Tài chính

Kỳ tái cơ cấu danh mục ETF quý III liệu có bất ngờ?

(VNF) - Các công ty chứng khoán đưa ra nhận định có phần khác nhau về kỳ tái cơ cấu danh mục ETF sắp tới.

Kỳ tái cơ cấu danh mục ETF quý III liệu có bất ngờ?

Kỳ tái cơ cấu danh mục ETF quý III liệu có bất ngờ?

Theo kế hoạch, ngày 18/9 tới, hai quỹ ETF là Vaneck Vectors® Vietnam ETF (gọi tắt là V.N.M ETF) và DB x-trackers FTSE Vietnam UCITS ETF (gọi tắt là FTSE Vietnam ETF) sẽ đồng loạt thực hiện tái cơ cấu danh mục đầu tư. Trước đó, ngày 4/9, FTSE Vietnam ETF sẽ công bố danh mục mới; còn với V.N.M ETF là ngày 11/9.

Dữ liệu sử dụng cho đợt tái cơ cầu của cả hai ETF đều được xác định dựa trên giá đóng cửa phiên giao dịch Thứ 2 ngày 31/8.

Các đợt cơ cấu danh mục của hai quỹ ETF lớn này thường kéo theo những biến động mạnh của thị trường vì họ phải giao dịch số lượng lớn để đảm bảo tỷ trọng.

FTSE Vietnam ETF xây dựng danh mục dựa trên chỉ số FTSE Vietnam Index Series, bao gồm FTSE Vietnam All-Share Index và FTSE Vietnam Index.

Theo dự báo của Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), nhiều khả năng PVD sẽ là cổ phiếu bị loại ra khỏi danh mục của quỹ FTSE Vietnam ETF trong kỳ tái cơ cấu lần này do PVD vi phạm tiêu chí về thanh khoản. Ở chiều thêm vào, nhiều khả năng sẽ không có cổ phiếu nào được thêm mới.

Trong khi đó, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam thì cho rằng quỹ này sẽ không loại cổ phiếu nào, cùng với đó, sẽ thêm cổ phiếu GEX vào danh mục vì đáp ứng đủ chỉ tiêu về thanh khoản.

Đồng quan điểm với Yuanta Việt Nam, Công ty Chứng khoán VNDirect cũng cho rằng quỹ FTSE Vietnam ETF sẽ thêm GEX vào danh mục trong kỳ tái cơ cấu quý III, đồng thời ước tính quỹ có thể sẽ mua khoảng 2,6 triệu cổ phiếu GEX.

Đối với quỹ V.N.M ETF, xét riêng những cổ phiếu đã nằm trong danh mục của Market Vectors Vietnam Index, tiêu chí đặt ra để các cổ phiếu không bị loại khỏi danh mục là tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng dành cho nhà đầu tư nước ngoài (tỷ lệ room nước ngoài còn lại) phải lớn hơn 5%. Thêm vào đó, quy mô vốn hóa thị trường lớn hơn 75 triệu USD và giá trị giao dịch bình quân hàng ngày trong 3 tháng gần nhất phải đạt tối thiểu 0,2 triệu USD tại ít nhất 2 trong 3 kỳ tái cơ cấu gần nhất (tại kỳ xem xét và trong 2 kỳ gần nhất).

Song song, giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên trong 3 tháng gần nhất phải lớn hơn 0,6 triệu USD hoặc có ít nhất 200.000 cổ phiếu giao dịch hàng tháng trong vòng 6 tháng gần nhất (hoặc một trong 2 kỳ tái cơ cấu liền trước).

Với các tiêu chí này, BVSC cho rằng nhiều khả năng sẽ không có cổ phiếu Việt Nam nào bị loại ra khỏi danh mục của quỹ V.N.M ETF trong kỳ tái cơ cấu quý III.

Đối với những cổ phiếu nằm ngoài danh mục của Market Vectors Vietnam Index, tiêu chí đặt ra là tỷ lệ cổ phiếu tự do chuyển nhượng dành cho nhà đầu tư nước ngoài (tỷ lệ room nước ngoài còn lại) phải lớn hơn 10%; quy mô vốn hóa thị trường lớn hơn 150 triệu USD và giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên trong 3 tháng gần nhất lớn hơn 1 triệu USD.

Với các tiêu chí trên, BVSC cho rằng nhiều khả năng cũng sẽ không có cổ phiếu nào được thêm mới vào danh mục của quỹ V.N.M ETF trong kỳ tái cơ cấu danh mục. Tuy nhiên, công ty chứng khoán này lưu ý nếu có 1 cổ phiếu nước ngoài bị loại ra, khi đó sẽ có 2 trường hợp. Trường hợp thứ nhất là sẽ có 1 cổ phiếu nước ngoài khác được thêm vào thay thế. Trường hợp thứ hai là sẽ có 1 cổ phiếu Việt Nam được lựa chọn thêm vào. Nếu trường hợp này xảy ra, PLX (hoặc GVR) sẽ có thể được đặc cách thêm vào.

Khác với BVSC, Yuanta Việt Nam dự báo rằng V.N.M ETF sẽ thêm SHB vào danh mục trong kỳ tái cơ cấu tới vì đáp ứng đủ tiêu chí thanh khoản. Đồng thời, cũng dự đoán sẽ không có cổ phiếu nào bị loại ra.

Trong khi đó, VNDirect có cùng dự báo với BVSC khi cho rằng sẽ không có sự thay đổi thành phần nào trong danh mục của quỹ này.

Tin mới lên