Tài chính quốc tế

Kinh tế Trung Quốc suy yếu vì 'quái vật' Delta

(VNF) - Áp đặt loạt biện pháp nghiêm ngặt để ngăn chặn sự lây lan của biến chủng Delta, Trung Quốc ghi nhận doanh số bán lẻ chỉ tăng trưởng 2,5% trong tháng 8, thấp hơn nhiều so với mức ước tính 7% của Bloomberg trước đó.

Kinh tế Trung Quốc suy yếu vì 'quái vật' Delta

Một nhân viên đang phun thuốc khử trùng tại phòng xét nghiệm Covid-19 tại một trung tâm triển lãm ở thành phố Nam Kinh, tỉnh Giang Tô, Trung Quốc.

Trong tháng 7, Trung Quốc đã ghi nhận hàng trăm ca mắc mới biến chủng Delta ở khoảng 30 khu vực. Do đó, chính quyền Trung Quốc đã áp đặt loạt biện pháp nghiêm ngặt để ngăn chặn dịch bệnh lây lan.

Điều này đã khiến người tiêu dùng Trung Quốc vốn đã thận trọng trong chi tiêu từ trước đó lại càng trở nên dè dặt hơn. Hoạt động du lịch cũng bị ảnh hưởng nặng nề ngay trong cao điểm nghỉ hè.

Thêm vào đó, việc chính quyền Trung Quốc mở chiến dịch trấn áp vào loạt ngành như công nghệ, giáo dục cũng đè nặng lên tâm lý của người tiêu dùng.

Theo số liệu vừa được Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc công bố, doanh số bán lẻ của nước này tăng trưởng 2,5% so với cùng kỳ năm ngoái, thấp hơn rất nhiều so với mức ước tính 7% của các chuyên gia kinh tế của Bloomberg.

Sản lượng công nghiệp tăng 5,3%, cũng thấp hơn mức dự báo là 5,8%.

Khảo sát Chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) cũng cho thấy khu vực dịch vụ đã quay đầu giảm vào tháng 8. Doanh số của nhà hàng và dịch vụ ăn uống giảm 4,5% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm ngoái, trong khi doanh số bán quần áo giảm 6%.

Đầu tư vào lĩnh vực bất động sản cũng giảm đáng kể sau khi Bắc Kinh siết chặt luồng tín dụng cho lĩnh vực này. Theo Bloomberg, doanh số bán nhà tại 4 thành phố hàng đầu Trung Quốc giảm 16% trong tháng 8 so với cùng kỳ năm trước. Tăng trưởng đầu tư bất động sản chậm lại còn 10,9%.

Ngành công nghiệp xe hơi cũng gặp thiệt hại khi các nhà sản xuất đối mặt tình trạng gia tăng chi phí, thiếu chip bán dẫn hay gián đoạn do lũ lụt gần đây.

"Các ổ dịch Covid-19 và thiên tai đã ảnh hưởng nặng nề lên nền kinh tế. Môi trường toàn cầu khá ảm đạm và những tác động từ các chùm lây nhiễm mới cùng với các thảm họa tự nhiên trong nước như lũ lụt đã gây sức ép lên nền kinh tế, điều này được phản ánh rõ ràng qua các số liệu", Tổng cục thống kê Trung Quốc nhận định.

Cho tới nay, chính quyền Trung Quốc vẫn chưa áp dụng các biện pháp kích thích kinh tế quy mô lớn. Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) sẽ giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc với các ngân hàng lần nữa trong vài tháng tới, sau lần giảm bất ngờ hồi tháng 7.

Xem thêm >> World Bank: Kinh tế Việt Nam có thể phục hồi mạnh mẽ từ cuối quý III

Tin mới lên