Tài chính quốc tế

Kinh tế trên bờ vực sụp đổ khi Taliban chiếm quyền kiểm soát, tương lai nào cho Afghanistan?

(VNF) - Tình trạng hỗn loạn chính trị những ngày qua có nguy cơ làm đảo ngược các thành quả kinh tế vốn đã rất hạn chế, phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài và hỗ trợ quốc tế của Afghanistan.

Kinh tế trên bờ vực sụp đổ khi Taliban chiếm quyền kiểm soát, tương lai nào cho Afghanistan?

Chiến sự căng thẳng, người dân Afghanistan đổ xô tới ngân hàng để rút tiền.

Sau 20 năm xung đột, hàng nghìn người chết và khoản tiêu tốn ít nhất 1 nghìn tỷ USD của Mỹ, Taliban đã quay lại, lật đổ chính phủ Afghanistan một cách chóng vánh vào ngày 15/8.

“Có nhiều lý do khiến chúng tôi cực kỳ bi quan về nền kinh tế của Afghanistan. Tôi không thấy được sự ổn định kinh tế trong nhiều năm tới. Để làm được điều đó, cần phải có luật pháp và trật tự ”, ông Talmiz Ahmad, cựu đại sứ Ấn Độ tại Saudi Arabia, Oman và UAE, nhận định.

Theo Ngân hàng Thế giới, nền kinh tế của Afghanistan hiện chủ yếu phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài với doanh thu nội địa chỉ đủ trang trải khoảng một nửa các khoản chi ngân sách.

GDP của Afghanistan tăng vọt từ năm 2003 đến năm 2012.

Nền kinh tế của nước này tăng trưởng trung bình 9,4% từ năm 2003 đến năm 2012, được thúc đẩy bởi sự bùng nổ của mảng dịch vụ và nông nghiệp do Mỹ đưa quân vào nước này năm 2001. Tuy nhiên sau đó, hoạt động kinh tế của Afghanistan chững lại ở mức trong bình khoảng 2,5% từ năm 2015 đến năm 2020 do mức viện trợ giảm sút.

Theo dữ liệu của Liên hợp quốc, kể từ năm 2014 đến nay chỉ có tổng cộng 4 nhà đầu tư nước ngoài rót vốn vào Afghanistan. 

Khu vực kinh tế tư nhân của Afghanistan cũng khá hẹp, theo Ngân hàng Thế giới. Việc làm chủ yếu tập trung trong lĩnh vực nông nghiệp năng suất thấp với 60% hộ gia đình thu nhập từ nghề nông.

Do hậu quả của Covid-19, hạn hán kéo dài, lượng kiều hối ít dần, thương mại giảm sút và bất ổn ngày càng tăng trong nước, Quỹ Tiền tệ Quốc tế hồi tháng 6 đã điều chỉnh dự báo tăng trưởng của Afghanistan giảm xuống 2,7%, thấp hơn so với ước tính 4% trước đó.

Với sự sụp đổ của chính phủ, giá lương thực sẽ tăng lên khi các nước láng giềng đóng cửa biên giới và việc mua dự phòng dẫn đến lạm phát gia tăng, dự báo sẽ đạt 5,8% vào cuối năm nay.

Tương lai nào cho kinh tế Afghanistan?

Bất ổn chính trị và lo ngại về an ninh có thể sẽ làm suy giảm hoạt động kinh tế của Afghanistan khi các đại sứ quán nước ngoài, các tổ chức phi lợi nhuận hoạt động trong nước và các tổ chức khác liên quan đến việc tái thiết phải di dời nhân viên của họ.

Trước khi Taliban nắm chính quyền, các nhà tài trợ quốc tế đã cam kết tài trợ dân sự 12 tỷ USD cho giai đoạn 2021–2024 tại hội nghị Geneva vào tháng 11/2020 nhằm ủng hộ sự phát triển và cải cách của Afghanistan,

Ông Haji Obaidullah Khail, Chủ tịch Hội đồng Kinh doanh Afghanistan tại Dubai, cho rằng: “Bất kỳ chính phủ mới nào dưới thời Taliban cần phải “duy trì các mối quan hệ quốc tế tốt hơn” để giúp nền kinh tế phát triển và thu hút đầu tư. Các nguồn đầu tư có thể đến từ Trung Quốc và Nga”.

Afghanistan vốn có một nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú. Một số loại khoáng sản có trữ lượng khá lớn như đồng, coban, than, quặng sắt. Ngoài ra nước này còn có cả dầu khí, đá quý và một loại khoáng sản có tiềm năng đặc biệt nổi bật là lithium - kim loại sử dụng để sản xuất pin cho các thiết bị di động và ô tô điện.

Afghanistan vốn có một nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú, nhiều nhất là sắt, đồng, niobium.

Đã có nhiều thông tin cho rằng Trung Quốc muốn tham gia vào khai thác nguồn tài nguyên thiên nhiên của Afghanistan. Tuy nhiên, dù các doanh nghiệp Trung Quốc đã giành được hợp đồng khai thác đồng và dầu khí tại Afghanistan thì khả năng triển khai cũng rất thấp bởi những lo ngại trước các vấn đề an ninh và tham nhũng.

“Đầu tư trực tiếp nước ngoài hiện nay sẽ rất khó khăn. Sẽ không có công ty nào muốn đầu tư vào một quốc gia không có sự đảm bảo về lợi nhuận”, ông Nihar Ranjan Das, một chuyên gia về Nam Á và là cựu quan chức của Hội đồng các vấn đề thế giới của Ấn Độ, nhận định.

Ông cho rằng việc Taliban tiếp quản hoàn toàn Afghanistan có thể khiến một nửa lực lượng lao động tháo chạy khỏi đất nước, “đặc biệt, họ có thể sẽ không cho phép phụ nữ làm việc”.

Nhiều nước cũng đã đánh tiếng sẽ cắt đứt các khoản viện trợ nếu Taliban tiếp quản đất nước và ban hành đạo luật Hồi giáo Sharia trong khi nhiều tổ chức thì cho biết sẽ theo dõi chặt chẽ những diễn biến trên chính trường Afghanistan để có những động thái phù hợp.

Xem thêm >> Ấn Độ tính chi 1.350 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng, cạnh tranh với Trung Quốc

Tin mới lên