M&A

Làn sóng mua lại công ty tài chính Việt sẽ nóng trong năm 2017

Việc các ngân hàng thương mại chạy đua thu hút vốn ngoại vào công ty tài chính trực thuộc, bán 49% vốn cho nhà đầu tư nước ngoài là điều cần thiết để đẩy mạnh phát triển ở lĩnh vực này và tăng sức cạnh tranh, nhất là khi tiềm năng tài chính - tiêu dùng ở thị trường mới nổi như Việt Nam được đánh giá rất lớn.

Làn sóng mua lại công ty tài chính Việt sẽ nóng trong năm 2017

Credit Saison Co., Ltd (Nhật Bản) sở hữu 49% vốn điều lệ của HD Saison

Cần thiết

Lâu nay, các ngân hàng thương mại (NHTM) trong nước đã đẩy mạnh cho vay tiêu dùng, nhưng thị trường chỉ thực sự phát triển và cạnh tranh trong những năm gần đây khi có nhiều hơn các công ty tài chính (CTTC) tham gia. Trong đó, có sự gia nhập của các tập đoàn tài chính nước ngoài khi mua lại 49% cổ phần của CTTC trong nước.

Đáng chú ý là sự quan tâm tham gia vào CTTC Việt thời gian qua chủ yếu đến từ các tập đoàn tài chính Nhật Bản. Trong các thương vụ mua, bán giữa CTTC nội và nhà đầu tư ngoại thành công thời gian qua chủ yếu chốt tỷ lệ sở hữu ngoại ở mức cao, lên đến 49%.

Chẳng hạn như Ngân hàng Shinsei Bank - một nhà đầu tư từ Nhật Bản vừa rót vốn mua 49% vốn góp tại MCredit (CTTC của MB). Sau thương vụ này, MCredit được đổi tên thành Công ty TNHH Tài chính tiêu dùng MB Shinsei.

Việc hợp tác sẽ đem đến nhiều cơ hội, giá trị mới, nâng cao năng lực cạnh tranh của MCredit tại thị trường Việt Nam, đồng thời cũng là dự án có tầm quan trọng lớn với Shinsei Bank tại thị trường nước ngoài.

Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã chấp thuận cho HDBank chuyển nhượng 49% vốn điều lệ của CTTC trực thuộc HDFinance cho Tập đoàn Credit Saison (Nhật Bản). Sau khi hợp đồng mua bán hoàn tất, HDBank vẫn sở hữu 50% vốn điều lệ của HDFinance.

Credit Saison Co., Ltd (Nhật Bản) sở hữu 49% vốn điều lệ của HDFinance và  Công ty tài chính TP.HCM (HSC) sở hữu 1% vốn điều lệ của HDFinance. Nhưng HDFinance sau đó được chuyển đổi sang thương hiệu HD Saison.

Tiền thân là Công ty TNHH một thành viên Tài chính Việt Société Générale (SGVF), năm 2013, HDBank mua lại 100% vốn, đổi tên thành HDFinance và đến tháng 4/2015, với sự góp vốn đầu tư chiến lược từ Credit Saison (Nhật Bản) đổi tên thành HD Saison Finance.

Hiện HD Saison Finance có 3.000 điểm giới thiệu dịch vụ trên khắp 63 tỉnh, thành phố của Việt Nam, liên kết với hơn 2.000 đối tác, phục vụ gần 1 triệu khách hàng có nhu cầu vay trả góp tiêu dùng.

Mới đây nhất, ngày 21/2/2017, Ngân hàng Nhà nước đã chấp thuận nguyên tắc chuyển đổi hình thức pháp lý của Công ty Cho thuê tài chính TNHH một thành viên BIDV (BLC), từ công ty do BIDV sở hữu 100% vốn điều lệ thành Công ty Cho thuê TNHH BIDV - SuMi TRUST (BSL), với sự tham gia sở hữu 49% vốn điều lệ bởi Ngân hàng Tín thác Sumitomo Mitsui (Sumitomo Mitsui Trust Bank - SMTB).

SMTB là ngân hàng tín thác lớn nhất Nhật Bản với tổng tài sản tại thời điểm 30/9/2016 đạt 59.479 tỷ yên (tương đương 585,4 tỷ USD) và mức vốn chủ sở hữu 2.022 tỷ yên (tương đương 19,9 tỷ USD).
BIDV cho biết, Ngân hàng đã thiết lập mối quan hệ hợp tác chiến lược với SMTB kể từ năm 2013. Trải qua gần 2 năm hợp tác, hai bên đã hiện thực hóa mối quan hệ chiến lược bằng việc ký kết thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực cho thuê tài chính vào ngày 29/4/2016. Thỏa thuận này được triển khai qua việc BIDV chuyển nhượng 49% vốn điều lệ tại BLC cho SMTB để chuyển đổi BLC thành BSL, đồng thời tăng vốn cho Công ty từ mức 448 tỷ đồng lên 896 tỷ đồng.

BSL cũng là công ty cho thuê tài chính đầu tiên tại Việt Nam áp dụng mô hình liên doanh giữa một NHTM trong nước với một định chế tài chính nước ngoài.

Điều này cho thấy, các tập đoàn tài chính nước ngoài đánh giá cao tiềm năng tăng trưởng của thị trường tài chính Việt Nam, nhất là đối với tín dụng tiêu dùng cá nhân và dịch vụ thẻ. Bởi Việt Nam có tỷ lệ dân số trẻ cao và số lượng khách hàng sử dụng sản phẩm, dịch vụ tài chính ngân hàng vẫn chưa nhiều.

Dân số hơn 90 triệu người, tỷ lệ dân thành thị cao với mức thu nhập ngày càng tăng, Việt Nam được đánh giá là thị trường giàu tiềm năng cho lĩnh vực cho vay tiêu dùng phát triển.

Đáng chú ý là tín dụng tiêu dùng cá nhân vẫn  khá mới mẻ, trong khi nhu cầu rất lớn nên các tập đoàn tài chính ngoại đã nhìn thấy cơ hội và muốn tham gia để khai thác tiềm năng này.

Vì vậy, trong các thương vụ mua, bán thành công giữa CTTC nội và nhà đầu tư ngoại thời gian qua, đa phần đối tác ngoại chốt tỷ lệ sở hữu ở mức cao, lên đến 49%, thậm chí nhà đầu tư ngoại muốn tỷ lệ cao hơn.

…để cạnh tranh

Cuộc chạy đua thâu tóm CTTC của các NHTM dường như vẫn chưa đến hồi kết, song sau khi hoàn tất các thương vụ M&A và chuyển đổi thương hiệu, nhiều nhà băng đã nhanh chóng tìm đối tác chiến lược nước ngoài để bán lại nên làn sóng này sẽ còn diễn ra mạnh mẽ.

Đơn cử, VPBank tìm đối tác chiến lược, lên kế hoạch bán 49% vốn CTTC trực thuộc FE Credit. FE Credit đang tìm kiếm, lựa chọn đối tác chiến lược nước ngoài phù hợp để chuyển nhượng một phần vốn điều lệ trở thành CTTC liên doanh.

VPBank dự kiến chuyển nhượng tối đa 49% vốn FE Credit và tìm kiếm thêm một nhà đầu tư là doanh nghiệp trong nước góp vốn tối thiểu 1% (theo quy định về loại hình hoạt động liên doanh). Có khả năng một nhà đầu tư Nhật Bản đàm phán mua lại 49% vốn của FE Credit như thông tin lan truyền trên thị trường.

Sau khi được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận việc CTTC cổ phần Vinaconex - Viettel (VVF) sáp nhập vào SHB, ngân hàng này cũng đã có thông báo về việc sẽ thành lập Công ty tài chính tiêu dùng SHB với vốn điều lệ 1.000 tỷ đồng.

Đồng thời, SHB tiết lộ việc hợp tác với một số đối tác nước ngoài, trong đó có nhận góp vốn. Với tiềm năng phát triển của thị trường tài chính tiêu dùng, cuộc chạy đua thâu tóm CTTC của các ngân hàng dường như vẫn chưa đến hồi kết.

Ngoài HDBank, VPBank và Techcombank, các ngân hàng như SHB, MaritimeBank đều đã hoàn tất kế hoạch để mua lại CTTC. Sau khi hoàn tất thương vụ và chuyển đổi thương hiệu, chiến lược chung của các nhà băng là nhanh chóng tìm đối tác chiến lược nước ngoài để bán lại, cùng nhau đẩy mạnh phát triển.

Thực tế, nhiều nhà đầu tư ngoại muốn mua 100% vốn cổ phần của CTTC Việt Nam, song theo quy định hiện nay, mức sở hữu tối đa chỉ là 49%. Do vậy, trong thời gian tới, thị trường tài chính kỳ vọng room sở hữu của đối tác ngoại được nới rộng hơn.

Thực tế, thời gian qua, tín dụng tiêu dùng tăng trưởng mạnh với mức tăng hai con số mỗi năm và theo dự báo từ các chuyên gia tài chính, tốc độ này sẽ tiếp tục duy trì đến năm 2020.

Ngoài ra, số người giàu và trung lưu ở Việt Nam được dự báo sẽ tăng gấp đôi trong vòng 15 - 20 năm tới.

Đây là những lý do khiến nhà đầu tư nước ngoài "thèm khát" miếng bánh tài chính tiêu dùng Việt Nam. Và chắc chắn, những thương vụ mua bán, sáp nhập trong lĩnh vực này sẽ còn sôi động thời gian tới.

Cuộc chạy đua thâu tóm CTTC của các ngân hàng dường như vẫn chưa đến hồi kết, song sau khi hoàn tất thương vụ và chuyển đổi thương hiệu, nhiều nhà băng đã nhanh chóng tìm đối tác chiến lược nước ngoài đến bán lại.

Trong số các ngân hàng Việt Nam đã bán cổ phần cho đối tác chiến lược nước ngoài, tính đến thời điểm này, thì hơn một nửa đã kết duyên với nhà đầu tư Nhật Bản, bởi sự tương đồng về văn hóa và hợp ý về tầm nhìn đã hấp dẫn cả hai đến với nhau. Các ngân hàng Nhật Bản cũng thiên về chiến lược bán lẻ, điều này phù hợp với chiến lược NHTM Việt Nam đặt ra.

Thực tế cho thấy, việc hợp tác nội - ngoại là cần thiết, vì một khi phát triển tín dụng tiêu dùng, người dân sẽ được hưởng nhiều tiện ích khi sự cạnh tranh giữa các CTTC ngày một sôi động.

Làn sóng mua lại CTTC Việt của các tập đoàn tài chính nước ngoài thực tế đã diễn ra rầm rộ những năm vừa qua, nhưng sẽ còn nóng hơn trong 2017 khi một số thương vụ vẫn đàm phán, dự kiến sẽ kết thúc trong thời gian sớm năm nay hoặc các năm tiếp theo.

Tiềm năng còn rất lớn, cơ hội cho tín dụng tiêu dùng phát triển tại Việt Nam còn nhiều. Trong năm tới sẽ còn nhiều công ty tiếp tục tham gia vào thị trường tài chính tiêu dùng. Khi sự cạnh tranh ngày càng tăng, sản phẩm, dịch vụ khách hàng sẽ tốt hơn với mức giá hấp dẫn hơn.

Đó là cơ hội để các CTTC tiêu dùng cung cấp nhiều tiện ích hơn cho người dân Việt Nam bởi sản phẩm và dịch vụ sẽ được cải thiện theo thời gian.

Tin mới lên