Diễn đàn VNF

Kỳ tích' phát triển của Israel và kinh nghiệm đối với Việt Nam - Kỳ 2

(VNF) - Nói đến Israel là nói đến nông nghiệp công nghệ cao. Nông nghiệp chiếm 2,5% GDP và khoảng 6% lực lượng lao động (trong khi dân số dô thị chiếm tỷ lệ 92,1%). Song nổi tiếng nhất là năng suất và chất lượng sản phẩm.

Kỳ tích' phát triển của Israel và kinh nghiệm đối với Việt Nam - Kỳ 2

Nói đến Israel là nói đến nông nghiệp công nghệ cao.

Nông nghiệp thông minh và câu chuyện Kibbutz

Nói đến Israel là nói đến nông nghiệp công nghệ cao. Nông nghiệp chiếm 2,5% GDP và khoảng 6% lực lượng lao động (trong khi dân số dô thị chiếm tỷ lệ 92,1%). Song nổi tiếng nhất là năng suất và chất lượng sản phẩm. Bưởi Israel có khả năng làm giảm lượng cholesterol trong máu. Bò sữa Israel cho sản lượng sữa trung bình cao nhất thế giới. Gà mái chăn nuôi tại Israel đẻ trung bình 150 quả trứng mỗi con, thuộc hạng nhiều nhất trên thế giới. Israel cũng là đất nước đi đầu về nuôi trồng thủy sản (cá).

Nông nghiệp công nghệ cao (NNCNC) Israel có thể dễ dàng được nhận biết ở khắp nơi, dù là tại các miền đất xanh tươi hay sa mạc và đồi núi. Hình ảnh phổ biến là nhà kính/nhà lưới, hệ thống tưới nước nhỏ giọt và các sensors (cảm biến). 

NNCNC thể hiện trên cả năm khía cạnh: (i) hiểu biết sâu sắc quá trình sinh trưởng của cây, con; (ii) chăm sóc (đầu vào, dinh dưỡng,...) phù hợp, tiết kiệm; (iii) thu hoạch, bảo quản đầu ra có chất lượng, ít hao phí; (iv) đột phá tạo giống mới cây, con có chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường; (v) thúc đẩy tiêu dùng sản phẩm không chỉ xanh, sạch mà còn hướng tới "nhân văn". 

Thế mạnh và sự "thông minh" nữa của Israel là việc xuất khẩu "cách thức sản xuất nông nghiệp". Công ty Green 2000 là một mẫu hình như vậy. Green 2000 đã có 25 năm kinh nghiệm thực hiện các dự án tổng thể về sản xuất nông nghiệp (từ thiết lập, xây dựng, vận hành, đào tạo huấn luyện đối với sản xuất trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản), hiện có mặt tại 30 quốc gia (trong đó có Việt Nam). Green 2000 vừa tạo sức hút kinh doanh, vừa gắn với du lịch học hỏi và quảng bá hình ảnh của một Israel sáng tạo và cũng rất thực tế.

Nói đến Israel cũng không thể nhìn nhận và học hỏi "mẫu hình nông xã" (communal settlement) Kibbutz. Kibbutz là tổ chức cộng đồng ở nông thôn (mô hình tổ chức nông – công nghiệp nông thôn) dựa trên nguyên lý sở hữu chung tài sản, công bằng và hợp tác sản xuất, tiêu dùng và đảm bảo phúc lợi xã hội (giáo dục, y tế). 

Hoạt động trong Kibbutz dựa trên nguyên tắc dân chủ trực tiếp. Hội đồng Kibbutz đặt ra chính sách, bầu nhân sự, quyết định ngân sách và phê chuẩn thành viên mới của cộng đồng. Đây không chỉ là cơ quan ra quyết định mà còn là diễn đàn để mọi thành viên chia sẻ quan điểm.

Những Kibbutz đầu tiên được những người Do Thái trẻ tuổi, hầu hết đến từ Đông Âu, hình thành năm 1909 với mục tiêu cải tạo những vùng đất cha ông để lại, đồng thời mở ra một cung cách làm ăn, tổ chức cuộc sống kiểu mới. Vượt qua muôn vàn khó khăn, những người tiên phong đã phát triển được một cộng đồng thịnh vượng, đóng vai trò quan trọng cho sự ra đời nhà nước Israel.

Hiện có khoảng trên dưới 300 kibbutz hiện diện khắp nơi ở Israel. Kibbutz chiếm khoảng 2,4% dân số cả nước, đóng góp trên 30% sản lượng nông nghiệp, 6,3% sản lượng công nghiệp Israel và có vai trò ngày càng có ý nghĩa trong hoạt động du lịch... 

Một Kibbutz điển hình gồm nhà cửa và ruộng vườn của các thành viên, nhà mẫu giáo, các công trình công cộng (nhà ăn, thư viện, bể bơi, trạm y tế...) và khu sản xuất (chuồng trại chăn nuôi, vườn cây, ao cá... và các nhà máy công nghiệp, thường với quy mô dưới 100 công nhân).

Mẫu hình Kibbutz đã và đang tự chuyển mình. Tư tưởng bình đẳng vẫn được duy trì, song hoạt động kinh doanh ngày càng mang tính thị trường. Cũng có những Kibbutz được "tư nhân hóa", song ý tưởng về chia sẻ tài sản trong mua bán và sử dụng để tiết giảm chi phí vẫn được vận dụng. Đặc biệt, thế hệ hiện tại nỗ lực nhiều hơn để vượt qua những thách thức trong kỷ nguyên cách mạng công nghệ.

Có lẽ bài học lớn nhất từ câu chuyện Kibbutz là quá trình hình thành, phát triển, thích ứng và thay đổi gắn với 4 chiều cạnh chính: (i) Chia sẻ lợi ích và phúc lợi xã hội; (ii) Đảm bảo hiệu quả sản xuất kinh doanh; (iii) Tôn trọng dân chủ và cơ chế chọn người đứng đầu đủ năng lực; (iv) Thúc đẩy học hỏi, sáng tạo. Người Israel thường nói vui: Kibbutz chính là câu chuyện thành công đi từ chủ nghĩa cộng sản/chủ nghĩa xã hội lên chủ nghĩa tư bản. Thực tế, mô hình sản xuất công – nông nghiệp nông thôn vẫn tồn tại và phát huy hiệu quả ở Israel.

Văn hóa lãnh đạo và văn hóa kinh doanh

Như đã nêu ở mục đầu, Israel phát triển được như ngày hôm nay có vai trò rất lớn của lãnh đạo các ngành, các cấp và đặc biệt là của các doanh nhân. Văn hóa lãnh đạo có vai trò rất lớn trong việc tạo ra môi trường kinh doanh sáng tạo, động viên được mọi tầng lớp người dân tham gia khởi nghiệp. Nhiều CEO hàng đầu của thế giới cho rằng Israel là môi trường tốt thứ 2 đối với doanh nhân sau Hoa Kỳ.

Quy trình lựa chọn lãnh đạo dựa trên thực tài theo quy trình minh bạch. Văn hóa lãnh đạo ở Israel là văn hóa phản biện, chấp nhận cái mới, nhấn thân vào cái mới, chấp nhận để người khác phê bình. Mục tiêu của lãnh đạo là tối ưu hóa sự chịu đựng và phản biện của cấp dưới, không khuyến khích cấp dưới "làm theo" máy móc, rập khuôn. Luôn luôn hoài nghi, phản biện, thách thức cách làm cũ, đặt câu hỏi cho tất mọi thứ để rồi cải tiến tốt hơn. Văn hóa tùy cơ ứng biến, không theo công thức, tạo cơ hội cho các ý tưởng sáng tạo, khởi nghiệp trong tất cả các hoạt động kinh tế, xã hội của Israel.

Văn hóa kinh doanh là chìa khóa quan trọng để thúc đẩy phát triển. Tinh thần doanh nhân kinh doanh có đặc trưng từ việc tận dụng tài năng chuyên môn của các kỹ sư, nhà khoa học, nhà quản lý, người tiếp thị... đến thương mại hóa các ý tưởng triệt để một cách thực dụng.

Đối với doanh nhân Israel sự khởi nghiệp "thất bại là mẹ của thành công", trên thực tế doanh nghiệp khởi nghiệp của Israel thất bại cũng bằng mức trung bình của thế giới, nhưng văn hóa và quy định của Israel xây dựng một thái độ độc đáo đối với sự thất bại: đó là người lãnh đạo cố gắng đưa các doanh nghiệp thất bại quay trở lại sân chơi, không bỏ mặc họ đứng ngoài cuộc. 

Xã hội nhìn nhận sự thất bại như rủi ro nghề nghiệp. Thất bại được tạo cơ hội làm lại, doanh nghiệp thất bại vẫn tạo ra áp lực cạnh tranh mạnh mẽ hơn đối với các doanh nghiệp đang còn hoạt động và như vậy thúc đẩy, kích thích sự tiến bộ của xã hội phát triển. Người dân Israel xử sự một cách quyết đoán, có tư duy độc lập, chứ không phục tùng một chiều, có khát vọng và tầm nhìn.

Tin mới lên