Tiêu điểm

Làm gì để tồn tại trong không gian truyền thông mới?

(VNF) - Nhân dịp kỷ niệm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam (21/6), Tạp chí Đầu tư Tài chính đã ghi nhận các ý kiến của những chuyên gia, nhà báo về việc cần phải có cách làm phù hợp để thích nghi với giai đoạn phát triển mới của lĩnh vực báo chí, truyền thông.

Làm gì để tồn tại trong không gian truyền thông mới?

Ảnh minh họa

Chuyển đổi số là tất yếu

Theo nhà báo Vũ Hồng Thúy, Báo Pháp luật Việt Nam, chuyển đổi số trong lĩnh vực báo chí không chỉ giúp tăng năng suất, giảm chi phí mà còn mở ra không gian phát triển mới, tạo ra các giá trị mới ngoài các giá trị truyền thống vốn có.

Tuy nhiên, với đại bộ phận nhà báo vốn được đào tạo tác nghiệp với công cụ chủ yếu là máy quay/máy ghi âm/máy ảnh hoặc quyển sổ và cây bút, việc phải thích nghi để trở thành một nhà báo công nghệ, tác nghiệp trên môi trường mạng với nhiều kỹ năng cùng một lúc là cả một cản trở lớn và không phải ai cũng có thể nhanh chóng thích nghi và mong muốn. Do vậy, nhu cầu chuyển đổi số ở các toà soạn phải bắt đầu từ người lãnh đạo. Từ yêu cầu của lãnh đạo, cả bộ máy phải vận hành theo.

Tuy nhiên, thực tế quá trình chuyển đổi số ở nhiều toà soạn trong thời gian qua cho thấy, phần lớn các nhà báo đã quen với phương thức tác nghiệp cũ không mấy mặn mà và không theo kịp các yêu cầu mà quá trình chuyển đổi số đặt ra.

Trong khi đó, phần lớn các nhà báo trong số này lại đang giữ các vị trí chủ chốt tại các toà soạn. “Bởi vậy, giải pháp mà các toà soạn thường phải áp dụng là thống nhất về mặt nhận thức trong toàn toà soạn về tầm quan trọng của chuyển đổi số, đặc biệt là đối với đội ngũ cán bộ chủ chốt. Còn lại, việc triển khai thực tế các công việc phụ vụ quá trình chuyển đổi số sẽ giao cho một bộ phận riêng, thường là những người trẻ, được đào tạo và đào tạo lại về công nghệ số”, nhà báo Vũ Hồng Thúy cho biết.

Theo nhà báo Ngô Văn Hải, Tổng biên tập VTC News, các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Tik Tok, YouTube... là đối thủ của báo điện tử trong việc cung cấp nội dung. Những nền tảng này tối ưu trải nghiệm cho người dùng, tạo ra ưu thế vượt trội so với báo điện tử, nhất là với những tờ báo hạn chế về nguồn lực kỹ thuật. Thậm chí, việc cạnh tranh độc giả, khán giả với Facebook, Tik Tok, YouTube... ở nhiều thời điểm gần như là nhiệm vụ bất khả thi.

Trước thách thức như vậy, VTC News đã thực hiện giải pháp cơ bản mà rất nhiều đơn vị báo chí khác tại Việt Nam đã làm trong những năm gần đây. Đó là đưa nội dung lên nhiều nền tảng khác nhau, hay nói cách khác, hợp tác với đối thủ. “Chúng tôi tranh thủ ưu thế về người dùng của các nền tảng mạng xã hội để đẩy mạnh lan tỏa thông tin. Nhưng đồng thời, trong mối quan hệ cộng sinh này, ưu thế của báo chí là năng lực sản xuất nội dung và tính chính thống của thông tin càng phải được đẩy mạnh”, ông Ngô Văn Hải cho biết.

Còn theo TS. Nguyễn Đức Tài, Đại học Đại Nam, nhờ chuyển đổi số, báo chí điện tử đã nhanh chóng chứng tỏ được sức hút đối với công chúng, bằng khả năng chuyển tải thông tin tới bạn đọc gần như đồng thời với sự kiện cùng lượng thông tin đồ sộ, thậm chí không có sự giới hạn về dung lượng như báo in, thời lượng phát sóng như phát thanh hay truyền hình.

Tận dụng những lợi thế về công nghệ số, một số cơ quan báo chí đã nhanh chân xây dựng được tòa soạn hội tụ đa phương tiện, với môi trường làm việc ngày càng hiện đại. Bên cạnh đó, việc sản xuất nội dung báo chí chất lượng cao, sản phẩm dữ liệu lớn, ứng dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo để tạo ra các trải nghiệm có giá trị cho công chúng báo chí được thuận lợi.

“Những sản phẩm báo chí mới tạo nên tính tương tác hai chiều với độc giả, như phỏng vấn trực tuyến, tạo cảm giác gần gũi hơn giữa bạn đọc và báo. Như vậy, kinh tế truyền thông số đã tiệm cận dần với khái niệm mà từ trước tới nay ít được nhắc tới: Đó là kinh tế báo chí số”, ông Tài nói.

Đối diện bài toán doanh thu

Khi sang chia sẻ kinh nghiệm tại Thông tấn xã Việt Nam, chuyên gia của Hiệp hội Báo chí thế giới WAN-IFRA Bernt Olufsen, cựu tổng biên tập tờ Verdens Gang của Na Uy, đã từng nói rằng sự phát triển của khoa học công nghệ đã giúp ích nhiều cho cuộc sống, nhưng mặt trái của nó lại khiến chúng ta không thể lường hết được, và báo chí đang phải đối mặt với nguy cơ sống còn.

Viện nghiên cứu báo chí của Reuters cho biết, truyền thông đang ở giai đoạn Web 3.0, khi người dùng internet cũng có thể tự tạo ra nội dung và tự kiếm tiền, còn những nền tảng báo chí truyền thống lại đang mất dần độc giả. Trong bối cảnh đó, các cơ quan báo chí đã đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số, trực tiếp đi tìm độc giả ở các nền tảng số, phát triển các mô hình kinh doanh mới mẻ.

Tại giải thưởng báo chí thường niên ở từng khu vực, WAN-IFRA cũng đã lập ra một hạng mục mới là “Đa dạng hóa nguồn thu” nhằm khuyến khích các tòa soạn đổi mới sáng tạo. Theo báo cáo tổng kết năm 2021 của WAN-IFRA, những mô hình như tổ chức sự kiện, spin-off (tạm dịch là liên kết xuất bản), thương mại điện tử, kinh doanh dữ liệu… là những hình thức có thể giúp các tòa soạn tối đa hoá lợi nhuận từ hoạt động báo chí của mình.

Nhà báo Hoàng Thuỷ Chung, nguyên Phó tổng biên tập Thời báo Kinh tế Việt Nam, cho hay tổ chức sự kiện là mảng quan trọng mà gần đây các cơ quan báo chí đều cố gắng xây dựng bên cạnh những sản phẩm lõi về nội dung. Những hoạt động sự kiện giúp làm giàu hơn hệ sinh thái của các cơ quan báo chí, làm thương hiệu tốt, tiếp cận độc giả tốt hơn và mang lại doanh thu đáng kể. Với những tờ làm sự kiện tốt thì mảng này chiếm tới 40-50% tổng doanh thu của báo.

Còn theo ông Chu Minh Trường, Tổng thư ký tòa soạn tạp chí Nhịp cầu Đầu tư, kinh nghiệm thành công tại cơ quan báo chí của mình là tập trung đầu tư cho đối tượng độc giả đặc thù là các doanh nhân. Mô hình mà Nhịp cầu Đầu tư kiên định theo đuổi đồng thời đạt được thành công vững chắc là kết hợp giữa phát hành và tổ chức sự kiện, giải thưởng, xuất bản các báo cáo chuyên đề, dữ liệu dành cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, việc sử dụng những công cụ hiện đại, sử dụng trí tuệ nhân tạo, nhằm giữ chân và phát triển độc giả trung thành có thể giúp báo chí tăng lợi nhuận từ quảng cáo kỹ thuật số, đồng thời bước vào lĩnh vực mới là thu phí bạn đọc, coi đây mới là nguồn thu mang tính bền vững của báo chí.

Mặc dù vậy, đây vẫn là con đường nhiều chông gai đối với báo chí Việt Nam. Những tờ báo đang tiến hành thử nghiệm thu phí độc giả như VietnamPlus, VietnamNet hay tạp chí Ngày Nay đều chưa tạo được sức bật từ mô hình này. Khi vấn đề bản quyền chưa được giải quyết thì công chúng chưa sẵn sàng cho việc trả tiền, đơn giản là họ vẫn có thể đọc miễn phí đâu đó. Vấn đề bản quyền rất nhức nhối từ nhiều năm nay ở Việt Nam và chưa có các dấu hiệu cho thấy được cải thiện.

Tin mới lên