Diễn đàn VNF

'Kỳ tích' phát triển của Israel và kinh nghiệm đối với Việt Nam - Kỳ 1

(VNF) - Từ một quốc gia không ít bị "cô lập", vẫn đang đặt trong "tình trạng có chiến tranh" trở thành nền kinh tế mở, hiện có 9 FTA với 42 quốc gia, ngoại thương chiếm 57.4% GDP, một "hub" - trung tâm thu hút đầu tư, các tổ chức đầu tư và R&D của cả thế giới.

'Kỳ tích' phát triển của Israel và kinh nghiệm đối với Việt Nam - Kỳ 1

Ảnh minh họa

Với dân số 8,61 triệu (người Do Thái chiếm khoảng 75%, còn lại là người Ả Rập bao gồm người Druze và người Ả Rập Đông Jerusalem) và diện tích 22.072km2 (Thủ đô Jerusalem, dân số khoảng 85.000), theo Luật Cơ bản, Israel tự xác định là một nhà nước Do Thái, theo thể chế cộng hòa, dân chủ đại nghị, đại diện tỷ lệ và phổ thông đầu phiếu. Israel không có tôn giáo chính thức, song có một liên kết mạnh với Do Thái giáo.

Israel có vị trí địa - chính trị quan trọng, nằm ở điểm giao của ba lục địa Châu Á, Châu Âu và Châu Phi, giáp cả biển Địa Trung Hải và Ấn Độ Dương (thông qua Biển Đỏ). Phía Bắc Israel giáp Lenanon, là vùng đất Galilee xanh tươi và màu mỡ kiểu Địa Trung Hải. Phía Đông Israel giáp Syria và Jordan, nhìn ra biển Galilee, là các dãy núi lửa thuộc cao nguyên Jordan. Phía Nam Israel giáp Ai Cập và Jordan là sa mạc Negev; và điểm cực Nam của Israel thuộc vịnh Eilat trên Biển Đỏ.

Dù còn đang đối mặt với không ít thách thức (các vấn đề như bất bình đẳng xã hội, nhà ở, tốc độ tăng trưởng có xu hướng giảm dần,...), sự phát triển của Israel thực sự là một kỳ tích. Từ một quốc gia nghèo, trẻ (chỉ được thành lập sau Chiến tranh thế giới lần thứ hai), với những dòng người "tha phương cầu thực" quay về, Israel đã trở thành một quốc gia phát triển, thuộc nhóm OEC, với quy mô GDP 319 tỷ USD và bình quân đầu người năm 2016 đạt 37.300 USD, tuổi thọ 82,4 năm, việc làm được đảm bảo tương đối tốt (tỷ lệ thất nghiệp chỉ 4,7%).

Từ một quốc gia không ít bị "cô lập", vẫn đang đặt trong "tình trạng có chiến tranh" trở thành nền kinh tế mở, hiện có 9 FTA với 42 quốc gia, ngoại thương chiếm 57.4% GDP, một "hub" - trung tâm thu hút đầu tư, các tổ chức đầu tư và R&D của cả thế giới.

Từ một quốc gia không ít bị "cô lập", vẫn đang đặt trong "tình trạng có chiến tranh" trở thành nền kinh tế mở

Từ một quốc gia được xem là vùng đất khô cằn (3/4 là sa mạc), rất ít tài nguyên, khan hiếm nước, Israel trở thành một đất nước được xem là giàu "tài nguyên sáng tạo", một "quốc gia khởi nghiệp", một quốc gia có sự phát triển nông nghiệp bậc nhất thế giới. Israel nổi tiếng thế giới về những phát minh sáng chế về công nghệ sinh học, y học, công nghệ thông tin, máy tính và quân sự.

Lý giải sự thành công trong phát triển, nguời Israel thường nhấn mạnh đến 6 chính sách lớn: Tăng cường định hướng xuất khẩu; Định hướng công nghệ tiên tiến; Tạo dựng vốn con người kỹ năng cao; Xây dựng và hun đúc văn hóa/tinh thần kinh doanh; Tạo động lực cho đầu tư và nghiên cứu – triển khai (R&D); Duy trì ổn định kinh tế vĩ mô

Tuy nhiên, lý do sâu xa hơn mà Đoàn công tác cảm nhận nằm ở 3 điểm. Thứ nhất là lý trí chính trị và sự quyết liệt của lãnh đạo. Israel đặt vấn đề không chỉ là đảm bảo sự sống còn của đất nước trong điều kiện khó khăn mà còn phải phát triển, phát triển ở trình độ cao của thế giới. Khát vọng đó, trên cơ sở văn hóa, tôn giáo và đặc biệt là tố chất con người Israel đã tạo sự đồng sức của xã hội cho mục tiêu phát triển. Israel cũng khá khéo léo trong lồng ghép chiến lược đảm bảo an ninh quốc gia với các vấn đề phát triển kinh tế. Một ví dụ là phát triển công nghệ cao, lưỡng dụng. Ví dụ nữa là sự hỗ trợ Jordan trong phát triển nông nghiệp (Jordan vốn có nhu cầu lớn) công nghệ cao dọc biên giới hai nước.

Thứ hai là tinh thần khao khát đổi mới, sáng tạo như là một phần văn hóa Israel. Yossi Vardi – cố vấn uy tín về khởi nghiệp ở Israel, nhấn mạnh: "Israel là một quốc gia khởi nghiệp, cả về xã hội và văn hóa. Đó là di sản và đặc tính của chúng tôi. Chúng tôi không ngừng đổi mới bản thân mình".

Trong trao đổi, chia sẻ với đoàn, đối với gần như mọi câu chuyện, mọi vấn đề, người Israel luôn tìm cách giải thích, trả lời logic cho câu hỏi tại sao (tại sao lại như vậy, tại sao phải làm cách khác...). Các lĩnh vực R&D lựa chọn (các cụm sáng tạo về Internet & truyền thông, viễn thông, năng lượng tái tạo, công nghệ nước, công nghệ công nghiệp, y tế, khoa học về cuộc sống và sức khỏe (HLS) & vũ trụ, IT & doanh nghiệp, lương thực – thực phẩm) vừa theo xu hướng thế giới vừa phục vụ trực tiếp cho phát triển đất nước. Sự sáng tạo Israel cũng rất gắn kết với thế giới, thông qua thương mại, hợp tác, hoạt động đầu tư của vô số quỹ đầu tư và sự hiện diện của hàng trăm trung tâm R&D đa quốc gia.

Thứ ba là các tiếp cận thực dụng, dựa cơ bản trên cơ chế và tín hiệu thị trường. Dường như mọi chuyện đều ít nhiều xoay quanh lợi ích kinh doanh, "đông tiền bát gạo". Một ví dụ nhỏ nhưng thú vị là 90% trái chà là của Israel được xuất sang các nước Ả Rập. Chính phủ Israel hỗ trợ mạnh khởi nghiệp, sáng tạo, song với 1 USD Chính phủ đầu tư, các startup tốt nghiệp sẽ gọi được 5-6 USD vốn đầu tư từ thị trường. Và thoái vốn mới là "mục tiêu chính". 

Năm 2015, startup Israel gọi vốn được 4,5 tỷ USD; 8 thương vụ IPO trị giá gần 610 triệu USD; 104 vụ thoái vốn trị giá hơn 9 tỷ USD. Nhiều công nghệ được phát triển mang tính lưỡng dụng, cả cho quốc phòng và kinh tế rất cao. Công thức làm ăn của các hiệp hội lành nghề, tư vấn là: Kết nối trong ngoài + Tư vấn & hỗ trợ hữu ích + tự chủ tài chính. 

Tin mới lên