Ngân hàng

Kỳ vọng kênh thanh toán và bảo hiểm 'thúc' nguồn thu dịch vụ ngân hàng bật tăng trong năm 2021

(VNF) - Nửa đầu năm 2020, tăng trưởng thu nhập dịch vụ của các ngân hàng yếu đi đáng kể, do cầu tín dụng suy yếu đã có tác động chéo đến các dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là phí bảo hiểm, tài trợ thương mại và thu nhập ngoại hối; cùng với đó, ngân hàng phải miễn giảm phí dịch vụ khiến phí thanh toán ròng giảm tốc, cộng thêm sự sụt giảm lưu lượng khách hàng giao dịch tại quầy do ảnh hưởng của Covid-19.

Kỳ vọng kênh thanh toán và bảo hiểm 'thúc' nguồn thu dịch vụ ngân hàng bật tăng trong năm 2021

Kỳ vọng kênh thanh toán và bảo hiểm 'thúc' nguồn thu dịch vụ ngân hàng bật tăng trong năm 2021

Báo cáo cập nhật ngành ngân hàng mới đây của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cho biết trong nửa đầu năm 2020, tăng trưởng thu nhập dịch vụ tại các ngân hàng niêm yết yếu đi đáng kể, khi chỉ đạt 9,9%, thấp hơn nhiều so với mức tăng 42,1% trong nửa đầu năm 2019.

Một số nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này có thể kể đến như: cầu tín dụng suy yếu trong nửa đầu năm đã có tác động chéo đến các dịch vụ ngân hàng, đặc biệt là phí bảo hiểm, tài trợ thương mại và thu nhập ngoại hối; cùng với đó, ngân hàng miễn giảm phí dịch vụ khiến phí thanh toán ròng giảm tốc, cộng thêm sự sụt giảm lưu lượng khách hàng giao dịch tại quầy.

Phần lớn các ngân hàng trong danh sách VDSC theo dõi đạt tăng trưởng phí dịch vụ ở mức thấp, dưới 10%. Đáng lưu ý, Techcombank (HoSE: TCB) và VPBank (HoSE: VPB) - công ty mẹ nhờ cơ cấu phí dịch vụ đa dạng vẫn giữ được tăng trưởng thu nhập phí nửa đầu năm lên đến trên 40%.

Tăng trưởng thu nhập dịch vụ của các ngân hàng so với cùng kỳ năm trước

Dù vậy, theo VDSC, mảng dịch vụ của các ngân hàng vẫn có tiềm năng tăng trưởng lớn trong dài hạn.

Trong đó, thu nhập phí thanh toán và phí thẻ được kỳ vọng sẽ duy trì đà tăng do xu hướng khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt, cùng với định hướng của các ngân hàng tập trung vào mảng bán lẻ và đầu tư vào chuyển đổi số.

Thống kê cho thấy tổng số lượng thẻ đang lưu hành và số lượng tài khoản thẻ tại các ngân hàng vẫn có xu hướng tăng trưởng trong các năm trở lại đây, tuy nhiên tốc độ tăng trưởng đang chậm lại. Theo số liệu của Hội thẻ ngân hàng Việt Nam, tổng số lượng thẻ đang lưu hành đến ngày 31/12/2019 là gần 103 triệu thẻ, trong đó có 91,3 triệu thẻ ghi nợ (88,7%), 6,7 triệu thẻ trả trước (6,5%), và 4,9 triệu thẻ tín dụng (4,7%).

Dẫn đầu về thị phần thẻ vẫn là các ngân hàng quốc doanh. Một số ngân hàng đang ngân hàng đang tập trung đẩy mạnh phát hành mới, như Agribank, Techcombank, ACB, VPBank, MSB và TPBank (HoSE: TPB). Hiệu quả về doanh số sử dụng thẻ (so với số lượng phát hành) đang nghiêng về các ngân hàng có định hướng bán lẻ như Vietcombank (HoSE: VCB), ACB, VIB và TPBank.

Thêm vào đó, xu hướng khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt cũng tạo ra xu hướng tăng trưởng giao dịch thanh toán nội địa qua các kênh thẻ, chuyển khoản và nhờ thu cả về số lượng và giá trị giao dịch. VDSC nhận định đây sẽ là động lực tăng trưởng cho phí thanh toán và phí thẻ vẫn, vốn là hai nguồn đóng góp truyền thống vào phí dịch vụ của các ngân hàng.

Bên cạnh nguồn thu từ kênh thanh toán, phí bancassurance (bán bảo hiểm qua ngân hàng) dự kiến sẽ tiếp tục là động lực tăng trưởng cho mảng dịch vụ, nhờ xu hướng gia tăng tỷ lệ người tham gia bảo hiểm và tỷ trọng kênh bancassurance trong tổng thu nhập phí bảo hiểm (đặc biệt là mảng nhân thọ).

Theo thống kê của Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam (IAV), tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ gốc nửa đầu năm 2020 đạt 55.953 tỷ đồng, tăng 19% so với cùng kỳ năm ngoái. Mức tăng trưởng này thấp hơn tốc độ tăng 25-32% trong 7 năm liên tiếp gần đây, do ảnh hưởng của Covid-19 và sự thay đổi chiến lược của một số doanh nghiệp đầu ngành.

Tuy vậy, VDSC cho rằng tăng trưởng đã có dấu hiệu hồi phục. Kênh bancassurance đóng góp 16,4% vào tổng doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ nửa đầu năm 2020, so với mức 5,9% của năm 2019. Đáng lưu ý, xu hướng chuyển dịch sang phân phối qua kênh bancassurance đang trở nên rõ ràng hơn trong mảng nhân thọ khi tỷ trọng đóng góp của kênh này trong tổng doanh thu phí bảo hiểm mới năm 2019 đạt 29%, tăng nhanh từ mức 10,0% của năm 2016.

Do đó, về tổng thể, VDSC vẫn kỳ vọng mảng bancassurance của các ngân hàng sẽ tiếp tục đà tăng trưởng tốt và là động lực chính của thu nhập dịch vụ trong giai đoạn tới.

Techcombank, VIB và MB (HoSE: MBB) lần lượt là ba ngân hàng dẫn đầu về doanh thu phí bảo hiểm nhân thọ trong ngành. Dù vậy, VDSC dự kiến miếng bánh thị phần sẽ tiếp tục được phân chia lại khi nhiều ngân hàng mới với uy tín và quy mô khách hàng lớn cũng sẽ tham gia tích cực hơn vào hoạt động này.

Xu hướng tăng trưởng cao đang thuộc về VIB, Sacombank (HoSE: STB), ACB và VPBank. Đặc biệt, Vietcombank và ACB được kỳ vọng sẽ mở rộng thị phần phân phối bancassurance mạnh mẽ nhờ các thỏa thuận hợp tác bảo hiểm mới kí kết, được hỗ trợ bởi tệp khách hàng lớn và trung thành.

VDSC kỳ vọng rằng Vietcombank, với việc bắt đầu triển khai hợp tác độc quyền với FWD từ tháng 4, sẽ ghi nhận đóng góp rõ hơn từ phân phối bảo hiểm trong nửa cuối năm và về lâu dài, Vietcombank sẽ vươn lên thành ngân hàng phân phối bancassurance hàng đầu nhờ uy tín và quy mô khách hàng lớn nhất trong số các ngân hàng niêm yết.

Cùng với kênh thanh toán và bảo hiểm, cơ cấu thu phí dịch vụ cũng được kỳ vọng sẽ được đa dạng hóa hơn nữa bởi các dịch vụ như bảo lãnh, trái phiếu và môi giới.

Tựu chung lại, VDSC kỳ vọng tăng trưởng thu nhập dịch vụ của 9 ngân hàng mà công ty chứng khoán này phân tích và dự báo sẽ có thể bật trở lại mức 25% trong năm 2021 từ mức dự báo 12% của năm 2020.

Tin mới lên