Ngân hàng

Lãi ở tương lai còn nợ xấu trước mắt

(VNF) - Sáu tháng đầu năm 2022, các ngân hàng ồ ạt báo lãi nghìn tỷ đến chục nghìn tỷ đồng. Mức tăng trưởng lợi nhuận 20% – 30% là bình thường, có ngân hàng tăng trưởng hơn 80%.

Lãi ở tương lai còn nợ xấu trước mắt

Các ngân hàng ồ ạt báo lãi

Hiện tượng này gợi nhớ làn sóng bùng nổ lợi nhuận các ngân hàng cách đây gần 1 thập kỷ, trước khi “cơn bão” nợ xấu càn quét. Soi vào báo cáo 6 tháng của các ngân hàng có những điểm đáng lưu ý khi các khoản lãi, phí phải thu, hay còn gọi là lãi dự thu, tăng lên và nợ xấu cũng đang tăng lên.

Lãi to nhưng tiền chưa về

Tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), lãi dự thu tính đến 30/6/2022 tăng 28% lên gần 2.484 tỷ đồng. Lãi dự thu tại Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank) cũng tăng từ mức 769 tỷ đồng hồi đầu năm lên 942,5 tỷ đồng, tương ứng 22,5%. Tại Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank) lãi dự thu tăng tới 34% lên gần 3.765 tỷ đồng. Lãi dự thu tại Ngân hàng TMCP Quốc Tế (VIB) tăng từ 1.856 tỷ đồng lên 2.104 tỷ đồng, tương ứng 13%.

Tại các ngân hàng lớn như Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) lãi dự thu tăng 16% lên 10.997 tỷ đồng. Tại Ngân hàng TMCP Quân Đội (MB) lãi dự thu cũng tăng 17% từ 3.962 tỷ đồng hồi đầu năm lên 5.533 tỷ đồng.

Trong các ngân hàng dẫn đầu về lợi nhuận 6 tháng đều có lãi dự thu tăng. Cụ thể, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương (Techcombank) là 39,1%, ở Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) là 22,2%

Ngân hàng chỉ được dự thu với khoản lãi sinh ra từ các khoản nợ đủ tiêu chuẩn (nợ nhóm 1). Tại các ngân hàng, nợ đủ tiêu chuẩn thường chiếm tỷ lệ lớn nhất trên tổng dư nợ (với các ngân hàng có tỷ lệ nợ nhóm 1 cao thường trên 97%, với các ngân hàng thấp hơn cũng trên dưới 90%) nên khoản lãi dự thu đươc tính vào lợi nhuận lên đến nghìn tỷ cũng là dễ hiểu.

Bản chất, lãi dự thu là khoản lãi ngân hàng dự kiến thu được trong tương lai. Ngân hàng chưa thu được tiền nhưng khoản này vẫn được ghi nhận vào báo cáo thu nhập và lợi nhuận. Như vậy, dù chưa có tiền thực nhưng đây là khoản lợi nhuận được tính để nộp thuế và căn cứ để chia cổ tức.

Tuy nhiên, rủi ro sẽ xảy ra khi các khoản lãi dự thu không thể thu hồi thì các tính toán lợi nhuận, cổ tức sẽ phải thay đổi. Thậm chí, nếu nợ đủ tiêu chuẩn bị chuyển thành nợ xấu, ngân hàng khi đó phải tăng trích lập dự phòng thay vì tính lãi như trước đó. Thực tế năm 2022, điều này có thế xảy ra khi các ngân hàng được cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19, song đến 30/6 chính sách này sẽ hết hiệu lực. Khi đó, lãi dự thu có tiềm ẩn nguy cơ nợ xấu.

TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, chỉ ra rằng, lãi dự thu đôi khi “thổi phồng” lợi nhuận. Trong một số trường hợp, lãi dự thu không đơn thuần là các khoản dự tính thu được trong tương lai mà còn là nợ xấu tiềm ẩn. Với những ngân hàng báo lãi hàng nghìn tỷ đồng nhưng lãi dự thu lại chiếm tỷ lệ lớn trên tổng lợi nhuận thì kết quả kinh doanh chưa thực chất.

Nợ xấu tăng mạnh

Báo cáo tài chính quý II của Ngân hàng TMCP Quốc dân (NCB) gây chú ý khi tỷ lệ nợ xấu vọt lên 11%. Tính đến hết quý II, nợ dưới tiêu chuẩn (quá hạn từ 91 ngày đến 180 ngày) của NCB tăng 90% từ 600 tỷ đồng lên 1.144 tỷ đồng. Nợ nghi ngờ (chậm trả 3 tháng đến dưới 1 năm) gấp 15 lần so với đầu năm, từ mức 180 tỷ đồng lên 2.626 tỷ đồng. Nợ có khả năng mất vốn (quá hạn trên 1 năm) cũng tăng hơn 140% và lên 1.130 tỷ đồng.

Báo cáo quý II của Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex (PGBank) cho thấy chi phí dự phòng rủi ro tín dụng tăng tới hơn 2 lần so với cùng kỳ. Số dư nợ xấu nội bảng ở nhóm 3 và nhóm 5 lại lần lượt tăng 5,2% và 3,3% so với thời điểm cuối năm 2021.

Tại ABBANK tính đến thời điểm cuối tháng 6/2022, số nợ xấu tuyệt đối là hơn 1.788 tỷ đồng, chiếm 1,64% tổng dư nợ và tăng 10,7% so với cùng kỳ.

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thương Tín (Vietbank) cũng tiếp tục tăng tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay từ mức 3.65% lên 3.91%. Tổng nợ xấu của ngân hàng này là 2,196 tỷ đồng, tăng 19% so với đầu năm.

Với các ngân hàng lớn như Agribank, tổng nợ xấu nội bảng tính đến cuối tháng 6/2022 tăng tới 22,1%, lên 29.983 tỷ đồng. Đây cũng là ngân hàng có nợ xấu tăng nhiều nhất, về con số tuyệt đối (5.430 tỷ đồng). VPBank cũng tăng tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay hợp nhất từ mức 4,57% hồi đầu năm lên 5,25% ở thời điểm ngày 30/06/2022. Tính riêng trên ngân hàng mẹ, tỷ lệ này cũng tăng từ mức 2,01% đầu năm lên 2,83%.

Một loạt các ngân hàng khác cũng có nợ xấu tăng mạnh bao gồm SHB (55,3%), MBB (52,3%), VPBank (27%), Kết quả thống kê 27 ngân hàng niêm yết của FiinGroup cho thấy tỷ lệ nợ xấu nội bảng tăng lên 1,42%, chưa bao gồm các khoản nợ tái cơ cấu do dịch Covid-19.

Tính đến ngày 30/6/2022, tổng nợ xấu nội bảng của 27 ngân hàng ở mức gần 146,2 nghìn tỷ đồng, tăng 17,5% so với đầu năm. Trong khi đó, tổng nợ nhóm 5, tức nợ có khả năng mất vốn tính đến cuối tháng 6 cũng tăng tới 29,35% so với đầu năm, lên hơn 80,3 nghìn tỷ đồng, chiếm 55% tổng nợ xấu, so với tỷ trọng 49,9% hồi đầu năm. Trong cơ cấu nợ xấu, có sự dịch chuyển rõ ràng từ nợ dưới chuẩn (-11%) sang nợ nghi ngờ (+20%) và nợ có khả năng mất vốn (+40%).

Với thực tế trên đây, khi khoản báo lãi nghìn tỷ còn ở tương lai mà nợ xấu đã đến ngay trước mắt thì không ít người lo ngại, các ngân hàng báo lãi nhưng thực chất áp lực nợ xấu trong tương lai là rất lớn.

TS Cấn Văn Lực, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia, dự báo nợ xấu nội bảng năm 2022 sẽ được đẩy lên mức 2% và nợ xấu gộp ở mức khoảng 6%. Đặc biệt, khi Thông tư 14 hết hiệu lực, đương nhiên nợ xấu sẽ tăng vì không còn được chuyển nhóm nợ.

Điều tạm yên tâm là tỷ lệ bao phủ nợ xấu toàn ngành đã tăng mạnh trong vòng 6 năm qua, từ mức 66% cuối năm 2016 lên 150% nhờ trích lập dự phòng rủi ro của các ngân hàng thương mại niêm yết. Có những ngân hàng tỷ lệ bao phủ nợ xấu đạt mức cao kỷ lục từ trước tới nay như Vietcombank đạt 506%, BIDV đạt 219%, ACB đạt 210%...

Tin mới lên