Ngân hàng

Lãi suất ngân hàng đầu tháng 7 giảm cả 2 chiều vay và cho vay

(VNF) - Bước vào tháng 7/2020, các ngân hàng lớn đã điều chỉnh lãi suất huy động lẫn lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tái khởi động nền kinh tế bị ảnh hưởng dịch bệnh COVID-19. Kể từ đầu năm, đây là lần thứ 3 các ngân hàng hạ lãi suất cho vay.

Lãi suất ngân hàng đầu tháng 7 giảm cả 2 chiều vay và cho vay

Lãi suất ngân hàng đầu tháng 7 đã giảm cả 2 chiều vay và cho vay

Giảm lãi suất huy động

Ngân hàng TMCP Ngoại Thương Việt Nam (Vietcombank) vừa giảm lãi suất huy động VND, với mức giảm lên tới từ 0,4 - 0,5% so với mức lãi suất niêm yết trước đó.

Cụ thể, lãi suất kỳ hạn 7 ngày và 14 ngày đã về mức 0,2%/năm so với mức 0,5%/năm duy trì từ hồi giữa tháng 3. Còn kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng niêm yết ở mức 3,7%, giảm 0,4% so với trước đó và thấp hơn rất nhiều so với mức trần 4,3%/năm. Lãi suất kỳ hạn 3 tháng từ 4,5%/năm cũng giảm xuống 4%/năm; kỳ hạn 6 tháng từ 4,9%/năm xuống còn 4,4%/năm. Lãi suất tiền gửi kỳ hạn 9 tháng giảm 0,3%, từ 4,9% xuống còn 4,6%.

Ảnh minh họa

Tại các kỳ hạn dài hơn, từ 12 tháng đến 36 tháng, lãi suất tiền gửi cũng được Vietcombank điều chỉnh giảm mạnh 0,5% so với trước đó. Mức lãi suất huy động VND cao nhất tại Vietcombank hiện chỉ còn 6,1%/năm, thay vì 6,6%/năm trước đó. Với khách hàng tổ chức, mức lãi suất cao nhất giảm hẳn xuống chỉ còn 5,5%/năm trên biểu niêm yết.

Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam (VietinBank) cũng giảm lãi suất tiết kiệm ở nhiều kỳ hạn. Theo đó, ở kỳ hạn 1 tháng đến dưới 3 tháng, lãi suất đang là 3,7%/năm, giảm 0,3% so với tháng 6. Kỳ hạn từ 3 tháng đến dưới 6 tháng, lãi suất huy động giảm 0,25 %, từ 4,25%/năm xuống còn 4%/năm.

Các kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 9 tháng được niêm yết ở cùng mức lãi suất 4,4%/năm, giảm 0,5%. Tiền gửi tiết kiệm kỳ hạn từ 9 tháng đến dưới 12 tháng giảm 0,5%, từ 5,1%/năm xuống còn 4,6%. Với các kỳ hạn dài từ 12 tháng đến 36 tháng và trên 36 tháng, Vietinbank áp dụng chung với mức lãi suất 6%/năm. So với tháng trước, lãi suất tiền gửi tại các kỳ hạn này giảm 0,5%. Đây cũng là mức lãi suất tiết kiệm cao nhất tại VietinBank tại thời điểm này.

Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) điều chỉnh giảm lãi suất tiết kiệm ở hầu hết các kỳ hạn. Các khoản tiền gửi có kỳ hạn 1 tháng và 2 tháng được áp dụng cùng mức lãi suất là 3,7%/năm, giảm 0,3 % so với thời điểm đầu tháng 6/2020. Còn kỳ hạn 3 tháng, 5 tháng, 6 tháng và 9 tháng, lãi suất huy động được điều chỉnh giảm từ 0,25 đến 0,5 % so với tháng trước. Hiện tại, lãi suất huy động cao nhất tại BIDV là 6%/năm, áp dụng đối với các kỳ hạn từ 364 ngày và 12 tháng trở lên, giảm 0,5 % so với tháng trước.

Giảm cả lãi suất cho vay

Ngân hàng NN-PTNT (Agribank) từ ngày 30/6 đã giảm lãi suất cho vay đối với 5 lĩnh vực ưu tiên theo quyết định tại Thông tư 39/2016/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước. Lãi suất cho vay ngắn hạn tối thiểu 4,8%/năm; lãi suất cho vay trung, dài hạn tối thiểu 7,5%/năm, đây là mức lãi suất thấp nhất thị trường hiện nay. Từ đầu năm đến nay, đây là lần thứ 3 liên tiếp Agribank thực hiện giảm lãi suất.

BIDV vừa thông báo giảm thêm 0,5% lãi suất cho vay từ 1/7. Như vậy kể từ đầu năm đến nay, BIDV đã 3 lần thực hiện giảm lãi suất cho vay đối với khách hàng với mức giảm từ 2,5% - 3,0%/năm so thời điểm truớc dịch COVID-19. Trước đó, thực hiện chủ trương của Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước trong việc hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch COVID-19, BIDV là một trong các ngân hàng đầu tiên ban hành gói tín dụng ưu đãi hỗ trợ khách hàng với quy mô lên đến 93.000 tỷ đồng. Đến nay, doanh số giải ngân gói tín dụng hỗ trợ này đã đạt trên 70.000 tỷ đồng cho 5.400 khách hàng với mức lãi suất đang áp dụng giảm 2,0%/năm so lãi suất trước thời điểm dịch.

Theo Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước), tính đến ngày 22/6, tất cả tổ chức tín dụng, kể cả công ty tài chính, ngân hàng nước ngoài đều đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho hơn 258.000 khách hàng với dư nợ gần 177.000 tỷ đồng.

Các tổ chức tín dụng đã miễn, giảm lãi suất cho hơn 421.000 khách hàng với dư nợ hơn 1,26 triệu tỷ đồng. Còn cho vay mới với lãi suất ưu đãi có doanh số lũy kế từ 23.1 đạt 1,13 triệu tỷ đồng cho hơn 238.000 khách hàng, lãi suất thấp hơn phổ biến từ 0,5- 2,5% so với trước dịch.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy tính đến ngày 19/6, tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế chỉ đạt 2,45% (cùng thời điểm năm 2019 tăng 6,22%). Đây là mức tăng trưởng tín dụng thấp nhất của thời điểm 19/6 các năm 2016-2020.

Tin mới lên