Ngân hàng

KoCham muốn Ngân hàng Nhà nước giúp ngân hàng của Hàn Quốc mở chi nhánh tại Việt Nam

(VNF) – Hiệp hội doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam (KoCham) mong muốn Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hỗ trợ để các ngân hàng của Hàn Quốc mở chi nhánh và thành lập pháp nhân tại Việt Nam.

KoCham muốn Ngân hàng Nhà nước giúp ngân hàng của Hàn Quốc mở chi nhánh tại Việt Nam

KoCham muốn Ngân hàng Nhà nước giúp ngân hàng của Hàn Quốc mở chi nhánh tại Việt Nam

Sáng nay (10/1), Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam thường niên 2019 (VBF) đã được tổ chức tại Hà Nội.

Nêu tham luận tại diễn đàn, KoCham đã đề cập tới nhiều vấn đề, nhiều kiến nghị đối với Chính phủ Việt Nam. Một trong những nội dung đáng chú ý là KoCham đề nghị Ngân hàng Nhà nước hỗ trợ các ngân hàng Hàn Quốc mở chi nhánh tại Việt Nam.

Theo KoCham, tính đến nay, khoảng 8.000 công ty Hàn Quốc đã đầu tư vào Việt Nam và sẽ còn tiếp tục tăng hơn nữa. Các công ty Hàn Quốc đang nhanh chóng mở rộng các khu vực đầu tư như: Hà Nội, TP. HCM, các vùng ngoại ô khác (Bắc Ninh, Bắc Giang, Hải Phòng, Phú Thọ, Đồng Nai, Bình Dương…) và cả khu vực miền Trung như Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam.

KoCham cho rằng để các công ty Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam ổn định, việc cấp vốn từ các ngân hàng của Hàn Quốc là rất cần thiết. Vì doanh nghiệp mới đầu tư chưa có kết quả kinh doanh nên phải sử dụng khoản vay bằng tín dụng hoặc tài sản của công ty mẹ; muốn nhận thông tin địa phương cũng như được tư vấn tài chính từ các ngân hàng của Hàn Quốc. Ngoài ra, các công ty cũng muốn sử dụng các chính sách hỗ trợ khác nhau được cung cấp bởi các tổ chức tài chính chính sách của Hàn Quốc (Quỹ bảo lãnh tín dụng, Quỹ bảo lãnh công nghệ…) thông qua các ngân hàng của Hàn Quốc.  

Do đó, KoCham đề nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam hỗ trợ để các ngân hàng của Hàn Quốc mở chi nhánh và thành lập pháp nhân tại khu vực này.

“Các công ty mới đầu tư càng phát triển ổn định với sự hỗ trợ của các ngân hàng Hàn Quốc thì càng có nhiều việc làm được tạo ra ở Việt Nam, và tạo ra sự tăng trưởng chung cùng với các công ty Việt Nam trong chuỗi cung ứng, điều này sẽ góp phần giúp Việt Nam chuyển đổi sang nền kinh tế dựa trên sản xuất”, KoCham nhìn nhận.

Ngoài nội dung trên, một đề xuất đáng chú ý khác của KoCham là mong muốn được tham gia vào các dự án lớn.

Lấy ví dụ về dự án cao tốc Bắc – Nam, KoCham cho biết ban đầu, đấu thầu rộng rãi có sơ tuyển (Pre-qualification) đoạn PPP của dự án cao tốc Bắc - Nam được tiến hành theo phương thức đấu thầu quốc tế, tuy nhiên việc này đã bị hủy bỏ và Việt Nam chỉ cho các công ty trong nước được tham gia; ngay cả tham gia với tư cách thầu phụ cũng loại trừ các doanh nghiệp nước ngoài.

“Điều này có thể có tác động tiêu cực đến uy tín quốc gia do việc hủy bỏ đấu thầu. Bằng việc giới hạn sự tham gia của các công ty nước ngoài, chúng tôi tin rằng không chỉ các doanh nghiệp nước ngoài bị tước đi cơ hội tham gia mà còn cản trở việc giới thiệu kinh nghiệm và công nghệ của các nước tiên tiến vào các dự án cơ sở hạ tầng chính của Việt Nam, không có lợi cho sự phát triển của Việt Nam”, KoCham nêu quan điểm.

Hiệp hội này đề nghị rằng trong các dự án vốn trên xã hội (Social Overhead Capital Projects) sau này, Chính phủ Việt Nam nên cho phép các doanh nghiệp nước ngoài được tham gia vào dự án.

Tin mới lên