điềm xấu đối với chính phủ của Thủ tướng Fumio Kishida. Đặc biệt, chính phủ này vừa “bơm” 29.000 tỷ yên (206,45 tỷ USD) chi tiêu bổ sung trong ngân sách nhằm giảm bớt tác động của lạm phát với các hộ gia đình.

Sự sụt giảm về quy mô kinh tế mới nhất diễn ra chỉ ba tháng sau khi Nhật Bản chứng kiến ​​GDP phục hồi về mức trước đại dịch, nhấn mạnh sự mong manh của nền kinh tế lớn thứ ba thế giới với tốc độ tăng trưởng tiềm năng vẫn ở mức thấp liên tục.

Lạm phát tăng nhanh, vượt qua mục tiêu 2% của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ), đè nặng lên tâm lý người tiêu dùng.

Nhập khẩu tăng 5,2%, trong khi xuất khẩu chỉ tăng 1,9%. Tăng nhập khẩu có thể tác động tiêu cực đến GDP, đo lường tổng giá trị hàng hóa và dịch vụ được tạo ra trong một quốc gia. Chi phí năng lượng tăng cao đã giáng một đòn mạnh vào nền kinh tế Nhật Bản.

Ngoài việc bị chèn ép bởi suy thoái toàn cầu và lạm phát tăng cao, Nhật Bản còn phải đối phó với thách thức khi đồng yên trượt giá xuống mức thấp nhất trong 32 năm so với đồng USD, làm gia tăng căng thẳng về chi phí sinh hoạt bằng cách tiếp tục nâng giá mọi thứ từ nhiên liệu cho các mặt hàng thực phẩm.

Yuichi Kodama, nhà kinh tế trưởng tại Viện nghiên cứu Yasuda Meiji cho biết: "Nhập khẩu năng lượng tăng và đồng yên yếu đi đã thúc đẩy giá nhập khẩu".

Ông Kodama nói thêm: “Nền kinh tế Nhật Bản cũng đang đứng trước nguy cơ suy thoái. Đồng yên mất giá quá nhanh trong thời gian gần đây khiến các công ty buộc phải tăng giá và sẽ gây bất lợi cho người tiêu dùng”.

Trong ba tháng tính đến tháng 9, nhu cầu trong nước được hỗ trợ nhờ việc dỡ bỏ các hạn chế phòng dịch Covid-19 trước đây đã áp lực lên hoạt động kinh tế.

Tuy nhiên, triển vọng tăng trưởng của Nhật vẫn khá mù mờ, do việc thắt chặt tiền tệ mạnh mẽ của các ngân hàng trung ương lớn, bao gồm Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), đã làm dấy lên lo ngại về suy thoái kinh tế toàn cầu.

Tăng trưởng ở Trung Quốc, một đối tác thương mại lớn của Nhật Bản, dự kiến ​​cũng sẽ bị cản trở bởi chính sách zero-Covid và những vấn đề về bất động sản.

Chống lại làn sóng thắt chặt chính sách toàn cầu, BoJ đã không dao động trong cam kết duy trì chính sách lãi suất cực thấp. Thống đốc Haruhiko Kuroda cho biết ngân hàng trung ương cần theo dõi tác động của việc tăng lãi suất toàn cầu đối với thị trường tài chính, nhưng sự phục hồi tương đối chậm của đất nước sau làn sóng lan tỏa của đại dịch có nghĩa là nền kinh tế vẫn còn nhiều cơ hội tăng trưởng.

Atsushi Takeda, nhà kinh tế trưởng tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Itochu, cho biết: “Sự suy giảm (trong quý III) là điều bất ngờ”. Tuy nhiên, ba trụ cột chính của nhu cầu, bao gồm tiêu dùng, chi tiêu vốn và xuất khẩu, vẫn ở mức tích cực, do đó, nhu cầu không yếu như số liệu ban đầu cho thấy.

Mặc dù vậy, những rủi ro đối với triển vọng của Nhật Bản đã tăng lên khi nền kinh tế toàn cầu đang trên bờ vực suy thoái. Bộ trưởng Kinh tế Shigeyuki Goto cho biết suy thoái kinh tế toàn cầu có thể ảnh hưởng đến các hộ gia đình và doanh nghiệp.

Toru Suehiro, nhà kinh tế trưởng tại Daiwa Securities Co., cho biết tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản dễ bị dao động trong làn sóng Covid-19.

"Quý IV nên là giai đoạn tăng trưởng, nhưng 'làn sóng thứ tám' của các ca nhiễm Covid-19 chắc chắn có nghĩa là có khả năng tốc độ tăng trưởng sẽ giảm trong quý I/2023", ông Suehiro nói, đồng thời dự báo rằng thực tế GDP Nhật Bản sẽ tăng 1,7% trong năm tài khóa 2022.

Darren Tay, Chuyên gia kinh tế Nhật Bản tại Capital Economics, nhận xét rằng năm 2023 sẽ rất khó khăn với kinh tế Nhật Bản.  

"Vào năm 2023, Nhật Bản sẽ bị kéo vào suy thoái nhẹ trong nửa đầu năm do suy thoái toàn cầu sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu và đầu tư kinh doanh", ông Tay dự đoán.

Xem thêm >> Nhật Bản gồng mình chống 'bão giá'

Tin mới lên