Nhân vật

Kỹ sư gốc Việt Hoan Ton-That và ứng dụng nhận diện khuôn mặt gây nhiều tranh cãi

(VNF) - ClearView AI có cơ sở dữ liệu của hơn ba tỷ gương mặt trên mạng xã hội và được khoảng 600 cơ quan thi hành pháp luật sử dụng. Tuy nhiên, điều này đã làm dấy lên nhiều lo ngại về quyền riêng tư của con người trong thời đại bùng nổ công nghệ số như hiện nay.

Kỹ sư gốc Việt Hoan Ton-That và ứng dụng nhận diện khuôn mặt gây nhiều tranh cãi

Hoan Ton-That là nhà sáng lập của Clearview AI

Hoan Ton-That (31 tuổi) là một người Úc gốc Việt. Anh là nhà sáng lập của Clearview AI, một start-up về công nghệ nhận diện gương mặt có trụ sở tại New York, Mỹ.

Cam kết độ chính xác tới 99%

Ứng dụng của Hoan Ton-That có cơ chế hoạt động rất đơn giản. Người dùng chỉ cần chụp ảnh người mình muốn nhận diện, đăng lên hệ thống, sau đó sẽ nhận lại những bức ảnh người đó từng công khai, đi kèm các đường link của nơi mà những tấm hình đó xuất hiện.

Cơ sở dữ liệu của hệ thống nhận diện gương mặt này được Clearview tuyên bố là lấy từ hơn ba tỷ hình ảnh của các nguồn mạng xã hội phổ biến như Facebook, Instagram, Twitter, YouTube, Venmo và hàng triệu website khác.

Không chỉ vậy, Clearview còn giữ lại những bức ảnh đó trong cơ sở dữ liệu của mình ngay cả sau khi người dùng xóa chúng khỏi nền tảng hoặc đặt tài khoản của họ ở chế độ riêng tư.

Theo phóng viên Kashmir Hill của NYTimes, đây là con số khổng lồ, vượt xa mọi thứ mà chính phủ Mỹ cũng như các "ông lớn" ở Thung lũng Sillicon từng gây dựng.

Trước khi có Clearview AI, cảnh sát vẫn sử dụng hệ thống nhận diện gương mặt, nhưng họ bị trói buộc với những cơ sở dữ liệu hình ảnh từ chính phủ, như ảnh chụp bằng lái hay ảnh chụp ở đồn cảnh sát.

Tuy nhiên, ở thời đại hiện nay, khi mạng xã hội bùng nổ và công nghệ phát triển, thì những ứng dụng như Clearview AI bắt đầu xuất hiện và mang lại hiệu quả cao hơn.

Người dùng chỉ cần chụp ảnh người mình muốn nhận diện, đăng lên hệ thống, sau đó sẽ nhận lại những bức ảnh người đó từng công khai.

Bất chấp việc các nhà lập pháp nhiều nước phản đối việc sử dụng các công nghệ nhận diện khuôn mặt để điều tra tội phạm, công nghệ của Clearview AI vẫn được khoảng 600 cơ quan thi hành pháp luật sử dụng

Hoan Ton-That cho biết các cơ quan hành pháp sử dụng Clearview để giải quyết các vụ trộm cắp trong siêu thị, làm giả thẻ tín dụng, giết người, bắc cóc cũng như lạm dụng tình dục trẻ em….

Trong một cuộc phỏng vấn với CNN tại thành phố New York hồi tuần trước, Hoan chia sẻ anh mong muốn xây dựng một "công ty lớn của Mỹ" với "một kế hoạch hoàn hào nhất" và sẽ không bán sản phẩm của mình cho Iran, Nga hay Trung Quốc.

Hoan tuyên bố công nghệ này đang cứu trẻ em khỏi những vụ bắt cóc, lạm dụng tình dục và giúp bắt tội phạm hiệu quả hơn.

Nhà sáng lập của Clearview AI cam kết ứng dụng của họ có thể mang lại kết quả chính xác tới 99%. Tuy nhiên điều này chưa được xác minh.

Gây nhiều tranh cãi

Mặc dù có nhiều mặt tích cực là vậy, nhưng cho đến nay, Clearview Al đã gây ra nhiều mối quan ngại hơn là được hoan nghênh.

Clearview AI gây tranh cãi vì nhiều lý do, nhưng có lẽ quan trọng nhất là cơ sở dữ liệu khổng lồ của nó.

Các công ty công nghệ về cơ bản không kiểm soát được những gì xảy ra với dữ liệu, trong trường hợp này là hình ảnh, sau khi chúng được tải xuống từ nền tảng của họ. Chúng có thể được sao chép lại nhiều lần, được lưu trữ trên nhiều máy tính và máy chủ ở những nơi khác nhau trên khắp thế giới và thậm chí trước cả khi chúng được phân phối hoặc cung cấp cho bên thứ ba.

Các hãng công nghệ lớn cũng tỏ ra không thích điều này. Họ nói việc Clearview AI thu thập hình ảnh khuôn mặt trên các trang của họ là vi phạm quy chế dịch vụ. Cụ thể, nhiều ông lớn như Facebook, Twitter, Youtube đã yêu cầu Clearview AI ngừng thu thập dữ liệu của họ để phục vụ cho công nghệ nhận diện khuôn mặt. Rõ ràng, nếu không được sự cho phép về việc sử dụng hình ảnh, Clearview AI sẽ gặp nhiều bất lợi và rủi ro về mặt pháp lý.

Ở thời điểm hiện tại, Clearview AI chỉ được phát triển nội bộ và dành cho các cơ quan hành pháp và các cơ quan điều tra.

Mặc dù các nhân viên thực thi pháp luật cho biết họ đã sử dụng Clearview AI để giải quyết các vụ việc vi phạm pháp luật, từ trộm cắp đến giết người; nhưng những người ủng hộ bảo vệ quyền riêng tư cho rằng ứng dụng này có thể bị lạm dụng vào các mục đích xấu như theo dõi người khác.

Công nghệ nhận dạng khuôn mặt nói chung có thể được sử dụng để tiến hành việc giám sát hàng loạt. Quy định về công nghệ nhận dạng khuôn mặt hiện đang chưa đồng nhất ở Mỹ. Một số thành phố, bao gồm San Francisco, đã cấm sử dụng công nghệ trên, nhưng vẫn chưa có luật Liên bang để điều chỉnh vấn đề này.

Ở thời điểm hiện tại, Clearview AI chỉ được phát triển nội bộ và dành cho các cơ quan hành pháp và các cơ quan điều tra. Nhưng các nhà đầu tư và chính bản thân Clearview AI cũng cho rằng ứng dụng này sẽ phát hành rộng rãi tới tất cả mọi người trong tương lai. Đó là điều vô cùng nguy hiểm, khi công nghệ có nguy cơ bị sử dụng sai mục đích.

Ngay cả Alphabet, tập đoàn sở hữu Google cũng nói không với những công nghệ nhận diện khuôn mặt như Clearview AI. Cựu chủ tịch Google, Eric Schmidt từng nói vào năm 2011, rằng Clearview AI là một trong những ứng dụng công nghệ mà công ty của ông sẽ không bao giờ phát triển vì lo ngại chúng sẽ bị lợi dụng vào mục đích vô cùng xấu xa.

Còn Facebook thì hiện giờ đã có sẵn một phần mềm như vậy, nhưng đã dừng sử dụng. Nó được phát triển vào quãng 2015 đến 2016, và chỉ sử dụng nội bộ để các nhân viên Facebook có thể nhanh chóng biết tên và tài khoản Facebook của nhau chỉ bằng một cú chạm màn hình chụp ảnh. Dù vậy, Facebook vẫn khiến nhiều trang tin phê phán vì bước đi được coi là vi phạm quyền riêng tư cá nhân của chính nhân viên đang làm việc cho họ.

Xem thêm >> Tỷ phú Jack Ma tài trợ hơn 14 triệu USD để nghiên cứu vaccine ngừa virus corona

Từ khoá: Hoan Ton-That, ClearView AI,
Tin mới lên