Ngân hàng

Lãi suất NH nên theo thỏa thuận?

"Trong một nền kinh tế thị trường thì đầu tiên phải tôn trọng quy luật của kinh tế thị trường, tiếp đó là tiến tới định hướng xã hội chủ nghĩa... Nên với các thoả thuận kinh tế, chúng ta cũng phải chấp nhận", TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội chia sẻ quan điểm.

Lãi suất NH nên theo thỏa thuận?

Luật Các TCTD đã cho phép các TCTD và khách hàng vay được áp dụng lãi suất thoả thuận

Vấn đề "trần lãi suất" trong hợp đồng vay, được đề cập tại dự thảo Bộ luật Dân sự (sửa đổi), đang thu hút sự chú ý của dư luận suốt những ngày qua. Đề xuất mới nhất là từ Cơ quan thẩm tra, với việc trình hai phương án lên Quốc hội để lựa chọn: Quy định mức lãi suất không quá 20%/năm (phương án 1); hay không vượt quá 200% lãi suất cơ bản do NHNN công bố (phương án 2). Tuy nhiên, nhiều đại biểu vẫn tỏ ra chưa yên lòng với các đề xuất này.

Riêng với đề xuất chốt cứng trần lãi suất là 20%/năm, nhiều đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi: Nếu lạm phát cả năm vượt quá mức 20% thì sẽ như thế nào? Đương nhiên, với lãi suất huy động thấp hơn lãi suất cho vay, quy định trần lãi suất 20% trong trường hợp này thì việc huy động và cho vay của các NHTM sẽ không có "cửa" để xoay xở, chưa nói đến làm sao để cho vay. Nhưng ngay cả phương án lấy lãi suất cơ bản làm tham chiếu cũng không nhận được sự đồng tình.

Nhiều đại biểu đề nghị làm rõ việc có nên áp dụng với các TCTD hay không, hay chỉ áp dụng đối với các quan hệ dân sự ngoài NH?

Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, TS. Nguyễn Đức Kiên, Phó chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế Quốc hội cho rằng, cũng còn tuỳ vào cách nhìn của từng người, nhưng trong một nền kinh tế thị trường thì lãi suất nên để các bên tự thoả thuận.

Dẫn chiếu quan điểm này, ông nói một cách bóng gió: "Bây giờ chẳng may bị ngã xuống nước, không biết bơi, nếu mượn được cái áo phao thì có thể sống. Nhưng mượn thôi thì không ai cho mượn, nể lắm là cho thuê, chẳng lẽ lúc ấy lại mặc cả giá thuê bao nhiêu…".

Thế nên, nhìn nhận trên góc độ logic và thực tiễn thì thấy, vấn đề áp trần lãi suất trong quan hệ vay mượn không phải lúc nào cũng dễ dàng. Nhưng xét thực tế, điểm quan trọng nhất là việc thoả thuận vay mượn có dựa trên tinh thần tự nguyện hay không và có phù hợp với các thông lệ đang áp dụng hay không? "Còn đương nhiên, nếu lợi dụng người ta ở thế yếu để nâng lãi suất thì phải xử lý", ông Kiên chia sẻ quan điểm cá nhân để làm rõ thêm thực chứng và lý thuyết.

Vấn đề Phó chủ nhiệm Nguyễn Đức Kiên chia sẻ cũng là thực tế trong quan hệ vay mượn thời gian qua. Ở giai đoạn nền kinh tế tăng trưởng nóng trước đây, nhu cầu vốn lớn, nhiều trường hợp DN kinh doanh thua lỗ tiếp tục "lấp liếm" tình hình tài chính khó khăn bằng việc vay "tín dụng đen" lãi suất cao khiến cho thị trường tài chính méo mó, tạo rủi ro thanh khoản và nguy cơ nợ xấu đổ bể…

Chính vì vậy, việc kiểm soát lãi suất ở mức phù hợp được đặt ra ở kỳ họp này của Quốc hội, khi thảo luận về Bộ luật Dân sự là có thể hiểu được.

Nhưng chỉ riêng ở góc độ tín dụng NH, thực tế các NHTM cũng là DN, cũng phải đảm bảo thu đủ bù chi thì mới huy động được nguồn vốn để cho vay nền kinh tế. Đồng thời, hoạt động của các TCTD này còn được kiểm soát, điều tiết bởi NHNN, nên việc áp lãi suất "quá cảm tính" là khó xảy ra trên thực tế. Thế nên, cách nhìn ở đây là phải có sự hài hoà, tách bạch, theo nhiều ý kiến thảo luận tại hội trường kỳ họp Quốc hội vừa qua.

"Trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, chúng ta phải đặt phần định hướng xã hội chủ nghĩa đến đâu?... Không phải chúng ta cứ đem cái tư tưởng của một thời cào bằng, xã hội ai cũng phải giống nhau…", ông Kiên đặt vấn đề.

Những đề cập trên của nhiều đại biểu Quốc hội thực tế cũng không nằm ngoài các quy định pháp luật hiện hành. Cụ thể, Luật Các TCTD đã cho phép các TCTD và khách hàng vay được áp dụng lãi suất thoả thuận. Đồng tình với dẫn chiếu quy định của luật này, ông Nguyễn Đức Kiên cho rằng, nếu các bên đã có thỏa thuận thì phải được chấp nhận.

"Trong một nền kinh tế thị trường thì đầu tiên phải tôn trọng quy luật của kinh tế thị trường, tiếp đó là tiến tới định hướng xã hội chủ nghĩa... Nên với các thoả thuận kinh tế, chúng ta cũng phải chấp nhận", ông Kiên chia sẻ quan điểm.

Tin mới lên