Diễn đàn VNF

Kinh tế Việt Nam đối diện nguy cơ tăng trưởng thấp nhất trong 35 năm

(VNF) – Vietnam Report dẫn dự báo của 2 đơn vị quốc tế cho rằng kinh tế Việt Nam năm 2020 có thể có mức tăng trưởng thấp nhất tính từ giữa thập niên 1980.

Kinh tế Việt Nam đối diện nguy cơ tăng trưởng thấp nhất trong 35 năm

Kinh tế Việt Nam đối diện nguy cơ tăng trưởng thấp nhất trong 35 năm

Theo nhận định của nhiều chuyên gia tài chính, nền kinh tế thế giới đang vô cùng bất ổn. Tình hình kinh tế vĩ mô sẽ được quyết định bởi các phản ứng chính sách trong ba lĩnh vực chính: y tế, tiền tệ và tài khóa.

Do chịu tác động của đại dịch, đặc biệt là tới các ngành du lịch, xuất khẩu và cầu nội địa suy yếu, mới đây, tổ chức xếp hạng tín nhiệm Fitch Ratings dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2020 sẽ tăng chậm lại, từ mức 7,0% của năm 2019 về 3,3%.

Trong khi đó, ngày 31/3, một nghiên cứu độc lập khác của hãng nghiên cứu thị trường Fitch Solutions điều chỉnh tốc độ tăng trưởng của Việt Nam về mức 2,8%.

“Cả hai dự báo đều cho thấy nền kinh tế Việt Nam có thể là mức tăng trưởng thấp nhất tính từ giữa thập niên 1980”, Vietnam Report nhấn mạnh.

Tuy nhiên, Fitch kỳ vọng kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi vào năm 2021, với mức tăng trưởng dự kiến ​​là 7,3% khi sức cầu trong và ngoài nước dần hồi phục, xuất khẩu, du lịch và FDI tăng trở lại.

Dựa trên một số dữ kiện kinh tế vĩ mô, phản ứng chính sách của Chính phủ, hoạt động giao thương của nền kinh tế và các kịch bản khả thi nhất của kinh tế toàn cầu, Vietnam Report đã đưa ra 3 kịch bản sau với nền kinh tế Việt Nam.

Kịch bản thứ nhất là kinh tế toàn cầu và kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh. Với kịch bản này, khi đại dịch được kiểm soát trên phạm vi toàn cầu trong khoảng quý II/2020, tăng trưởng kinh tế toàn cầu trở lại nhanh chóng theo hình chữ V, nền kinh tế Việt Nam sẽ bắt đầu có dấu hiệu phục hồi nhanh chóng từ đầu quý III/2020.

Các hoạt động sản xuất kinh doanh, xuất nhập khẩu của doanh nghiệp được khôi phục, có thể nhắm đến việc hoàn thành chỉ tiêu tăng trưởng đã đặt ra khi các cơ quan chức năng tung ra các gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp cũng như Chính phủ tăng cường giải ngân vào các dự án hạ tầng lớn. Xác suất để kịch bản này xảy ra dự báo khoảng 20%.

Kịch bản thứ hai là kinh tế toàn cầu phục hồi chậm và kinh tế Việt Nam phục hồi nhanh.

Kịch bản này xây dựng trên giả thuyết đại dịch được kiểm soát trên phạm vi toàn cầu trong khoảng quý III/2020. Khi đó, tăng trưởng kinh tế toàn cầu phục hồi chậm theo hình chữ U và nền kinh tế Việt Nam sẽ bắt đầu có dấu hiệu phục hồi ít nhất từ đầu quý III/2020, với tốc độ giữa hình chữ U và chữ V.

Hoạt động sản xuất kinh doanh của toàn nền kinh tế bắt đầu khởi sắc trở lại. Phần lớn các doanh nghiệp khôi phục năng lực sản xuất và lực cầu trong công chúng có dấu hiệu phục hồi nhanh. Trong kịch bản này, các cơ quan chức năng vẫn cần nhanh chóng tung ra các gói cứu trợ và Chính phủ vẫn cần tăng cường chi tiêu công để kích cầu và hỗ trợ sản xuất. Xác suất kịch bản này xảy ra dự báo khoảng 60-70%.

Kịch bản thứ ba là nền kinh tế toàn cầu rơi vào chu kỳ suy thoái mới, kinh tế Việt Nam trì trệ.

Ở kịch bản này, khả năng sự lây lan virus trên toàn cầu tái diễn, sự phục hồi tăng trưởng của các nền kinh tế lớn (Mỹ, EU) chậm theo đồ hình giữa chữ L và chữ U. Triển vọng đạt được mục tiêu tăng trưởng 2020 của kinh tế Việt Nam là rất khó khả thi vì sự sụt giảm các đơn hàng xuất khẩu trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao.

Hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, nhiều doanh nghiệp sẽ phải tạm dừng hoạt động hoặc phá sản. Tình trạng trì trệ của nền kinh tế sẽ kéo dài đến hết năm 2020. Xác suất kịch bản này xảy ra dự báo khoảng 10-20%.

Trong bối cảnh kinh tế vĩ mô sụt giảm, thị trường ảm đạm, lời khuyên của các chuyên gia đến từ các công ty quản lý quỹ và tài sản hàng đầu trên thế giới (JPMorgan, Amundi, HSBC, LGIM và Invesco) cho các nhà đầu tư trong thời điểm hiện tại đều là tập trung nâng cao tính hiệu quả của công tác quản lý rủi ro.

Về cổ phiếu và chỉ số S&P500, phần lớn đều cho rằng thời điểm hiện tại rất khó để đưa ra dự đoán chính xác nhưng nhìn chung sẽ giảm mạnh. Thị trường sẽ trải qua một đợt sụt giảm đáng kể và mức độ nghiêm trọng đến đâu còn tùy thuộc vào các phản ứng chính sách của các quốc gia cũng như độ lan rộng của đại dịch.

Trong thời gian này, nếu có đầu tư chỉ nên đầu tư vào các cổ phiếu an toàn, ít sử dụng đòn bẩy tài chính và các công ty có bảng cân đối tài chính sạch.

Các chuyên gia này cũng thống nhất đây là cơ hội để đầu tư vào các hình thức phái sinh khác để mở rộng danh mục đầu tư tránh rủi ro.

Về một chính sách tài khóa mở rộng được thực hiện bằng cách gia tăng cung tiền thông qua việc in một lượng tiền lớn và phân phối cho công chúng để kích thích nền kinh tế (helicopter money), các chuyên gia đều cho rằng việc sử dụng các công cụ của chính sách tài khóa để cứu trợ nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân là cần thiết trong thời điểm này. Sự hỗ trợ tài khóa sẽ có thể đưa đến các kết quả khác nhau tùy từng quốc gia và chính sách phản ứng của Chính phủ.

Việc sử dụng mọi công cụ trong tay để đảm bảo một chu trình phục hồi hình chữ V là cần thiết trong thời điểm hiện tại.

Tin mới lên