Bất động sản

Lâm Đồng: Chấn chỉnh các hoạt động lấn chiếm đất rừng, san lấp ao, hồ, đầm

(VNF) - Ngày 7/6, UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành quyết định phê duyệt danh mục 279 hồ, ao, đầm được xếp vào danh sách không được phép san lấp.

Lâm Đồng: Chấn chỉnh các hoạt động lấn chiếm đất rừng, san lấp ao, hồ, đầm

Hồ Tuyền Lâm, 1 trong 244 hồ trên địa bàn tỉnh không được phép san lấp.

Trong đó có 244 hồ, 2 đầm và 33 hồ thủy điện, tập trung chủ yếu tại các huyện Di Linh (51 hồ), Lâm Hà (45 hồ), Đức Trọng (36 hồ), TP. Đà Lạt (32 hồ)…

Tỉnh Lâm Đồng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương, UBND các huyện, thành phố và các đơn vị liên quan phải thường xuyên theo dõi, tổ chức quản lý, rà soát, duy tu, cải tạo, bảo vệ an toàn hồ, ao, đầm không được san lấp trên địa bàn tỉnh.

Cùng với đó, kiểm tra, thanh tra, giám sát, xử lý hoặc báo cáo, đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét xử lý việc lấn chiếm, san lấp làm thay đổi hiện trạng, khai thác khoáng sản trái phép, không phép theo quy định.

Đồng thời, yêu cầu các cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý, sử dụng hồ, ao, đầm tổ chức quản lý, kiểm tra, xử lý, bảo vệ hồ, ao, đầm, chống lấn chiếm, san lấp làm thay đổi hiện trạng; định kỳ hàng năm (trước ngày 31/12).

Ngày 7/6, UBND TP. Đà Lạt đã có chỉ đạo các đơn vị liên quan khẩn trương tổ chức kiểm tra, giải tỏa, thu hồi toàn bộ diện tích đất rừng bị phá, đất lâm nghiệp bị lấn chiếm, xây dựng công trình trái phép tại khu vực lô i, khoảnh 2, tiểu khu 158C thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Nam Trung bộ và Tây Nguyên quản lý trên địa bàn phường 5,TP. Đà Lạt. 

Trước đó, ngày 12/5, Công an tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp điều tra, xác minh thu thập, đánh giá tài liệu, chứng cứ để củng cố hồ sơ xứ lý những sai phạm về đất đai liên quan đến tình trạng phân lô, bán nền trên địa bàn TP. Bảo Lộc.

Công an tiến hành xác minh tại 14 khu đất với tổng diện tích hơn 641.000m2, đã được phân thành 473 thửa tại phường Lộc Phát và xã Đạm Bri (TP. Bảo Lộc).

Trong số 14 khu vực đất phân lô này, có 12 khu đất người dân tự ý mở đường rồi đấu nối với đường giao thông hiện hữu do Nhà nước quản lý.

Tổng diện tích các tuyến đường hình thành có biểu hiện trái quy định hiến đất làm đường là trên 80.000m2, trong số này chỉ có hơn 3.800m2 đường thuộc quy hoạch đất giao thông nhưng không đúng vị trí và tuyến hướng quy hoạch.

Sau khi mở các tuyến đường giao thông, đến nay các hộ gia đình, cá nhân đã đăng ký tách thành 473 thửa đất và thực hiện một số hoạt động chuyển nhượng, cho tặng quyền sử dụng đất hoặc chuyển mục đích sử dụng đất.

Cũng theo lãnh đạo Công an tỉnh, vụ việc có liên quan đến nhiều văn bản, quy định của pháp luật (Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Giao thông, Luật Quy hoạch…) và nhiều tổ chức, cá nhân có liên quan nên cần có thêm thời gian để xác minh làm rõ.

Tin mới lên