Tài chính quốc tế

Lần đầu Mỹ trừng phạt công ty Trung Quốc vì vấn đề Biển Đông

Chia sẻ với Zing, cựu Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Dov Zakheim đánh giá cao lệnh trừng phạt mới của Washington lên Trung Quốc vì vấn đề Biển Đông.

Lần đầu Mỹ trừng phạt công ty Trung Quốc vì vấn đề Biển Đông

Trong số 24 công ty Trung Quốc mới bị liệt vào danh sách trừng phạt của Mỹ có Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc (CCCC), nhà thầu cho nhiều dự án cơ sở hạ tầng “Vành đai và Con đường” mà Trung Quốc xây dựng trên khắp thế giới. Ảnh: Getty.

Chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 26/8 đưa 24 công ty Trung Quốc vào danh sách cấm mua các sản phẩm nhạy cảm nhất định của Mỹ. Lý do đưa ra là vai trò của những doanh nghiệp này trong hoạt động xây dựng các đảo nhân tạo trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông.

Cụ thể, Bộ Thương mại Mỹ thông báo 24 công ty này "hỗ trợ Trung Quốc trong các hoạt động xây dựng quân sự và quân sự hóa bị quốc tế lên án tại các đảo nhân tạo trên Biển Đông".

Nhiều tháng qua, chính quyền Mỹ đã trừng phạt hàng chục công ty Trung Quốc do liên quan tới các cáo buộc tranh chấp thương mại và cả vấn đề Tân Cương. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên Washington mở rộng danh sách này tới những hoạt động liên quan tới việc lấn chiếm của Trung Quốc ở Biển Đông.

Hiệu quả hơn thuế quan

Ông Dov Zakheim, cựu Thứ trưởng Quốc phòng Mỹ, hiện là cố vấn cấp cao của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) ở Washington D.C., nhận định với Zing rằng động thái này mang lại hiệu quả tốt hơn biện pháp thuế quan mà chính quyền của Tổng thống Trump áp lên nền kinh tế số hai thế giới. Bởi ông cho rằng biện pháp thuế quan có tác dụng phụ lên cả người tiêu dùng Mỹ.

Về tính thời điểm, ông Zakheim cho rằng chính quyền của ông Trump chọn lúc này để đưa ra các biện pháp trừng phạt lên các doanh nghiệp Trung Quốc nhằm trợ lực cho tổng thống trong hội nghị đảng Cộng hòa đang diễn ra.

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng thông báo sẽ bắt đầu áp lệnh hạn chế thị thực đối với các công dân Trung Quốc "chịu trách nhiệm hoặc đồng lõa" với những hành động cải tạo, xây dựng hoặc quân sự hóa quy mô lớn của Trung Quốc ở các tiền đồn phi pháp ở Biển Đông. Những cá nhân này sẽ bị cấm đến Mỹ và các thành viên gia đình của họ cũng có thể phải đối mặt với các hạn chế về thị thực.

Đây là động thái mới nhất trong loạt hành động khiến quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc ngày càng trượt dốc. Tổng thống Trump, người đã không ngừng chỉ trích Bắc Kinh không hành động đủ để ngăn chặn virus corona thành đại dịch toàn cầu, đang ngày càng đẩy mạnh trừng phạt Trung Quốc.

Trong những tuần gần đây, chính quyền của ông Trump liên tục hành động cứng rắn nhằm vào Trung Quốc, bao gồm kế hoạch cấm các ứng dụng mạng xã hội phổ biến của Trung Quốc như TikTok và WeChat, đóng cửa Lãnh sự quán Trung Quốc ở Houston và áp trừng phạt lên các quan chức và thực thể của Trung Quốc với cáo buộc về nhân quyền…

Hồi tháng 7, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố rằng các yêu sách của Trung Quốc đối với phần lớn Biển Đông là “hoàn toàn phi pháp”. Giới chuyên gia cho rằng tuyên bố mạnh mẽ chưa từng thấy của Mỹ liên quan tới vùng biển chiến lược này sẽ mở đường cho Mỹ theo đuổi các biện pháp trừng phạt chống lại các công ty Trung Quốc hoạt động trong khu vực.

Ông Zakheim đã nói với Zing rằng “đây là cảnh báo trước đối với Trung Quốc”.

Trong khi đó, ông Murray Hiebert, cố vấn cấp cao của chương trình Đông Nam Á tại CSIS nhận định với Zing rằng ngoài việc Washington có thể trừng phạt các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc liên quan tới phá hoại môi trường do đòi lấn chiếm các đảo ở Biển Đông.

Tàu sân bay USS Ronald Reagan (CVN 76, phía trước) và tàu USS Nimitz (CVN 68, phía sau) trong cuộc tập trận ở Biển Đông hôm 6/7. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Mỹ sẽ sát cánh với các đồng minh và đối tác

Trong thông báo ngày 26/8, Bộ Thương mại Mỹ nhấn mạnh rằng các hoạt động xây dựng trái phép của Trung Quốc làm xói mòn chủ quyền của các quốc gia khác trong khu vực và chúng diễn ra bất chấp sự lên án của Mỹ cũng như các quốc gia khác.

“Các thực thể vừa bị liệt vào danh sách hôm nay có vị trí quan trọng trong các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo khiêu khích của Trung Quốc và phải chịu trách nhiệm”, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross cho biết.

Các công ty được nêu tên trong danh sách trừng phạt bao gồm một số đơn vị của Công ty Xây dựng Truyền thông Trung Quốc (CCCC), nhà thầu cho nhiều dự án cơ sở hạ tầng “Vành đai và Con đường” mà Trung Quốc xây dựng trên khắp thế giới. Trong thông báo, Bộ Ngoại giao Mỹ nói rằng công ty này đã "dính líu vào các hành vi tham nhũng, tài trợ mang tính chất săn mồi, phá hủy môi trường và các hành vi lạm dụng khác trên khắp thế giới".

Ngoài ra, những cái tên khác đáng chú ý trong danh sách gồm có Beijing Huanjia Telecommunication Co., Chongxin Bada Technology Development Co., Shanghai Cable Offshore Engineering Co., Tianjin Broadcasting Equipment Co., các viện nghiên cứu của China Electronics Technology Group Corporation, và China Shipbuilding Group.

Trung Quốc không được phép dùng những công ty này làm “vũ khí để áp đặt một chương trình nghị sự bành trướng”, ông Pompeo nói trong tuyên bố. “Mỹ sẽ hành động cho tới khi chúng tôi thấy Bắc Kinh ngừng các hành vi cưỡng ép ở Biển Đông và chúng tôi sẽ tiếp tục sát cánh với các đồng minh và đối tác trong việc chống lại các hoạt động gây bất ổn này”.

Các công ty được thêm vào danh sách sẽ không còn được mua một số loại công nghệ nhạy cảm của Mỹ và các sản phẩm khác mà chính phủ Mỹ đã xác định có thể được sử dụng cho mục đích quân sự hoặc gây rủi ro an ninh quốc gia. Bộ Thương mại cho biết dù các công ty vẫn có thể yêu cầu giấy phép để tiếp tục bán hàng cho các công ty trong danh sách, những yêu cầu như vậy thường bị bác bỏ.

Về động thái tiếp theo của Mỹ, ông Zakheim cho rằng không dễ để nắm bắt hành động của chính quyền Tổng thống Trump. Song ông cho rằng điều thực sự cần hành động ở Mỹ là giảm thiểu, nếu không muốn nói là loại bỏ sự hiện diện của những sinh viên sau đại học và sau tiến sĩ của Trung Quốc, những người giúp chính phủ của họ ăn cắp tài sản trí tuệ của Mỹ.

Tàu chiến Trung Quốc tập trận trong khu vực Biển Đông vào năm 2018 với sự tham gia của tàu sân bay. Ảnh: AP.

Hành động gây hấn gần nhất của Trung Quốc là cuộc tập trận quân sự tại vùng biển phía bắc đông bắc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Cơ quan An toàn Hàng hải Trung Quốc đã thông báo cuộc tập trận kéo dài từ 24-30/8.

Ngày 26/8, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nêu rõ việc Trung Quốc tập trận ở khu vực Hoàng Sa đã vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo này và yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa, hủy bỏ và không tái diễn vi phạm tương tự.

Tin mới lên