Ngân hàng

Kỳ vọng sớm thông qua luật về xử lý nợ xấu

(VNF) – Đang có kỳ vọng lớn trong việc sớm thông qua Luật hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu ngay trong kỳ họp thứ ba của Quốc hội khóa XIV.

Kỳ vọng sớm thông qua luật về xử lý nợ xấu

Luật về xử lý nợ xấu được kỳ vọng sẽ thông qua ngày trong kỳ họp Quốc hội lần này

Sáng ngày 22/5, kỳ họp thứ ba của Quốc hội khóa XIV chính thức khai mạc với kỳ vọng ở nhiều nội dung quan trọng, trong đó có kỳ vọng Quốc hội sẽ thông qua Luật hỗ trợ tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu ngay trong kỳ họp này.

Tờ trình Chính phủ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về dự án luật này thừa nhận rằng, tính đến 31/12/2016, tỷ lệ nợ xấu nội bảng, nợ xấu do VAMC quản lý và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu có khả năng lên đến 8,86% tổng dư nợ, cao hơn nhiều so với ngưỡng quy định 3% của NHNN.

Tờ trình cũng chỉ ra một loạt vấn đề trong xử lý nợ xấu hiện nay, theo đó, NHNN nhìn nhận, quy định về thẩm quyền của NHNN khi xử lý TCTD yếu kém còn chưa hoàn thiện, chưa đầy đủ, nhất là trong vấn đề mua lại bắt buộc TCTD yếu kém hoặc giải thể bắt buộc TCTD yếu kém không có khả năng phục hồi.

Đồng thời, NHNN cũng đánh giá, tiến trình phục hồi và cơ cấu lại các TCTD yếu kém còn hết sức khó khăn do chưa có giải pháp và biện pháp hỗ trợ phù hợp với đặc thù của TCTD yếu kém.

Khó khăn trong xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ vay cũng là vấn đề quan trọng mà NHNN đề cập đến trong tờ trình Chính phủ. Theo NHNN, quy định của pháp luật đối với việc xử lý tài sản bảo đảm để thu hồi nợ còn nhiều bất cập làm hạn chế tiến độ, hiệu quả của việc xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng.

Dự thảo lần 1 Luật hỗ trợ tái cơ cấu các TCTD và xử lý nợ xấu gồm 57 Điều với nhiều nội dung mới, quan trọng và đặc thù. Một số nội dung nổi bật, đầu tiên có thể kể đến quy định về việc miễn trừ trách nhiệm đối với cán bộ tham gia xử lý TCTD yếu kém.

Nội dung nổi bật thứ hai là dự thảo luật quy định rõ các vấn đề liên quan đến việc kiểm soát đặc biệt đối với TCTD, trong đó xác định rõ thế nào là TCTD yếu kém; trong trường hợp hợp nào đặt TCTD và tình trạng kiểm soát đặc biệt; nhiệm vụ, quyền hạn của Ban kiểm soát đặc biệt; thẩm quyền của NHNN; trách nhiệm của TCTD được kiểm soát đặc biệt; quy định về các khoản vay đặc biệt và trường hợp chấm dứt kiểm soát đặc biệt.

Một số nội dung nổi bật tiếp theo có thể kể đến như quy định về đánh giá thực trạng và xây dựng phương án xử lý TCTD yếu kém; xây dựng, phê duyệt, tổ chức thực hiện phương án phục hồi; xây dựng, phê duyệt, tổ chức thực hiện phương án xử lý pháp nhân (trong đó có tính đến phương án phá sản TCTD); quy định về mua bắt buộc TCTD yếu kém; nhiều quy định đặc thù trong xử lý tài sản bảo đảm của TCTD.

Phát biểu tại hội nghị đối thoại giữa Thủ tướng với cộng đồng doanh nghiệp vừa diễn ra mới đây, Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng bày tỏ mong muốn Quốc hội sẽ thông qua Luật hỗ trợ tái cơ cấu các TCTD và xử lý nợ xấu ngay trong kỳ hợp thứ ba của Quốc hội khóa XIV.

"Nếu được thông qua sớm, Nghị quyết của Quốc hội sẽ tạo điều kiện xử lý triệt để các vướng mắc khó khăn về cơ sở pháp lý hiện hành liên quan đến xử lý nợ xấu và tài sản bảo đảm, các khoản nợ của các tổ chức tín dụng, tạo cơ chế xử lý đồng bộ, thống nhất, hiệu quả, khả thi các khoản nợ xấu. Nhờ đó sẽ giải phóng khối lượng vốn lớn đang đọng lại trong các khoản nợ xấu cũng như giải phóng khối lượng tài sản thế chấp hiện nay chưa xử lý được, gây lãng phí nguồn lực xã hội, giúp các tổ chức tín dụng mở rộng tín dụng cho nền kinh tế, đồng thời, giảm được chi phí hoạt động để có điều kiện tiếp tục giảm lãi suất cho vay", Thống đốc nói.

Tin mới lên