Tiêu điểm

Lần đầu tiên một số bộ, ngành trả lại vốn ODA được giao

Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh của cả nước. Các dự án sử dụng vốn vay nước ngoài (ODA) và vay ưu đãi cũng chịu nhiều tác động nặng nề. Lần đầu tiên một số bộ, ngành xin trả lại vốn ODA được giao.

Dự kiến hụt thu ngân sách nhà nước năm 2020 khoảng 189.200 tỷ đồng

Chiều 20/10, trình bày báo cáo kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2020, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2021 trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho hay, năm 2020 thu ngân sách ước đạt 1.323.100 tỷ đồng, hụt 189.200 tỷ đồng (giảm 12,5%) so với dự toán.

Mặc dù cơ quan quản lý thu đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm và nợ đọng thuế, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, thực hiện đầy đủ các giải pháp thực hiện chính sách thu đã đề ra, song do tác động của đại dịch Covid-19 nên các khoản thu từ thuế, phí, lệ phí và thu từ dầu thô đều không đạt dự toán đã được Quốc hội quyết định.

Việc nợ đọng thuế còn cao, nhiều địa phương trọng điểm thu đạt tỷ lệ thấp so với dự toán.

Trong khi đó, tổng chi ngân sách ước thực hiện là 1.686.200 tỷ đồng, giảm 60.890 tỷ đồng (giảm 3,5%) so với dự toán.

Chính phủ đã chỉ đạo cắt giảm nhiều khoản chi chưa thực sự cần thiết, điều hành chi chặt chẽ, tiết kiệm, tăng kỷ luật tài chính, tập trung nguồn lực đảm bảo cho phòng chống dịch, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp, khắc phục hậu quả lũ lụt, thiên tai…

Một số bộ, ngành lần đầu tiên trả lại vốn ODA

Trình bày báo cáo thẩm tra kết quả thực hiện ngân sách nhà nước năm 2020, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2021, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải cho biết, năm 2020, Chính phủ đã thực hiện nhiều biện pháp chỉ đạo quyết liệt để đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, trong 9 tháng đầu năm thực hiện khoảng 57,2% so dự toán, dự ước cả năm là 495.3600 tỷ đồng, tăng 5,3% so với dự toán.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội Nguyễn Đức Hải. Ảnh: Quốc hội

Tuy nhiên, tiến độ giải ngân vốn đầu tư công chậm, mặc dù Chính phủ có nhiều biện pháp quyết liệt, nhưng so với kế hoạch đề ra, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công vẫn còn chậm, chưa đồng đều ở các bộ, ngành, địa phương đặc biệt là vốn ODA, hết 9 tháng mới giải ngân đạt 24,8% dự toán; lần đầu tiên một số bộ, ngành trả lại vốn ODA được giao.

Đơn cử, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn xin trả 1.808 tỷ đồng do không có khả năng giải ngân; Bộ Tài Nguyên và Môi trường đề nghị điều chuyển 330,5 tỷ đồng/619,8 tỷ đồng dự toán vốn nước ngoài để chuyển cho các bộ, địa phương khác; Viện Hàn lâm Khoa học và công nghệ Việt Nam đề nghị hủy số tiền 300 tỷ đồng/400 tỷ đồng dự kiến bố trí cho dự án Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội do dự án giải ngân quá chậm...

Nợ trực tiếp của Chính phủ có thể chạm ngưỡng 25% tổng thu NSNN

Trước việc bội chi ngân sách nhà nước năm 2020 ước khoảng 4,99% GDP, tăng 1,55% so với dự toán, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho rằng, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các nguồn thu ngân sách giảm mạnh, nhưng nhiệm vụ chi ngân sách vẫn cần được bảo đảm, dẫn đến việc cân đối ngân sách không đạt được dự toán Quốc hội giao. Vì vậy, mức bội chi tăng cao hơn là hợp lý.

Tuy nhiên, nhiều khả năng bội chi NSNN sẽ tăng thêm 38.500 tỷ đồng do không thu được tiền bán vốn nhà nước tại doanh nghiệp, dẫn đến bội chi NSNN vượt dự toán cao (khoảng 357.960 tỷ đồng), bằng 5,59% GDP.

Các chỉ tiêu về nợ công tiếp tục tăng, tuy dự ước đến cuối năm 2020 vẫn dưới mức giới hạn an toàn, nhưng đề nghị Chính phủ đặc biệt lưu ý về nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ có thể chạm ngưỡng 25% tổng thu NSNN. Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cảnh báo đó là dấu hiệu nguy hiểm, gây rủi ro và giảm mức an toàn tài chính quốc gia.

Tin mới lên