Bất động sản

Lãnh đạo Cảnh sát PCCC TP. HCM: 'Người dân không có ý thức thì ở nhà nào cũng cháy'

(VNF) - Theo thống kê của cơ quan phòng cháy chữa cháy (PCCC), trong năm 2017, trên địa bàn TP. HCM đã xảy ra hơn 1.000 vụ cháy. Tuy nhiên chỉ có 11 vụ xảy ra ở chung cư hay nhà cao tầng, số còn lại xảy ra chủ yếu ở các khu dân cư và nhà mặt đất.

Lãnh đạo Cảnh sát PCCC TP. HCM: 'Người dân không có ý thức thì ở nhà nào cũng cháy'

Chung cư vẫn được lựa chọn vì tỷ lệ cháy nổ thấp

Chung cư là nhu cầu tất yếu

Ông Nguyễn Thanh Hải, Trưởng phòng Quản lý nhà và Công sở, Sở Xây dựng TP. HCM, cho biết trong 5 năm trở lại đây, tỷ lệ phát triển nhà ở, chung cư tại TP. HCM tăng nhanh gấp 2 lần so với thời điểm 2009. 

Hiện thành phố có khoảng 1.200 chung cư, chiếm 14,6% tỷ lệ nhà ở trên điạ bàn. Tuy nhiên trong đó có đến 474 chung cư cũ được xây dựng trước năm 1975, không có hệ thống phòng cháy chữa cháy đáp ứng đúng yêu cầu quy định, tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ cháy nổ.

Theo ông Hải, phát triển căn hộ chung cư là nhu cầu tất yếu trong việc phát triển đô thị. Các quy định của pháp luật về công tác phòng cháy chữa cháy, quản lý vận hành chung cư hiện khá đầy đủ nhưng thực trạng có rất nhiều nguyên nhân phức tạp dẫn tới nguy cơ mất an toàn tại các chung cư. 

Cụ thể, qua kiểm tra phát hiện rất nhiều chủ đầu tư ngay từ các khâu cơ bản để bàn giao sử dụng công trình đã thực hiện không đúng quy định, thậm chí chưa nghiệm thu phòng cháy chữa cháy.

Bên cạnh đó, việc xây dựng không đúng tiêu chuẩn quy định, sử dụng không đúng công năng, trang bị không đầy đủ các hệ thống phòng chống cháy nổ… cũng là những vấn đề thường xuyên mắc phải của nhiều chủ đầu tư. 

Ngoài ra, ban quản trị của chung cư là đơn vị quản lý trực tiếp, có nhiệm vụ thường xuyên theo dõi, kiểm tra các hệ thống an ninh an toàn, phòng cháy chữa cháy, các vấn đề tranh chấp, tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân… nhưng có đến 50% số chung cư hiện nay chưa thành lập được ban quản trị.

Theo ông Hải để có giải pháp đảm bảo an toàn, cần thực hiện nghiêm ngặt quy định pháp luật từ khâu chọn chủ đầu tư đến công tác quản lý vận hành.

Quan trọng là ý thức

Đại tá Huỳnh Ngọc Quang, Trưởng phòng Hướng dẫn chỉ đạo về phòng cháy, Cảnh sát phòng cháy chữa cháy TP. HCM, cho rằng nguy cơ cháy nổ vấn đề không phải ở nhà đất hay chung cư mà quan trọng nhất là ý thức của người dân và chủ đầu tư. 

Minh chứng là trong hơn 1.000 vụ cháy năm 2017 tại TP. HCM thì chỉ có 11 vụ xảy ra ở các khu chung cư hay nhà cao tầng, số còn lại chủ yếu xảy ra ở các khu dân cư và nhà mặt đất.

Đại tá Quang nhấn mạnh: "Cơ quan phòng cháy chữa cháy có trách nhiệm thực hiện kiểm tra định kỳ, kiểm tra chuyên đề, đột xuất. Quan trọng nhất vẫn là ý thức trách nhiệm giám sát của chủ đầu tư và người dân, những người trực tiếp hàng ngày sử dụng, vận hành chung cư".

"Đối với các nhà chung cư, nếu tuân thủ đầy đủ các quy tắc thì dù cháy ở tầng hầm hay bất kỳ chỗ nào, việc xử lý rất nhanh và không gây hậu quả nghiêm trọng. Người dân không có ý thức thì ở nhà nào cũng cháy", ông Quang nói thêm.

Ông Nguyễn Hồng Hải, Phó tổng giám đốc Công ty Quản lý Bất động sản Okamuara Sanyo (Nhật Bản), cho biết về cơ bản, hệ thống phòng cháy chữa cháy tại các khu chung cư, nhà cao tầng ở Việt Nam không khác so với Nhật Bản. 

Tuy nhiên công ty này vẫn chưa thể áp dụng hoàn toàn cách quản lý của Nhật vào các công trình tại Việt Nam  do ý thức, mối quan hệ giữa chủ đầu tư và ban quản lý chưa có sự chuyển giao hài hòa. 

"Ý thức người dân cũng là yếu tố quyết định đến an toàn của công trình. Vụ cháy tại chung cư Carina vừa qua có thể nói là hồi chuông cảnh tỉnh, tác động rất lớn mức độ quan tâm tự nâng cao ý thức của người dân tại các khu chung cư", ông Hải đánh giá. 

Tin mới lên