Tài chính quốc tế

Knight Frank: Việt Nam sẽ có gần 26 ngàn người sở hữu tài sản hơn 1 triệu USD vào năm 2025

(VNF) - Trong 5 năm tới, số lượng giới siêu giàu ở Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng khoảng 31% trong khi mức trung bình toàn cầu là 27%, theo báo cáo mới đây của Knight Frank.

Knight Frank: Việt Nam sẽ có gần 26 ngàn người sở hữu tài sản hơn 1 triệu USD vào năm 2025

5 năm tới, Việt Nam dự kiến có lượng người siêu giàu tăng nhanh hàng đầu thế giới.

Việt Nam là quốc gia có nhiều người giàu tự thân nhờ sự tăng trưởng của các ngành bán lẻ, công nghệ, bất động sản và tài chính. Thế kỷ 21 cũng là thời điểm các tập đoàn doanh nghiệp lớn bắt đầu bước vào giai đoạn chuyển giao quyền lực và cải cách công ty.

Mới đây, hãng tư vấn bất động sản lớn nhất thế giới Knight Frank tiếp tục công bố báo cáo The Wealth Report, thống kê số lượng người siêu giàu tại Việt Nam. Theo báo cáo, Việt Nam đã có 5 tỷ phú USD và dự kiến sẽ tăng lên 6 tỷ phú USD vào năm 2025.

Cũng trong năm 2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, số lượng người sở hữu từ 1 triệu USD trở lên tại Việt Nam đã giảm nhẹ so với thời điểm 5 năm trước, từ 20.645 người xuống còn gần 19.491 người, tương đương mức giảm 6%. Trong khi đó, những người sở hữu từ 30 triệu USD trở lên giảm từ 405 xuống còn 390 người.

Tuy nhiên, Knight Frank dự báo Việt Nam sẽ có tốc độ tăng trưởng người siêu giàu nhanh hàng đầu thế giới, khoảng 31%, trong 5 năm tới. Cụ thể, tới năm 2025, Việt Nam được sự báo sẽ có 511 người có tài sản trên 30 triệu USD và 25.812 người sở hữu tài sản hơn 1 triệu USD.

Theo bản thống kê này, để lọt vào top 1% người giàu nhất Việt Nam, một người cần có tài sản ít nhất 160.000 USD. Tại Singapore, điều kiện cao nhất để lọt vào top 1% giàu nhất là sở hữu ít nhất 2,9 triệu USD. Điều kiện này tại Hàn Quốc, Trung Quốc, Malaysia, Philippines và Indonesia lần lượt là 1,2 triệu USD, 850.000 USD, 540.000 USD và 60.000 USD. 

Trên toàn cầu, dân số siêu giàu tăng 2,4% trong năm 2020 lên hơn 520.000 người nhờ các gói cứu trợ Covid-19 và cú hích từ lãi suất thấp. Mặc dù vậy, xu hướng này không đồng đều khi các khu vực như Mỹ Latin, Trung Đông chứng kiến sự sụt giảm của người siêu giàu do biến động tiền tệ và tác động của đại dịch.

Trong 5 năm tới, không chỉ riêng Việt Nam mà dự kiến toàn Châu Á sẽ chứng kiến tốc độ tăng trưởng của nhóm người giàu nhanh nhất thế giới với mức tăng 39%, so với mức tăng trung bình 27% toàn cầu. Theo đó, dân số siêu giàu châu Á sẽ chiếm 24% toàn cầu, tăng 17% so với một thập kỷ trước. Khu vực này hiện có số lượng tỷ phú USD nhiều nhất thế giới, chiếm 36% toàn cầu.

Xem thêm >> Credit Suisse: Trung Quốc có 5,3 triệu phú USD, sẽ tăng gấp đôi trong 5 năm tới

Tin mới lên