Tài chính

Kỳ vọng VN-Index 'hóa rồng'?

(VNF) - Nhiều khả năng VN-Idex sẽ vượt mốc 1.000 điểm vào cuối năm nay. Dù vậy, xu hướng giao dịch của chỉ số chuẩn được dự báo khá khó chịu khi sẽ tiếp tục giằng co, "Sideway up".

Kỳ vọng VN-Index 'hóa rồng'?

Nhiều khả năng VN-Idex sẽ vượt mốc 1.000 điểm vào cuối năm nay.

Mốc 1.000 điểm xa vời

Hồi phục từ vùng đáy ngắn hạn tháng 6/2019, VN-Index dần tăng điểm và vượt 1.000 điểm trong tháng 7. Theo tính toán, chỉ số trong riêng quý III/2019 tăng 46,62 điểm (+4,91% so với quý trước). Còn tính từ đầu năm 2019, chỉ số tăng trưởng 104,02 điểm, tương đương 11,65%.

Nhiều sự bất lợi như chiến tranh thương mại Mỹ - Trung diễn biến khó lường, bất ổn chính trị... diễn ra trong quý III/2019, nhưng nhìn chung, thị trường chứng khoán Việt Nam đã vận động khá thuận lợi. VN-Index tăng điểm tích cực đi ngược lại xu hướng giảm điểm trong khu vực.

Lý giải cho đà tăng của VN-Index, giới đầu tư cho rằng, đây là âm hưởng từ các yếu tố vĩ mô tích cực trong và ngoài nước. Cụ thể, thương chiến Mỹ - Trung có dấu hiệu hạ nhiệt với quyết định lùi thời hạn áp thuế và miễn thuế đến từ cả hai phía, xu hướng hạ lãi suất của các Ngân hàng Trung Ương lớn trên thế giới như FED hay ECB, quyết định 1870 của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về việc cắt giảm lãi suất, và mức tăng trưởng GDP tích cực trong quý III/2019...

Trong quý III/2019, thị trường có 10/18 ngành tăng điểm. Trong đó, ngành bán lẻ tăng mạnh nhất với hiệu suất 28,61% do sự đóng góp của cổ phiếu MWG và DGW với mức tăng lần lượt là 7,87% và 6,20%, nhóm Công nghệ Thông tin tăng 23,74% với FPT (+8,66%), ngành Ngân hàng tăng 13,42% với VCB (+5,66%).

Tính riêng tháng 9/2019, VN-Index ghi nhận có 146 cổ phiếu tăng, 219 cổ phiếu giảm và 15 cổ phiếu không đổi. 5 cổ phiếu hỗ trợ VN-Index gồm VCB tăng 5,66% (góp 4,8 điểm), VNM tăng 7,20% (góp 4,5 điểm), GAS tăng 5,67% (góp 3,2 điểm), TCB tăng 8,60% (góp 1,9 điểm), VHM tăng 1,71% (góp 1,5 điểm). Các cổ phiếu khiến VN-Index giảm điểm mạnh nhất gồm VIC giảm – 3,0% (-3,6 điểm), SAB giảm -2,89% (giảm -1,5 điểm), HVN giảm -7,31% (giảm -1,1 điểm), VRE giảm -3,92% (giảm -0,9 điểm) và BHN giảm -13,68% (giảm -0,8 điểm).

Điểm trừ duy nhất, do áp lực chốt lãi và sự phân hóa của nhóm cổ phiếu chủ chốt kéo chỉ số trong quý III/2019 chủ yếu dao động giằng co. Do đó, VN-Index vẫn chỉ đang vận động theo hình sin có biên độ giảm dần từ 940 – 1.010 với trọng tâm quanh 980 điểm.

Dữ liệu cho thấy, VN-Index chưa một lần giữ thành công mốc 1.000 điểm cho đến hết phiên.

Cụ thể, VN-Index trong phiên 30/9 và 30/7 từng vượt mốc 1.000 trong phiên. Không những chỉ số chuẩn không thể giữ mốc này, mà còn suy giảm càng về cuối phiên (phiên 30/9 giảm 1,28 điểm, phiên 30/7 giảm gần 12 điểm). Điều này phần nào cho thấy dòng tiền vẫn còn e ngại trước mốc kháng cự tâm lý 1.000.

Một trong các dấu hiệu dễ thấy là thị trường không nhận sự hỗ trợ bởi dòng tiền ngoại. Tính riêng tháng 9/2019, các nhà đầu tư nước ngoài (NĐTNN) đã bán ròng 378,9 tỷ đồng trên sàn HSX, trong đó họ bán chủ yếu VRE (-378,4 tỷ đồng), NVT (-217,2 tỷ đồng), VIC (-212,9 tỷ đồng)…

Ngoài ra, thanh khoản bình quân trên 2 sàn (HSX và HNX) giảm -8,3% so với tháng 8/2019, và duy trì ở mức 4,381 tỷ đồng/phiên và tương ứng với gần 188 triệu USD/phiên.

Điều này cho thấy, sự cải thiện điểm số của VN-Index chủ yếu vẫn đến từ dòng tiền hướng đến các mã cổ phiếu Bluechips vốn hóa lớn và chưa lan tỏa toàn thị trường.

Xét trong tổng thể quý III/2019, thanh khoản bình quân trên 2 sàn tăng +8,5% so với quý II/2019 và duy trì ở mức 4.463 tỷ đồng/phiên và tương đương 191,5 triệu USD/phiên. Tính trong 9T2019, thanh khoản bình quân trên 2 sàn đạt mức 4.421 tỷ đồng/phiên giảm -35% so với trung bình năm 2018.

VN-Index sẽ “hóa rồng” trong quý IV/2019?

VN-Index trong quý IV/2019 nhiều khả năng sẽ đón nhận các thông tin trái chiều. Những diễn biến về thương chiến Mỹ - Trung (dù đã nguội đi nhiều) nhưng vẫn tiềm ẩn không ít rủi ro, Brexit là vấn đề dậy sóng trên chiến trường Anh khi Thủ tướng Anh Boris Johnson cam kết đưa nước Anh rời khỏi EU vào ngày 31/10 dù có hay không thoả thuận và không có ý định tìm kiếm thêm một lần gia hạn, sự suy yếu của nền kinh tế thế giới, các cuộc xung đột chính trị đặc biệt ở khu vực Trung Đông, các rủi ro chính sách gia tăng, sự suy yếu của nhiều nền kinh tế … khiến thị trường chứng khoán toàn cầu nói chung, và Việt Nam nói riêng trở nên rủi ro. Ngoài ra, ngưỡng 1.000 điểm vẫn sẽ là một dấu mốc tâm lý lớn thử thách dòng tiền.

Dù vậy, vẫn có thể nhắc đến nhiều yếu tố tích cực. SSI Reseach cho rằng, xu hướng nới lỏng tiền tệ đang diễn ra rộng khắp trên quy mô toàn cầu điều này giúp cho dòng tiền dồi dào hơn và có khả năng quay lại khu vực mới nổi. Nếu khả năng xảy ra thì Việt Nam sẽ có cơ hội thu thu hút dòng vốn ngoại vào cuối năm 2019 và đầu năm 2020 nhờ tăng trưởng cao và vĩ mô ổn định.

Xét về mặt nội tại, đi ngược với dự báo thận trọng của các tổ chức quốc tế, tốc độ tăng trưởng GDP quý III của Việt Nam tăng mạnh 7,31%, đưa mức tăng trưởng 9 tháng lên cao nhất trong 9 năm đạt 6,98%.

Trong bối cảnh kinh tế thế giới có xu hướng tăng trưởng chậm và những nguy cơ khó lường từ cuộc chiến thương mại, căng thẳng leo thang tại Trung Đông, nguy cơ Brexit không thỏa thuận, Việt Nam vẫn đang là điểm sáng trong khu vực và quốc tế. Nền tảng vĩ mô ổn định, cùng với dư địa chính sách là bàn đạp để Việt Nam hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội năm 2019 đồng thời ứng phó với biến động ngày càng phức tạp từ môi trường bên ngoài.

Ngoài ra, không thể không nhắc đến những kỳ vọng nâng hạng thị trường, hoạt động thoái vốn cổ phần hóa và cải cách thị trường đúng thời điểm sẽ thu hút dòng vốn đầu tư quốc tế. Đáng chú ý, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV diễn ra từ ngày 21/10 tới 21/11 sẽ đóng góp những diễn biến quan trọng về mặt vĩ mô, đáng chú ý là khả năng thông qua Luật chứng khoán (sửa đổi). Giới đầu tư kỳ vọng đây sẽ là yếu tố hỗ trợ tác động trọng yếu tới thị trường chứng khoán, trong ngắn và dài hạn.

Bên cạnh đó, yếu tố kết quả kinh doanh quý III/2019 của các doanh nghiệp niêm yết vốn hóa lớn được kỳ vọng sẽ định hướng tích cực dòng tiền của nhà đầu tư trong ngắn hạn. Dù vậy, nhiều ý kiến đánh giá, với dòng vốn vào thị trường còn khá dè dặt thì việc thị trường tiếp tục phân hóa mạnh cùng với KQKD quý III nhiều khả năng sẽ tiếp tục lặp lại vào những tháng cuối năm.

Nhiều công ty chứng khoán nhận định, chỉ số nhiều khả năng sẽ vượt mốc 1.000 điểm vào thời điểm cuối năm.

CTCP Chứng khoán Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam nhận định, trường hợp tích cực, VN-Index đóng cửa trên 1.000 điểm vào cuối năm. Xu hướng vận động vẫn vận động quanh các mã cổ phiếu lớn, nhóm cổ phiếu hết room nằm trong bộ chỉ số mới kỳ vọng sẽ thu hút dòng vốn ngoại mới. Ở trường hợp tiêu cực, VN-Index có thể giảm dưới 960 điểm khi gặp nhiều thông tin bất lợi từ thế giới và dòng vốn quốc tế chưa đủ sức lan tỏa đến các thị trường.

Với CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), Công ty cho rằng, thị trường sẽ tiếp tục duy trì xu hướng “sideway up”, mở ra cơ hội để VN-Index đóng cửa ở mức trên 1.000 vào cuối năm 2019.

Cùng quan điểm trên, SSI Research đánh giá, dù chịu ảnh hưởng từ nhiều yếu tố tiêu cực, VN-Index có khả năng vẫn duy trì trạng thái giằng co trong quý IV/2019. Không loại trừ khả năng VN-Index có thể vượt ngưỡng cản 1.000 điểm nhờ một vài cổ phiếu trụ cột tăng cục bộ, tuy vậy cung chốt lời sẽ gia tăng theo đà đi lên của chỉ số.

Tin mới lên