Bất động sản

Lần đầu tiên có một quy phạm pháp luật xác định ‘chủ đầu tư là nhà đầu tư’

(VNF) - Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xây dựng đã lần đầu tiên xác định “chủ đầu tư là nhà đầu tư”.

Lần đầu tiên có một quy phạm pháp luật xác định ‘chủ đầu tư là nhà đầu tư’

Lần đầu tiên có một quy phạm pháp luật xác định ‘chủ đầu tư là nhà đầu tư’

Cụ thể, khoản 4 Điều 1 dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi, bổ sung Điều 7 Luật Xây dựng, có khoản 1.c quy định như sau:

“Đối với dự án sử dụng vốn khác mà pháp luật về đầu tư có quy định phải lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện dự án, chủ đầu tư là nhà đầu tư được cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định lựa chọn. Trường hợp có nhiều nhà đầu tư tham gia thì các nhà đầu tư có thể thành lập tổ chức hoặc ủy quyền cho một nhà đầu tư làm chủ đầu tư. Trường hợp pháp luật có liên quan quy định về việc lựa chọn và công nhận chủ đầu tư thì việc lựa chọn và công nhận chủ đầu tư phải đáp ứng các điều kiện và tuân thủ quy định của pháp luật có liên quan”.

Theo Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA), nội dung quy định về “lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện dự án, chủ đầu tư là nhà đầu tư” của dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi cần được đưa vào dự thảo Luật Đầu tư để trình Quốc hội xem xét trong kỳ họp tháng 5-6/2020 vì rất phù hợp với Luật Đầu tư để điều chỉnh tất cả các hoạt động đầu tư.

“Làm như vậy sẽ góp phần giải quyết ách tắc thủ tục đầu tư xây dựng hiện nay, đối với các dự án đầu tư có sử dụng đất, trong đó có hàng trăm dự án nhà ở có quỹ đất hỗn hợp, do ‘quyết định chủ trương đầu tư’ theo Luật Đầu tư chỉ ghi tên ‘nhà đầu tư’, trong lúc Luật Quy hoạch đô thị lại quy định chỉ có ‘chủ đầu tư’ mới được đề xuất quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu vực được giao đầu tư”, HoREA kiến nghị.

Ngoài nội dung đáng chú ý trên, HoREA cũng có một số góp ý đối với dự thảo Luật Xây dựng sửa đổi. Chẳng hạn như HoREA “chê” khoản 12 Điều 1 của dự thảo (sửa đổi bổ sung khoản 3d Điều 56)

Cụ thể, khoản 3d Điều 56 quy định như sau: Đối với dự án phải thực hiện các thủ tục quy định tại điểm b và điểm c khoản này, chủ đầu tư được trình song song, đồng thời hồ sơ đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền và cơ quan chuyên môn về xây dựng, gửi kết quả thực hiện thủ tục quy định ở điểm c khoản này đến cơ quan chuyên môn về xây dựng làm cơ sở kết luận thẩm định”.

Theo HoREA, quy trình thủ tục trên chẳng những không tạo thuận lợi cho chủ đầu tư, cũng không tạo điều kiện thực hiện nhanh thủ tục hành chính, mà còn đi ngược lại chủ trương cải cách thủ tục hành chính, một cửa liên thông, áp dụng công nghệ thông tin (cấp độ 3, cấp độ 4) theo mô hình Chính phủ điện tử, chính quyền điện tử, vì vẫn yêu cầu chủ đầu tư trình song song, đồng thời hồ sơ đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Như cách làm hiện nay, chủ đầu tư phải tự liên hệ với các cơ quan có thẩm quyền để đánh giá tác động môi trường; thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy; thẩm duyệt cao độ tĩnh không công trình… đi nhiều cửa, tốn nhiều thời gian, thậm chí có thể phát sinh tiêu cực.

Mà với vấn đề này, lẽ ra, luật cần phải quy định trách nhiệm của cơ quan chuyên môn về xây dựng phải gửi hồ sơ song song, đồng thời đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, để thẩm duyệt và có ý kiến trong thời hạn theo quy định của pháp luật, gửi kết quả thực hiện thủ tục này đến cơ quan chuyên môn về xây dựng làm cơ sở kết luận thẩm định.

Đó là chưa nói nội dung sửa đổi, bổ sung khoản 3.d Điều 56 như trên cũng không thống nhất với nội dung sửa đổi, bổ sung khoản 1.d Điều 102 của chính dự thảo luật “Cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép xây dựng có trách nhiệm đối chiếu các điều kiện theo quy định tại Luật này để gửi văn bản lấy ý kiến của các cơ quan quản lý nhà nước về những lĩnh vực liên quan đến công trình xây dựng” – tức không yêu cầu chủ đầu tư trình song song, đồng thời hồ sơ đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Một quy định khác cũng bị HoREA “chê” là khoản 5 Điều 82 dự thảo: “Đối với các công trình xây dựng phải thực hiện thủ tục quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này, chủ đầu tư có thể trình song song, đồng thời hồ sơ đến các cơ quan nhà nước thẩm quyền và cơ quan chuyên môn về xây dựng, gửi kết quả thực hiện thủ tục quy định ở khoản 4 Điều này đến cơ quan chuyên môn về xây dựng làm cơ sở kết luận thẩm định”.

Theo HoREA, quy định như trên cũng chưa thể hiện được tinh thần cải cách thủ tục hành chính, một cửa liên thông của Chính phủ, vì vẫn yêu cầu “chủ đầu tư có thể trình song song, đồng thời hồ sơ đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền” như cách làm hiện nay.

Hiệp hội này đề nghị hoàn thiện nội dung của quy định trên theo hướng: “Đối với các công trình xây dựng phải thực hiện thủ tục quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều này, cơ quan chuyên môn về xây dựng gửi hồ sơ song song, đồng thời đến các cơ quan nhà nước có thẩm quyền để thẩm duyệt và có ý kiến trong thời hạn theo quy định của Chính phủ, gửi kết quả thực hiện thủ tục quy định ở khoản 5 Điều này đến cơ quan chuyên môn về xây dựng làm cơ sở kết luận thẩm định”...

Tin mới lên