Tài chính quốc tế

Kinh tế Nhật 'điêu đứng' vì chiến dịch tẩy chay hàng hóa của người Hàn

Trong số các công ty Nhật Bản hoạt động ở Hàn Quốc, chuỗi quần áo Uniqlo của công ty Fast Retailing đang trở thành một trong những mục tiêu lớn nhất của chiến dịch tẩy chay hàng Nhật ở Hàn Quốc.

Kinh tế Nhật 'điêu đứng' vì chiến dịch tẩy chay hàng hóa của người Hàn

Uniqlo trở thành một trong những mục tiêu lớn nhất của chiến dịch tẩy chay hàng Nhật ở Hàn Quốc. Ảnh: AFP/TTXVN 

Theo hãng tin Kyodo, trong lúc chiến dịch tẩy chay hàng Nhật của người tiêu dùng Hàn Quốc vẫn đang tiếp tục do những tranh cãi kéo dài giữa hai nước liên quan tới các vấn đề lịch sử và thương mại, nhiều chuyên gia kinh tế nhận định Nhật Bản đang phải chứng kiến những tác động tồi tệ nhất của làn sóng tẩy chay này.

Những quan ngại ngày càng gia tăng trong giới doanh nghiệp Nhật Bản khi mà làn sóng tẩy chay hàng Nhật đang nhanh chóng lan rộng và việc hủy chuyến bay từ Hàn Quốc sang Nhật Bản đang tăng.

Trong số các công ty Nhật Bản hoạt động ở Hàn Quốc, chuỗi quần áo Uniqlo của công ty Fast Retailing đang trở thành một trong những mục tiêu lớn nhất của chiến dịch tẩy chay hàng Nhật ở Hàn Quốc.

Trong khi đó, hãng sản xuất đồ thể thao Descente đã hạ dự báo lợi nhuận cho tài khóa 2019 và ước tính lợi nhuận ròng của mình sẽ giảm 82,3% xuống còn 700 triệu yen (6,5 triệu USD), giảm mạnh so với con số dự báo trước đó là 5,3 tỷ yen.

Các siêu thị và cửa hàng tiện lợi ở Hàn Quốc đã rút bia Nhật ra khỏi các giá bán hàng. Theo Bộ Tài chính Nhật Bản, trong tháng 9/2019, kim ngạch xuất khẩu bia của Nhật Bản sang Hàn Quốc đã sụt giảm 99,9% so với cùng kỳ năm trước xuống còn 588.000 yen.

Quan hệ Nhật-Hàn đã nhanh chóng xấu đi sau khi Tòa án Tối cao Hàn Quốc hồi tháng 10/2018 ra phán quyết buộc một công ty Nhật Bản phải đền bù cho những người Hàn Quốc bị cưỡng ép làm việc cho công ty này trong thời kỳ Nhật Bản đô hộ bán đảo Triều Tiên giai đoạn 1910-1945.

Một tháng sau đó, một công ty khác của Nhật Bản cũng phải nhận một phán quyết tương tự. Mặc dù vậy, Tokyo vẫn duy trì quan điểm cho rằng các vấn đề chiến tranh đã được giải quyết trong thỏa thuận mà Nhật Bản và Hàn Quốc ký năm 1965 khi hai nước bình thường hóa quan hệ.

Tranh cãi ngoại giao giữa hai nước láng giềng ở Đông Bắc Á đã gia tăng vào tháng 12 năm ngoái khi một tàu khu trục của Hàn Quốc được cho là khóa radar kiểm soát hỏa lực vào một máy bay tuần tra của Nhật Bản trong vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản. Sau đó, Seoul đã cáo buộc rằng máy bay tuần tra Nhật Bản đã cố ý bay ở độ cao thấp.

Vào tháng 7/2019, Nhật Bản đã siết chặt quản lý xuất khẩu đối với một số nguyên liệu quan trọng cho các nhà sản xuất bán dẫn của Hàn Quốc – một động thái Seoul coi là hành động trả đũa của Tokyo đối với các phán quyết của tòa án Hàn Quốc về vấn đề lao động cưỡng ép. Điều này đã dẫn tới phong trào tẩy chay hàng Nhật ở Hàn Quốc.

Các chuyên gia cho rằng tác động của chiến dịch tẩy chay hàng Nhật ở Hàn Quốc có thể sẽ không lan rộng. Ông Yuichi Takayasu, Giáo sư về kinh tế Hàn Quốc tại trường Đại học Daito Bunka ở Tokyo và là một cựu quan chức Chính phủ Nhật Bản từng làm việc tại Đại sứ quán Nhật Bản ở Seoul, nhận định: “Chiến dịch tẩy chay này đang nhằm vào các mặt hàng tiêu dùng và không có tác động tới kinh tế vĩ mô”.

Mặc dù tất cả 4 hãng bia lớn của Nhật Bản đều thừa nhận họ đang bị tác động bởi làn sóng tẩy chay hàng Nhật ở Hàn Quốc, nhưng ảnh hưởng của làn sóng này đối với ngành công nghiệp bia Nhật Bản nói chung tương đối hạn chế, bởi xuất khẩu bia sang Hàn Quốc chỉ chiếm một tỷ lệ nhỏ trong hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp này.

Ông Kristin Chiu, Giám đốc phụ trách quan hệ công chúng của công ty TNHH Tập đoàn Asahi, đơn vị sở hữu công ty TNHH Đồ uống Asahi vẫn thường biết đến với nhãn hàng chủ lực Super Dry, nói: “Các sản phẩm mang thương hiệu Asahi là sản phẩm bia nhập khẩu số một ở Hàn Quốc trong 8 năm liên tiếp cho đến năm 2018, nhưng có vẻ như, việc duy trì vị trí này trong năm nay là rất khó khăn, một phần do chiến dịch tẩy chay này”.

Tuy nhiên, Suntory Beer Ltd., một hãng sản xuất đồ uống khác của Nhật Bản, cho hay chiến dịch tẩy chay hàng Nhật ở Hàn Quốc gần như không ảnh hưởng tới tình hình kinh doanh của hãng này vì kim ngạch xuất khẩu sản phẩm bia thương hiệu The Premium Malt của hãng này sang Hàn Quốc chỉ chiếm 0,5% trong tổng hoạt động kinh doanh bia.

Đối với ngành du lịch, một số điểm du lịch có vị trí địa lý gần Hàn Quốc như thị trấn nghỉ dưỡng Beppu ở phía Tây Nam đảo Kyushu cũng bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, ông Ryoichi Namba, chuyên gia kinh tế trưởng ở Viện Nghiên cứu Kinh tế-Xã hội khu vực Chubu, cho rằng chi tiêu bởi khách Hàn Quốc không là nhân tố lớn đối với ngành du lịch. Ông nói: “Không nên cường điệu các ảnh hưởng của quan hệ tồi tệ giữa Nhật Bản và Hàn Quốc lên nền kinh tế Nhật Bản”.

Các chuyên gia nhận định sự sụt giảm mạnh về số lượng du khách Hàn Quốc tới Nhật Bản chủ yếu tác động lên các hãng lữ hàng và hàng không Hàn Quốc. Hãng hàng không giá rẻ Air Seoul Inc., một công ty thuộc sở hữu 100% vốn của hãng hàng không Asiana Airlines Inc. của Hàn Quốc, dự định sẽ đóng cửa 50% trong tổng số 12 văn phòng của mình ở Nhật Bản.

Theo Giáo sư Takayasu của Đại học Daito Bunka, “trong lúc tranh cãi chính trị giữa hai nước có thể sẽ kéo dài, điều lý tưởng là tách biệt các vấn đề chính trị với các vấn đề kinh tế để duy trì quan hệ kinh tế” giữa hai nước.

Tin mới lên