Tài chính quốc tế

Lạm phát Mỹ tăng cao, Dow Jones 'bay' hơn 1.200 điểm

(VNF) - Việc chỉ số giá tiêu dùng tháng 8 của Mỹ cao hơn dự kiến đã khiến giới đầu tư bán tháo cổ phiếu ồ ạt. Chứng khoán Mỹ ngày 13/9 đã chứng kiến đà lao dốc của cả 3 chỉ số chính, cũng là phiên giao dịch tồi tệ nhất của phố Wall kể từ tháng 6/2020.

Lạm phát Mỹ tăng cao, Dow Jones 'bay' hơn 1.200 điểm

Chứng khoán Mỹ ngày 13/9 đã chứng kiến đà lao dốc của cả 3 chỉ số chính.

Theo CNBC, sau một báo cáo lạm phát ngày 13/9, chứng khoán Mỹ đã đồng loạt lao dốc. Chốt phiên, chỉ số Dow Jones giảm gần 4%, mất 1.276 điểm xuống 31.100 điểm. S&P 500 giảm 4,32% mất 3.932 điểm và Nasdaq giảm 5,16% xuống mức 11.633 điểm.

Chỉ có 5 cổ phiếu trong S&P 500 kết phiên trong vùng khả quan. Cổ phiếu công nghệ bị ảnh hưởng đặc biệt nghiêm trọng, trong đó có Meta, công ty mẹ của Facebook, giảm 9,4% và gã khổng lồ chip Nvidia giảm 9,5%.

Sự sụt giảm này đã xóa bỏ gần như toàn bộ đà tăng gần đây đối với chứng khoán Mỹ, kéo chỉ số S&P 500 trở lại mức đóng cửa ngày 6/9 là 3.908 điểm. 

Ông Mike Loewengart, người đứng đầu bộ phận xây dựng mục đầu tư tại Văn phòng Đầu tư Toàn cầu của Morgan Stanley, cho biết: "Số liệu CPI, vốn theo dõi một loạt hàng hóa và dịch vụ của Mỹ, là lời nhắc nhở về chặng đường dài mà chúng ta phải trải qua cho đến khi lạm phát giảm trở lại. Có lẽ hơi sớm khi nghĩ rằng lạm phát đã qua đỉnh và Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ dừng nâng lãi suất".

"Số liệu CPI rõ ràng là một tin xấu đối với thị trường chứng khoán. Lạm phát nóng hơn có nghĩa chúng ta sẽ tiếp tục chịu áp lực từ chính sách thắt chặt tiền tệ của FED. Nó cũng đẩy lùi những hy vọng về khả năng FED xoay trục", ông Matt Peron, giám đốc nghiên cứu của Janus Henderson Investors, nhận định.

Chỉ số Dow Jones giảm gần 4%, mất 1.276 điểm xuống 31.100 điểm.

Cụ thể, CPI đã tăng 0,1% trong tháng 8 và tăng 8,3% kể từ đầu năm. Nếu loại trừ biến động chi phí lương thực và năng lượng, CPI Mỹ tăng 0,6% so với tháng 7 và 6,3% so với tháng cùng kỳ của năm 2021.

Con số này trái ngược hoàn toàn với ước tính của các chuyên gia khi họ cho rằng lạm phát có thể giảm 0,1% trong tháng 8 nhờ giá năng lượng giảm.

Giá năng lượng giảm 5% trong tháng qua, kéo theo chỉ số xăng dầu giảm 10,6%. Tuy nhiên, sự sụt giảm đó đã không còn nhiều ý nghĩa bởi giá cả leo thang ở những khu vực khác.

Cụ thể, chỉ số lương thực tăng 0,8% trong tháng 8 và chi phí ăn, ở vốn chiếm 1/3 tỷ trọng CPI, đã tăng 0,7% so với tháng trước và tăng 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Chi phí cho dịch vụ chăm sóc y tế cũng tăng mạnh tới 0,8% so với tháng trước và tăng 5,6% so với tháng 8/2021. Giá xe mới cũng tăng 0,8% trong khi giá xe đã qua sử dụng giảm 0,1%.

Ngân hàng trung ương Mỹ dự kiến sẽ thực hiện đợt tăng lãi suất lần thứ ba liên tiếp để giảm lạm phát. Điều này có thể khiến FED tiếp tục tăng lãi suất.

Phần nhiều các nhà đầu tư vẫn tin rằng FED sẽ nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp vào tuần tới. Sau khi số CPI được công bố, thị trường đã hoàn toàn loại bỏ khả năng FED sẽ chỉ nâng lãi suất 0,5 điểm phần trăm trong cuộc họp chính sách tháng 8. Thậm chí, xuất hiện những ý kiến lo ngại rằng FED có thể tăng 1% lãi suất.

Để chống lại sự gia tăng mạnh mẽ của chi phí sinh hoạt, FED đã 4 lần tăng lãi suất trong năm nay với tổng mức tăng lên tới 2,25 điểm phần trăm.

Xem thêm >> 'Chi phí năng lượng tăng cao tại châu Âu có thể đe dọa tương lai ô tô điện'

Tin mới lên