Tài chính

Kosy (KOS): Lãi trước thuế quý IV giảm 54%

(VNF) – Sự sụt giảm của doanh thu kinh doanh bất động sản trong quý IV/2021 đã kéo lợi nhuận trước thuế của Công ty Cổ phần Kosy (HoSE: KOS) giảm 54% so với cùng kỳ năm trước, chỉ đạt 10 tỷ đồng.

Kosy (KOS): Lãi trước thuế quý IV giảm 54%

Kosy (KOS): Lãi trước thuế quý IV giảm 54%, dòng tiền kinh doanh âm năm thứ 6 liên tiếp

Quý IV/2021, doanh thu thuần hợp nhất của KOS là 305 tỷ đồng, giảm 51% so với cùng kỳ năm trước. Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự sụt giảm này là doanh thu kinh doanh bất động sản gần như “mất trắng”, chỉ đạt 4 tỷ đồng, giảm tới 97% so với cùng kỳ.

Lợi nhuận gộp quý IV/2021 đạt 11 tỷ đồng, giảm 67%.

Trong quý, doanh thu tài chính là điểm sáng khi vẫn “ổn định” so với năm trước, đạt 29 tỷ đồng. Bên cạnh đó, chi phí bán hàng giảm mạnh xuống còn 1 tỷ đồng, chi phí tài chính không tăng thêm, đứng ở mức 11 tỷ đồng.

Tuy vậy, KOS chịu lỗ khác 10 tỷ đồng. Đây là khoản tiền được thuyết minh là “chi phí tài trợ, ủng hộ”.

Kết quý IV/2021, KOS báo lãi trước thuế 10 tỷ đồng, giảm 54% so với cùng kỳ. Lãi sau thuế đạt 7 tỷ đồng, giảm 46%.

Lũy kế cả năm 2021, doanh thu thuần của KOS đạt 1.106 tỷ đồng, giảm 15% so với năm trước. Lợi nhuận gộp đạt 50 tỷ đồng, giảm 36%.

Trong năm, doanh thu tài chính đạt 47%, tăng 9%. Các loại chi phí được khống chế tương đối tốt: chi phí tài chính giảm 7%, chi phí bán hàng giảm 73%, chi phí quản lý giữ nguyên.

Song chừng đó là không đủ để “cứu” đà suy giảm của lợi nhuận, vì công ty còn phải gánh thêm 12 tỷ đồng lỗ khác. Kết năm 2021, KOS chỉ lãi trước thuế 30 tỷ đồng, giảm 11% so với năm trước. Song lãi sau thuế đi ngang, đạt 22 tỷ đồng.

Về tài sản, tại ngày 31/12/2021, tổng tài sản của KOS đạt 3.868 tỷ đồng, tăng 76% so với đầu năm. Cơ cấu tài sản có điểm nổi bật là sự gia tăng của các khoản phải thu ngắn hạn, tăng 37% lên 1.093 tỷ đồng và hàng tồn kho tăng 24% lên 1.295 tỷ đồng. Tổng giá trị của các khoản phải thu và hàng tồn kho là 2.388 tỷ đồng, chiếm 62% tổng tài sản.

Trong năm, công ty cũng phát sinh 389 tỷ đồng chi phí xây dựng cơ bản dở dang.

Về nguồn vốn, tại ngày kết năm 2021, nợ phải trả của KOS là 1.604 tỷ đồng, tăng 54% so với đầu năm. Cơ cấu nợ có điểm đáng chú ý là khoản vay ngắn hạn giảm 18% xuống 393 tỷ đồng, song khoản vay dài hạn lại tăng gần 3 lần lên 825 tỷ đồng.

Vốn chủ sở hữu tại cùng thời điểm là 2.263 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với đầu năm. Nhờ màn tăng vốn chủ, KOS đã cải thiện rất lớn về hệ số nợ phải trả/vốn chủ sở hữu của mình, xuống mức rất thấp.

Năm 2021, KOS có dòng tiền kinh doanh âm 295 tỷ đồng chủ yếu do tăng các khoản phải thu (111 tỷ đồng) và tăng tồn kho (255 tỷ đồng). Đáng chú ý, đây là năm thứ 6 liên tiếp KOS âm dòng tiền kinh doanh. Từ năm 2016 – 2020, dòng tiền kinh doanh âm lần lượt là: -139 tỷ đồng, -98 tỷ đồng, -532 tỷ đồng, -197 tỷ đồng, -347 tỷ đồng). Có thể nói dòng tiền kinh doanh âm là căn bệnh kinh niên của doanh nghiệp địa ốc – năng lượng này.

Dòng tiền đầu tư của KOS năm 2021 cũng âm 81 tỷ đồng, do công ty tăng mua sắm tài sản (154 tỷ đồng), tăng đầu tư góp vốn vào đơn vị khác (215 tỷ đồng).

Trong khi đó, dòng tiền vay – trả cho thấy KOS đã giảm đi vay và tăng trả nợ gốc vay, đạt 415 tỷ đồng/604 tỷ đồng.

Tuy nhiên, lưu chuyển tiền thuần cả năm chỉ âm 4 tỷ đồng là do KOS được bổ sung dòng tiền dồi dào từ việc tăng vốn chủ. Bởi vậy, lượng tiền và tương đương tiền không bị sụt giảm quá nhiều, đạt 16 tỷ đồng khi kết năm 2021.

Tin mới lên