Ngân hàng

Lãi trước thuế gần 4.000 tỷ, Techcombank vẫn không chia cổ tức

(VNF) – Mặc dù lãi trước thuế tăng gần gấp đôi, lên mức gần 4.000 tỷ đồng trong năm 2016, tỷ lệ nợ xấu giảm nhưng Techcombank vẫn quyết không chia cổ tức "nhằm phục vụ cho hoạt động kinh doanh của Techcombank".

Lãi trước thuế gần 4.000 tỷ, Techcombank vẫn không chia cổ tức

Techcombank vẫn quyết không chia cổ tức dù lợi nhuận đã thuộc hàng cao nhất trong giới ngân hàng

Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) vừa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2016, theo đó, lãi trước thuế của Techcombank năm 2016 lên đến 3.996 tỷ đồng, gần gấp đôi con số 2.037 tỷ đồng của năm 2015.

Mức lợi nhuận ấn tượng này của Techcombank đến từ sự khởi sắc ở tất cả các mảng kinh doanh. Ở mảng kinh doanh cốt lõi là tín dụng – đầu tư, Techcombank đem về thu nhập lãi thuần 8.142 tỷ đồng trong năm 2016, tăng 12,9% so với năm 2015. Trong khi đó, mảng dịch vụ đem về cho Techcombank tới 1.955 tỷ đồng lãi thuần, tăng 53,7%, đưa Techcombank trở thành ngân hàng tư nhân có lãi thuần từ hoạt động dịch vụ cao bậc nhất trong giới ngân hàng.

Đối với mảng kinh doanh ngoại hối, năm 2016, Techcombank đem về lãi thuần 240 tỷ đồng, cải thiện rõ rệt so với con số âm (-) 192 tỷ đồng của năm 2015. Mảng mua bán chứng khoán kinh doanh và mua bán chứng khoán đầu tư lần lượt đem về cho Techcombank mức lãi thuần 124 tỷ đồng và 481 tỷ đồng, tăng tương ứng 95,6% và 447% so với một năm trước đó.

Tổng cộng, năm 2016, Techcombank đem về 11.918 tỷ đồng thu nhập từ các mảng kinh doanh, tăng 27,6% so với năm 2015. Cùng với đó, chi phí hoạt động lại chỉ tăng 15,8%, đạt 4.260 tỷ đồng. Điều này khiến lợi nhuận thuần năm 2016 tăng mạnh 35,2% so với năm 2015, đạt 7.657 tỷ đồng.

Ngoài nguyên do đến từ sự khởi sắc trong hoạt động kinh doanh, việc lãi sau thuế của Techcombank tăng gấp đôi chỉ sau một năm còn đến từ việc ngân hàng này giảm khá mạnh tỷ lệ trích lập dự phòng. Cụ thể, năm 2016, tỷ lệ trích lập dự phòng trên lợi nhuận thuần của Techcombank ở mức 47,8%, thấp hơn nhiều con số 64% của năm 2015.

Tín hiệu tích cực đối với Techcombank không chỉ đến từ lợi nhuận, mà còn đến từ sự gia tăng về lượng và chất lượng tài sản. Tính đến hết ngày 31/12/2016, tổng tài sản của Techcombank đạt 235.363 tỷ đồng, tăng 22,6% so với hồi đầu năm.

Đi sâu hơn, tổng dư nợ cho vay của Techcombank đạt 142.616 tỷ đồng, tăng 27,1%. Tỷ lệ nợ xấu duy trì ở mức thấp 1,58%, giảm so với mức 1,67% của năm 2015. Các khoản phải thu giảm mạnh gần 3.200 tỷ đồng, cũng là một chỉ báo cho thấy chất lượng tài sản của Techcombank được cải thiện rõ rệt trong năm 2016.

Về huy động vốn, tính đến hết năm 2016, tiền gửi khách hàng của Techcombank đạt 173.448 tỷ đồng, tăng 21,9%. Tỷ lệ an toàn vốn tối thiếu đạt 13,12%, cao hơn nhiều ngưỡng tối thiểu 9% theo quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Mặc dù đạt được mức lợi nhuận rất ấn tượng gần 4.000 tỷ đồng, nợ xấu giảm xuống mức thấp 1,58%, các khoản phải thu giảm tới 3.200 tỷ đồng, tỷ lệ an toàn vốn tối thiếu vượt xa ngưỡng quy định nhưng Techcombank vẫn quyết không chia cổ tức.

Techcombank

Lợi nhuận trước thuế tăng tới gần gấp đôi trong năm 2016 nhưng Techcombank vẫn quyết không chia cổ tức

Cụ thể, theo tờ trình Đại hội đồng cổ đông về việc trích lập quỹ và phân phối lợi nhuận năm 2016, Techcombank vẫn "duy trì dưới hình thức lợi nhuận không chia nhằm phục vụ cho hoạt động kinh doanh của Techcombank".

Việc Techcombank liên tục không chia cổ tức trong nhiều năm qua luôn là vấn đề nóng nhất trong những lần diễn ra đại hội đồng cổ đông. Hầu hết cổ đông nhỏ lẻ đều tỏ ra khá bức xúc, trong khi đó, quan điểm của ban lãnh đạo Techcombank lại muốn giữ lợi nhuận lại để tái đầu tư cho hoạt động kinh doanh.

Ngoài tờ trình phân phối lợi nhuận, trong đó tiếp tục không chia cổ tức, Techcombank còn dự kiến trình lên đại hội đồng cổ đông 2017 tờ trình tăng vốn điều lệ thêm 5.000 tỷ đồng, bằng cách chào bán 500 triệu cổ phần phổ thông cho cổ đông hiện hữu theo tỷ lệ sở hữu cổ phần của họ.

Thời điểm chào bán dự kiến trong quý II hoặc quý III/2017. Hiện HĐQT Techcombank vẫn chưa công bố giá chào bán cụ thể.

Về nguồn tiền thu từ đợt chào bán, Techcombank dự kiến sẽ chi 2.533 tỷ đồng vào đầu tư tài sản cố định, mở rộng mạng lưới, trong đó, 916 tỷ đồng là đầu tư mở rộng trụ sở, vật kiến trúc và các tài sản cố định khác, còn lại 1.617 tỷ đồng là đầu tư vào công nghệ và trang thiết bị khác. Thêm vào đó, Techcombank cũng dự kiến chi 2.467 tỷ đồng cho hoạt động tín dụng và đầu tư trái phiếu Chính phủ.

Năm 2017, Techcombank đạt kế hoạch lợi nhuận sau thuế tăng 27,6% so với năm 2016; tỷ lệ nợ xấu ở mức 1,75%, tăng so với con số 1,58% của năm 2016; tổng tài sản tăng 18,55%, trong đó, dư nợ cho vay tăng 16%; huy động tiền gửi khách hàng tăng 30,95%; tỷ lệ an toàn vốn tối thiếu 14,01%, tăng so với mức 13,12% của năm 2016.

Tin mới lên