Thị trường

‘Làm rõ yêu cầu nâng vốn đầu tư nước ngoài tại các hãng hàng không’

(VNF) - Văn phòng Chính phủ vừa có văn bản gửi các Thành viên Chính phủ xin ý kiến về Dự thảo sửa đổi Nghị định 92/2016/NĐ-CP và Nghị định 30/2013/NĐ-CP liên quan đến lĩnh vực kinh doanh hàng không dân dụng. Trong đó, Văn phòng Chính phủ yêu cầu làm rõ đề xuất nâng vốn cho nhà đầu tư nước ngoài tại các hãng hàng không và việc có cho phép tăng tuổi thọ tàu bay hay không?

‘Làm rõ yêu cầu nâng vốn đầu tư nước ngoài tại các hãng hàng không’

Việc nâng tuổi thọ tàu bay sẽ giúp cho hoạt động kinh doanh của các hãng hàng không hiệu quả, linh hoạt hơn, theo quan điểm của Bộ GTVT

Tăng vốn nhưng pháp nhân Việt Nam phải chiếm cổ phần lớn

Văn bản nêu rõ, theo Nghị định 92/2016/NĐ-CP ngày 1/7/2016 quy định về các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong lĩnh vực hàng không dân dụng tại khoản 5 điều 1 trước đây yêu cầu nhà đầu tư nước ngoài chiếm không quá 30% vốn điều lệ tại các hãng hàng không.

Tuy nhiên, tại Dự thảo lần này, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã đề xuất nâng tỷ lệ vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài từ 30% lên 34%.

Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, việc đưa ra những ràng buộc, hạn chế về vốn góp của nhà đầu tư với các hãng hàng không là cần thiết để tránh việc thành lập các hãng hàng không với mục tiêu là bán cổ phần, cổ phiếu nhằm thu lợi nhuận. Đồng thời, là cớ để các hãng hàng không nước ngoài, các thương hiệu lớn chiếm lĩnh thị trường hàng không Việt Nam.

Bên cạnh đó, tạo điều giúp các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong nước yên tâm đầu tư lĩnh vực hàng không với những điều kiện thuận lợi về hút vốn đầu tư nước ngoài nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc “cá nhân/pháp nhân Việt Nam chiếm cổ phần lớn và kiểm soát hữu hiệu hoạt động của doanh nghiệp”

Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể cho biết: “Thực tế trên thế giới nhiều quốc gia đã đưa ra những quy định để hạn chế những tiêu cực do việc đầu tư nước ngoài vào các hãng hàng không”.

“Ví dụ áp dụng chính sách hạn chế tổng mức đầu tư nước ngoài tại Mỹ không quá 25%, tại Braxin 20%, tại Nhật 33%...  Ngoài ra, một số quốc gia khống chế số lượng cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có thể sở hữu như tại Canada là 15%, Malaysia là 20%...”

“Với các lý do nên trên, Bộ GTVT đề nghị điều chỉnh mức hạn chế vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài là 34%. Vừa tạo điều kiện cho các hãng hàng không hút vốn đầu tư nhưng vẫn tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước phát triển”, ông Thể đánh giá.

Nâng “độ tuổi” tàu bay chở khách lên 25 năm?

Một điểm đáng chú ý khác tại Dự thảo là đề xuất: Nâng độ tuổi tàu bay vận chuyển hành khách từ 20 năm lên 25 năm. Đồng thời, với các máy bay chở hàng sẽ nâng độ tuổi tàu bay từ 25 năm lên 30 năm.

Giải trình về vấn đề này, Bộ GTVT cho biết, thống kê của Boeing cho thấy độ tuổi trung bình của tàu bay vận chuyển hành khách là 28 năm với tày bay thân hẹp và 25 năm với tàu bay thân rộng; với tàu bay vận chuyển hàng hoá là 38 năm và 31 năm.

Bộ này cho hay, trong những năm qua, các hãng hàng không Việt Nam gặp khó trong việc phát triển đội tàu bay chở hàng vì không đáp ứng được theo Nghị định 92/2016/NĐ-CP. Do đó, chưa xây dựng được đội tàu bay chở hàng theo định hướng phát triển đội tàu bay được Thủ tướng phê duyệt.

Bên cạnh đó, nếu được nâng độ tuổi tàu bay chở khách lên 25 năm, cũng tạo thuận lợi rất lớn cho các hãng hàng không. Đặc biệt là việc đi thuê tàu bay ngắn ngày trong các dịp cao điểm lễ, tết. Ngoài ra, các hãng cũng chủ động và có vị thế trong việc đàm phán với các đối tác cho thuê tàu bay, qua đó, tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doang.

Một điểm đáng chú ý đó là việc nâng độ tuổi tàu bay kinh doanh hàng không chung sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp hàng không có nhiều lựa chọn trong việc tìm kiếm, khai thác tàu bay, đặc biệt là loại hình tàu bay trực thăng.

“Dự kiến, đến ngày 22/9, ý kiến của các Thành viên Chính phủ sẽ được tổng hợp và báo cáo xin ý kiến của Thủ tướng Chính phủ”, ông Nguyễn Cao Lục, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cho hay.

Tin mới lên