Diễn đàn VNF

'Kỳ tích' phát triển của Israel và kinh nghiệm đối với Việt Nam - Kỳ 3

(VNF) - Quan hệ đối tác Việt Nam - Israel đã có bước phát triển về chất khoảng 10 năm lại đây, thể hiện rõ nhất qua hoạt động đầu tư và thương mại, giáo dục và trao đổi kinh nghiệm.

'Kỳ tích' phát triển của Israel và kinh nghiệm đối với Việt Nam - Kỳ 3

Chương trình Gặp gỡ Israel năm 2015. Ảnh tư liệu TTXVN

Tháng 8/2014, Việt Nam và Israel ký kết Hiệp định Hợp tác kinh tế và thương mại. 29/05/2016 Israel chính thức công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường đầy đủ. Hiện hai nước đang tiến hành đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam – Israel (VIFTA). Quan hệ đối tác Việt Nam - Israel đã có bước phát triển về chất khoảng 10 năm lại đây, thể hiện rõ nhất qua hoạt động đầu tư và thương mại, giáo dục và trao đổi kinh nghiệm.

Tính đến cuối năm 2016, Israel có 27 dự án đầu tư vào Việt nam với tổng vốn 64,4 triệu USD, tập trung nhiều nhất vào công nghiệp chế tạo (7 dự án; vốn đầu tư 42,5 triệu USD) tiếp đó là lĩnh vực y tế, hoạt động trợ giúp xã hội (3 dự án; vốn đầu tư 10,7 triệu USD), rồi đến nông – lâm – thủy sản, logistics... Đa số dự án là theo hình thức 100% vốn nước ngoài. Các nhà đầu tư Israel mới có mặt tại 6/63 tỉnh thành của Việt Nam (Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Bình Định, Bắc Ninh, An Giang).

Năm 2015, kim ngạch xuất nhập khẩu của 2 nước đạt 2,3 tỷ USD (XK từ Israel: 1,7 tỷ USD; XK từ Việt Nam: gần 0,6 tỷ USD), tăng 93% so với năm 2014. Năm 2016, kim ngạch thương mại song phương chỉ đạt hơn 1,2 tỷ USD. Trong đó, Việt Nam xuất khẩu sang Israel chủ yếu là điện thoại, linh kiện, giày dép, cà phê, hạt điều, dệt may, thủy sản và nhập khẩu chủ yếu là máy móc, thiết bị công nghệ cao, phân bón,...

Ngoài đầu tư và thương mại, Israel hỗ trợ Việt Nam trên các lĩnh vực phát triển, nông nghiệp và giáo dục, đào tạo. Israel còn triển khai nhiều dự án chuyển giao công nghệ (chăn nuôi, trồng trọt, tưới tiêu,...) tại nhiều địa phương Việt Nam. Từ năm 2008 đến 2016, Israel tiếp nhận hơn 2130 tu nghiệp sinh Việt Nam sang vừa học vừa làm tại các nông trại Israel trong thời hạn 1 năm. Israel cũng đã đón nhận khoảng 1.400 lao động nông nghiệp Việt Nam làm việc trong thời hạn 5 năm từ 2010. Hợp tác quốc phòng Việt Nam – Israel cũng được thúc đẩy trong những năm lại đây.

Quan hệ đối tác Việt Nam – Israel, nhất là về kinh tế, mang tính bổ sung rõ rệt (Israel ở trình độ phát triển cao hơn). Tuy nhiên điều có thể thấy là mức độ hợp tác, "làm ăn" giữa hai nước thấp hơn rất nhiều tiềm năng có được. Vậy đâu là những rào cản, trở ngại trong thúc đẩy quan hệ đối tác Việt Nam – Israel trở nên sâu sắc, thực chất hơn nữa?

Một là vấn đề nhận thức tầm quan trọng quan hệ đối tác 2 nước cần ở mức nào. Cụ thể hơn đó là sự hiểu biết lẫn nhau cả về chính trị, xã hội, kinh tế, văn hóa,...cũng còn nhiều hạn chế. Trong một số khía cạnh, định kiến cũ về nhau vẫn còn không ít, dù hai nước tôn trọng nhau (cảm nhận rất rõ trong thời gian công tác của Đoàn ở Israel).

Hai là những khó khăn, kể cả mâu thuẫn dễ nảy sinh, trong cách tiếp cận ứng xử về các vấn đề địa – chính trị khu vực Trung Đông và toàn cầu, mà quan hệ đối tác Việt Nam – Israel là một phần trong đó.

Ba là cách thức hợp tác, triển khai dự án đầu tư, kinh doanh, hỗ trợ lẫn nhau có thể còn chưa thiết thực, thiếu "thực dụng" và thiếu sự dẫn dắt của thị trường.

Chính vì vậy, Việt Nam cần có những định hướng quan trọng trong thúc đẩy quan hệ đối tác Việt Nam – Israel. Đó có thể là: 

- Đẩy mạnh các hoạt động (như xúc tiến đầu tư thương mại; trao đổi thông tin cấp nhà nước, truyền thông, quảng bá, hội thảo, giao lưu,...) để hai nước, các tầng lớp xã hội, nhân dân hai nước hiểu biết tốt hơn, sâu sắc hơn về tình hình kinh tế, văn hóa, phong tục tập quán...

- Lựa chọn lĩnh vực ưu tiên (ví dụ như R&D, nông nghiệp công nghệ cao, đào tạo hỗ trợ startup, FDI trên một số lĩnh vực) để có sự phối hợp, hợp tác (chính phủ, doanh nghiệp, trường viện) thiết thực, có lộ trình gắn với kết quả cụ thể.

- Đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp hai nước hợp tác kinh doanh (đầu tư, thương mại, du lịch,...) thật sự thiết thực, cùng có lợi, trên nguyên tắc thị trường. Những thông lệ tốt, những kinh nghiệm tốt và những bài học quý cần được nhân rộng.

- Xây dựng tầm nhìn chiến lược về quan hệ đối tác Việt Nam – Israel, định vị vai trò của quan hệ đối tác hai nước đối với khu vực và thế giới cùng bước đi và hành động thích hợp trong tiếp cận các vấn đề khu vực Trung Đông và trong ứng xử với các nước lớn, các nước trong khu vực Trung Đông và các tổ chức quốc tế.

Tin mới lên