Tiêu điểm

Kinh tế tư nhân: Đã yếu lại còn gặp gió!

(VNF) – Khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam có tốc độ tăng trưởng nhanh nhưng thiếu bền vững, hiệu quả hoạt động không cao, thiếu liên kết, dễ phá sản, đã vậy còn phải chịu hàng loạt rào cản lớn nhỏ khác nhau.

Kinh tế tư nhân: Đã yếu lại còn gặp gió!

Khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam vẫn đang chịu nhiều rào cản

Yếu như kinh tế tư nhân

Theo PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn – Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội,  trong thời gian qua, khu vực kinh tế tư nhân đã bước tăng trưởng ngoạn mục, thể hiện ở sự gia tăng nhanh chóng về số lượng doanh nghiệp, từ 5,5 vạn lên 40 vạn vào năm 2014, chiếm 96,5% tổng số doanh nghiệp.

Số liệu từ Tổng điều tra các cơ sở kinh doanh cá thể phi nông nghiệp năm 2015 cho thấy, số lượng hộ kinh doanh cá thể phi nông nghiệp tăng liên tục từ 2,26 triệu hộ (2002) lên 4,75 triệu hộ (2015).

Tuy có sự gia tăng mạnh mẽ về số lượng như vậy, song quy mô doanh nghiệp của khu vực kinh tế tư nhân còn rất nhỏ bé. Thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư năm 2014 cho thấy có 97,6% doanh nghiệp đang hoạt động tại Việt Nam thuộc loại vừa, nhỏ và siêu nhỏ.

Lấy chỉ tiêu lao động mà xét, doanh nghiệp nhà nước có số lao động bình quân là 504, doanh nghiệp FDI là 312, còn doanh nghiệp ngoài nhà nước chỉ đạt 18 (số liệu năm 2015). Hay chỉ tiêu vốn, năm 2014, có một nửa số doanh nghiệp ngoài nhà nước có vốn bình quân chỉ khoảng 5 tỷ đồng và chỉ 6% có vốn bình quân trên 50 tỷ đồng. Trong khi đó con số này ở doanh nghiệp nhà nước là 5% và 66%; doanh nghiệp FDI là 2% và 41%.

Kinh tế tư nhân đã yếu lại còn gặp gió ảnh 1

Khu vực kinh tế tư nhân tăng trưởng tốt nhưng thiếu bền vững, dễ phá sản

Không chỉ nhỏ bé, khu vực kinh tế tư nhân cũng bộc lộ sự thiếu bền vững trong phát triển khi tỷ lệ doanh nghiệp phá sản hoặc ngưng hoạt động luôn chiếm tỷ lệ rất lớn hàng năm. Đơn cử trong số 10.400 doanh nghiệp phá sản năm 2016 có 9.700 doanh nghiệp có quy mô vốn dưới 10 tỷ đồng, chiếm 93,3% và tăng 23,3% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, các doanh nghiệp thuộc khu vực kinh tế tư nhân chủ yếu chỉ phát triển trong mảng dịch vụ, có xu hướng bị "bật bãi" khỏi lĩnh vực công nghiệp và mất thị phần trong mảng bán lẻ cho các doanh nghiệp nước ngoài.

Cụ thể, số liệu niên giám thống kê các năm từ 2002 – 2015 cho thấy lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn nhất là thương mại, bán  buôn, bán lẻ, sửa chữa ô tô, xe máy (chiếm 39 – 41% tổng số doanh nghiệp ngoài nhà nước). Ở lĩnh vực chế biến – chế tạo, số doanh nghiệp đã thoái lui từ 23,5% (năm 2002) xuống còn 16% (năm 2014). Còn ở lĩnh vực nông nghiệp, con số này tụt xuống chỉ còn 1% (năm 2014).

Bên cạnh đó, theo đánh giá của PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tư nhân chưa cao, thể hiện ở năng suất lao động rất thấp. Đơn cử năng suất lao động của doanh nghiệp FDI năm 2015 đạt 242,5 triệu đồng, gấp 1,36 lần khu vực kinh tế nhà nước (176,9 triệu đồng) và gấp tới 7,8 lần khu vực kinh tế tư nhân (31,3 triệu đồng).

Thấp về năng suất, khu vực kinh tế tư nhân lại yếu về khả năng đổi mới, sáng tạo. Phần lớn các doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa gần như không có điều kiện nghiên cứu đổi mới kĩ thuật công nghệ bởi vốn bình quân quá thấp. Có lẽ đóng góp lớn nhất của khu vực kinh tế tư nhân là giải quyết việc làm cho người lao động và góp phần lớn vào GDP quốc gia, song điều đáng lo ngại là phần lớn khoản đóng góp này đến từ khu vực kinh tế cá thể (30%) còn các doanh nghiệp ngoài nhà nước chỉ có 8 – 10%.

Hàng loạt rào cản

Vẫn theo PGS.TS Nguyễn Hồng Sơn, hiện khu vực kinh tế tư nhân vẫn đang chịu nhiều rào cản từ khuôn khổ pháp luật đến các chi phí kinh doanh.

Cụ thể, môi trường pháp lý vẫn chưa hoàn thiện theo nguyên tắc pháp quyền; còn nhiều quy định chồng chéo, không rõ ràng, phức tạp khiến cả cơ quan thừa hành và doanh nghiệp loay hoay như gà mắc tóc.

Rào cản về gia nhập thị trường vẫn tồn tại khi quyền tự do kinh doanh chưa được tôn trọng đầy đủ trên thực tế; môi trường kinh doanh vẫn chưa thực sự đảm bảo cạnh tranh công bằng, việc rút khỏi thị trường cũng gặp nhiều trở ngại.

Mặc dù Luật Đầu tư có hiệu lực thi hành nhưng một số Bộ vẫn ban hành, soạn thảo các thông tư quy định về điều kiện kinh doanh. Do đó, trong báo cáo môi trường kinh doanh 2017, chỉ số "Khởi sự kinh doanh" đã giảm 10 bậc và ở thứ hạng rất thấp (vị trí 121).

Thêm vào đó, các doanh nghiệp ngoài nhà nước đang phải gánh chịu một khoản chi phí không chính thức rất cao, chiếm từ 10 – 12% tổng doanh thu.

Kinh tế tư nhân đã yếu lại còn gặp gió ảnh 2

Tiếp cận vốn vay vẫn là rào cản lớn đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ

Ngoài ra, doanh nghiệp tư nhân có quy mô nhỏ vẫn hết sức khó khăn trong việc tiếp cận thông tin, tiếp cận đất đai và mặt bằng cho sản xuất. Thống kê cho thấy năm 2015 có 46% doanh nghiệp siêu nhỏ, 44% doanh nghiệp nhỏ, 29% doanh nghiệp vừa chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Các doanh nghiệp này cũng gặp  khó khăn trong tiếp cận vốn vay, không được hưởng ưu đãi về thuế quan như các doanh nghiệp FDI, trong khi đó lại chịu sức ép cạnh tranh gay gắt từ khối ngoại. Hệ quả là phần lớn doanh nghiệp Việt Nam vẫn co cụm ở thị trường nội địa. Năm 2015 chỉ có 3% doanh nghiệp siêu nhỏ, 4% doanh nghiệp nhỏ và gần 9% doanh nghiệp vừa có khách hàng nước ngoài.

Một nghiên cứu của các giảng viên Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội cũng chỉ ra rằng áp lực cạnh tranh với hàng nhập khẩu Trung Quốc đã làm phá sản và đẩy hàng loạt doanh nghiệp nhỏ - vừa của Việt Nam phải lui về các ngành thâm dụng lao động với năng suất thấp. Điều này càng khiến  nguy cơ "thua trên sân nhà" ngày càng trở nên hiện hữu.

Tin mới lên