Diễn đàn VNF

Kỷ niệm ngày báo chí cách mạng Việt Nam: Làm báo thời công nghệ

(VNF) - Tháng 3/2010, đến thăm tòa soạn The New York Times (The Times), tờ báo danh tiếng nhất trong lịch sử Hoa Kỳ, thành lập năm 1851, với số lượng phát hành hàng triệu bản mỗi ngày, tôi ngạc nhiên khi nghe tin khoảng dăm năm nữa báo này có thể sẽ ngừng xuất bản báo giấy. Báo này đang đối diện với tình trạng sụt giảm doanh thu liên tục nhiều năm. Các chi phí, nhân lực được cắt giảm. Chiến lược số hóa gấp rút được triển khai, mở ra hướng phát triển mới. Và sau này, tôi đã chứng kiến cú lội ngược dòng ngoạn mục, giúp tờ báo này lấy lại vị thế của mình.

Kỷ niệm ngày báo chí cách mạng Việt Nam: Làm báo thời công nghệ

Ảnh minh họa

Bắt đầu một thời kỳ mới của ngành báo chí với câu hỏi nóng bỏng: Khi công nghệ thay đổi, các thiết bị điện tử lên ngôi, những tờ báo giấy sẽ chuyển mình như thế nào để sống sót và tiếp tục phát triển. The New York Times thực sự xứng đáng là người dẫn đường khi tiên phong chuyển đổi số bằng kho tàng nội dung không giới hạn của họ.

Ngay sau đó, họ đã tận dụng triệt để sức mạnh lan truyền của các nền tảng mạng xã hội phổ biến. Họ chọn Facebook, Facebook Live và Snapchat làm kênh giao tiếp với độc giả bằng các định dạng content hiện đại là VR (trải nghiệm thực tế ảo) và video 360 độ. Song song với đó là sự phát triển của phiên bản di động và đẩy mạnh các ứng dụng Cooking, Crossword, tạo sản phẩm độc lập với nội dung của tờ báo, hoạt động trên nền tảng web lẫn tích hợp trong phiên bản di động của ứng dụng The New York Times…

Trở về Việt Nam, tôi thực sự lo lắng cho tương lai của tờ báo Gia đình và Xã hội mà mình phụ trách và tập trung nguồn lực để phát triển báo điện tử. Ngày đó, mới có vài ba báo điện tử có sức lan tỏa trong thị trường báo chí như VnExpress, Dân trí, VietNamNet. Còn trang thông tin điện tử của một số tờ báo có tên tuổi, lượng phát hành lớn thì vẫn còn rất nghèo nàn. Thậm chí nhiều báo chưa có trang thông tin điện tử.

Trước khi về báo Gia đình và Xã hội, tôi làm Tổng biên tập tạp chí Gia đình và Trẻ em. Từ 2005, tôi đã xây dựng trang thông tin điện tử Giadinh.net.vn và triển khai phiên bản thử nghiệm. Đầu năm 2007, tôi nhận quyết định làm Tổng biên tập Gia đình và Xã hội. Trang thông tin điện tử Giadinh.net.vn mới định hình, đi vào hoạt động được gần 2 năm, nếu không có điều kiện đầu tư và tổ chức tốt đội ngũ làm báo điện tử thì sẽ không phát triển được, gây tốn kém kinh phí cho tờ tạp chí với lực lượng rất mỏng.

Tôi báo cáo lãnh đạo, xin đưa toàn bộ trang thông tin điện tử Giadinh.net.vn cùng đội ngũ cán bộ, biên tập viên về và thành lập phòng Báo điện tử của báo Gia đình và Xã hội. Báo Gia đình và Xã hội là một trong số các báo sớm có trang thông tin điện tử. Nhờ có cách tiếp cận riêng nên Giadinh.net đã sớm chiếm lĩnh bạn đọc, có số lượng bạn đọc đứng tốp đầu các trang thông tin điện tử thời bấy giờ, đặc biệt là về đề tài gia đình.

Tôi nhận thấy đội ngũ cán bộ phóng viên của báo Gia đình và Xã hội trẻ trung, năng động, yêu nghề, cần kích hoạt động lực sáng tạo và quy tụ sức mạnh tổng hợp của toàn tòa soạn để phát triển báo điện tử. Với tiềm năng đó báo điện tử Giadinh.net sẽ là tờ báo mạng đầy tiềm năng, có thể làm nên chuyện.

Ngoài việc phát triển các ấn phẩm chuyên san, chuyên đề, nâng cao chất lượng các số báo ra thường kỳ, tôi chủ trương đẩy mạnh phát triển báo điện tử Giadinh.net. Việc đầu tiên là triển khai tòa soạn hội tụ. Phân công một Phó Tổng biên tập trực tiếp phụ trách báo điện tử. Tất cả phóng viên đều tác nghiệp song hành báo in và báo điện tử với cơ chế giao định mức cụ thể, chi tiết. Thu nhập có giới hạn tối thiểu nhưng không có giới hạn tối đa, tùy thuộc vào năng lực và kết quả làm việc của từng người vì mọi kết quả đều có thể định lượng, đong đếm được, căn cứ vào số lượng bạn đọc và mức độ hoàn thành các định mức theo quy ước tập thể về cách tính đã được toàn tòa soạn thông qua. Báo vươn lên tự chủ một trăm phần trăm kinh phí hoạt động. Đời sống cán bộ phóng viên ổn định và ngày càng được nâng cao. Uy tín của báo in và báo điện tử được khẳng định.

Đến nay, mặc dù tôi rời nhiệm sở đã gần 3 năm nhưng báo điện tử Giadinh.net vẫn liên tục phát triển. Thế hệ lãnh đạo báo nối tiếp đã kế thừa và phát huy rất tốt thế mạnh của báo điện tử, mang về doanh thu gấp nhiều lần so với các ấn phẩm báo giấy và là cơ sở nền tảng để duy trì ổn định và phát triển tờ báo Sức khỏe và Đời sống trong điều kiện sát nhập hai tờ báo.

Ông Arthur Sulzberger Chủ tịch của The New York Times đã có lần cho biết, một ngày nào đó có thể sẽ chấm dứt hoạt động của báo in. Ông Eric Jackson, Giám đốc điều hành Genesys Telecommunications Laboratories từ năm 2012 đã chỉ ra rằng: “The New York Times là tờ báo lớn và được biết tới nhiều nhất trên thế giới nhưng doanh thu quảng cáo sụt giảm liên tục… Với xu thế hiện tại khó có thể tiếp tục duy trì đến sau năm 2015. Một tờ báo lớn như The New York Times mà khó tồn tại như vậy thì ngành công nghiệp báo giấy của Mỹ cũng sẽ rất khó khăn”.

Thế nhưng, các bí kíp chuyển đổi số đã giúp tờ báo này chế ngự tình huống, mang về nguồn doanh thu chưa có đối thủ với 800 triệu USD vào cuối năm 2020. Doanh thu từ theo dõi thuê bao (subscription) trên nền tảng số của báo này đã tăng 40% qua mỗi năm. Mặc dù quảng cáo in ấn trên The New York Times trung bình giảm khoảng 18% mỗi năm nhưng được bù đắp bởi sự tăng lên của các thuê bao theo dõi và các mẫu quảng cáo điện tử - thứ giúp tăng doanh thu và lợi nhuận cho họ qua từng năm.

Mark Thompson, CEO của The New York Times đã nói rằng: “Những kết quả này cho thấy sức mạnh và tiềm lực tương lai của các chiến lược kỹ thuật số, hứa hẹn đưa đến cho The Times doanh thu đáng kể.”

Nhiều chuyên gia trên toàn cầu đã cảnh báo về “cái chết của báo in”. Điều này chắc chắn chưa xảy ra ngay. Bởi vẫn còn một bộ phận rất lớn độc giả đã quen, đã tin và đã yêu với mùi giấy mực của báo giấy. Tuy nhiên khó khăn với báo giấy trước một xu hướng điện tử hóa là điều đến giờ ai cũng phải thừa nhận. Để tiếp tục tồn tại và phát triển, các báo cần phải tự làm mới mình, nâng cao chất lượng, phát triển theo những thế mạnh riêng. Đó là những yêu cầu thiết yếu mà mỗi tờ báo cần vươn tới.

Làm báo trong kỷ nguyên công nghệ đặt ra nhiều thách thức mới nhưng cũng mở ra nhiều cơ hội phát triển chưa từng có trong lĩnh vực báo chí. Chúng ta đã chứng kiến thành công của những gã khổng lồ trong làng công nghệ như Facebook hay Google. Vậy còn những tờ báo nào đang lúng túng, thậm chí chưa đưa công nghệ vào mô hình kinh doanh của mình, cần sớm có chiến lược thay đổi để thích nghi và phát triển. Đứng ngoài công nghệ là nguy cơ tiềm ẩn, báo trước cho giai đoạn tự hủy diệt của bất kỳ tờ báo nào.

Tin mới lên