Ngân hàng

Lãi suất liên ngân hàng tăng đột biến, dấu hiệu cảnh báo thanh khoản

(VNF) - Trong thống kê mới nhất được Ngân hàng Nhà nước cho thấy, từ tuần cuối tháng 8/2022, lãi suất liên ngân hàng đã tăng mạnh. Thậm chí đã xuất hiện mức vượt mức 6,5%.

Lãi suất liên ngân hàng tăng đột biến, dấu hiệu cảnh báo thanh khoản

Căng thẳng thanh khoản, lãi suất được đẩy lên cao.

Cụ thể, trong tuần từ 22- 26/8, lãi suất bình quân liên ngân hàng tăng ở hầu hết các kỳ hạn. Cụ thể, qua đêm: 3,53%/năm; 1 tuần: 3,6%/năm và 1 tháng là: 4,53%/năm. Thậm chí. ở kỳ hạn 3 tháng đã lên mức 4,93%/năm, trong khi 6 tháng là 6,40%/năm. Đặc biệt, mức 6,74%/năm cho thời hạn 9 tháng.

Bên cạnh đó theo báo cáo của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài qua hệ thống báo cáo thống kê, doanh số giao dịch trên thị trường liên ngân hàng trong kỳ bằng VND đạt xấp xỉ 1.220.374 tỷ đồng, bình quân 244.075 tỷ đồng/ngày, tăng 10.416 tỷ đồng/ngày so với tuần trước; doanh số giao dịch bằng USD quy đổi ra VND trong tuần đạt khoảng 271.061 tỷ đồng, bình quân 54.212 tỷ đồng/ngày, tăng 3.605 tỷ đồng/ngày so với tuần trước đó.

Trong diễn biến mới nhất, các thành viên thị trường liên ngân hàng cho biết, lãi suất liên ngân hàng qua đêm tục tăng mạnh đạt mức 5,44%/năm trong phiên 6/9. Đây được xem là mức cao nhất trong nhiều năm trở lại đây

Đáng chú ý khác, ngay trước kỳ nghỉ lễ 2/9, Ngân hàng Nhà nước đã bơm khoảng gần 20 nghìn tỷ đồng thông qua kênh OMO với lãi suất tăng lên 4,5% cho kỳ hạn 7 ngày vào các ngày giao dịch 29/8 – 31/8. Bên cạnh đó còn có hơn 35 nghìn tỷ trái phiếu đáo hạn đưa tổng số tiền được bơm ra thị trường lên đến 53 nghìn tỷ.

Dù có nguồn tiền lớn bơm qua các kênh từ Ngân hàng Nhà nước nhưng lãi suất liên ngân hàng vẫn liên tục tăng cao cho thấy dấu hiệu thanh khoản căng thẳng của ngân hàng thương mại. Diễn biến này dưới góc nhìn của các chuyên gia tiền tệ là dấu hiệu đáng cảnh báo.

Trong khi đó, các ngân hàng thương mại cũng liên tục đẩy lãi suất huy động lên cao. Thậm chí đã xuất hiện mức trên dưới 8% cho các kỳ hạn dài ở các ngân hàng quy mô nhỏ.

Cụ thể ABBank đang đẩy lãi suất lên tới 8,8%/năm, tăng 0,5%/năm so với trước đó cho kỳ hạn 13 tháng và mức gửi 1.500 tỷ đồng.

Đây là mức lãi suất dành cho các khoản tiền gửi 1.500 tỷ đồng trở lên cho kỳ hạn 13 tháng và lĩnh lãi cuối kỳ. Ngân hàng SeABank đang chào mức lãi suất cao nhất là 7,85%/năm cho chứng chỉ tiền gửi dài hạn bằng VND với mệnh giá tối thiểu từ 100 triệu đồng kỳ hạn 36 tháng..

Một số ngân hàng khác cũng có mức lãi suất huy động cao nhất ở mức trên 7%/năm bao gồm SCB với 7,55%/năm, tại Kienlongbank là 7,3%/năm, tại Techcombank là 7,1%/năm, tại BacABank là 7%/năm,…

Không những thế, các ngân hàng còn có các chương trình khuyến mãi đi kèm để đưa lãi suất thực hưởng của khách hàng gửi tiết kiệm lên cao hơn để hút nguồn vốn.

Tin mới lên