Bất động sản

Lãnh đạo HoREA: Cần đánh thuế người có nhiều bất động sản

(VNF) - Vấn đề “sốt đất” cũng như giải pháp để triệt những cơn sốt đất đã được nhiều doanh nghiệp cũng như chuyên gia chia sẻ tại Toạ đàm "Tỉnh táo trong cơn sốt đất" do báo Người Lao Động tổ chức sáng 8/4.

Lãnh đạo HoREA: Cần đánh thuế người có nhiều bất động sản

Lãnh đạo HoREA: Cần đánh thuế người có nhiều bất động sản.

Cơ hội có nhà ở của người tiêu dùng có nhu cầu thật bị mất đi

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội bất động sản TP. HCM (HoREA) nhấn mạnh sốt đất hiện nay, thật sự là sốt giá bất động sản trên tất cả loại hình, không chỉ đất nền và đất nông nghiệp mà cả sốt giá căn hộ, dự án nhà biệt thự, nhà phố và cả khu vực đô thị cũ, giá nhà đất tại khu vực đô thị cũ cũng tăng lên rất cao….

Chưa kể, tác động của dịch Covid-19 khiến nhiều cơ sở kinh doanh phải chuyển hướng đầu tư, trong đó bất động sản là kênh có đặc thù cất trữ tài sản an toàn với tâm lý dù tiền có mất giá nhưng đất không mất giá.

"Lãi suất tiền gửi tiết kiệm chưa bao giờ thấp như vậy. Doanh nghiệp bất động sản được vay với lãi suất thấp nhất trong thời gian qua. Lãi suất xuống thấp cũng góp phần hướng dòng tiền tiết kiệm sang bất động sản. Ngoài ra, tâm lý đám đông có phần đến từ giới đầu nậu, môi giới vì cả nước chỉ có khoảng 300.000 môi giới được đào tạo chứng chỉ hành nghề, nên đòi hỏi tính chuyên nghiệp, đạo đức kinh doanh là rất khó. Và việc một số đầu nậu làm giá, thổi giá là khó tránh", ông Lê Hoàng Châu phân tích.

"Hệ lụy lớn của những cơn sốt đất là đông đảo người thu nhập trung bình và thấp bị mất cơ hội vì mặt bằng giá đẩy lên quá cao. Như vừa qua có một dự án có giá 30-33 triệu đồng/m2 nhưng sau cơn sốt, giá bán đã được đẩy lên trên 50 triệu đồng/m2… Và cơ hội có nhà ở của người tiêu dùng có nhu cầu thật bị mất đi", ông Lê Hoàng Châu nói thêm.

ông Phạm Lâm, Phó chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần DKRA Việt Nam cho rằng nguyên nhân sốt đất một phần do người dân có dòng tiền nhàn rỗi và kỳ vọng về giá bất động sản tăng trong bối cảnh nền kinh tế hồi phục tích cực, kinh tế vĩ mô ổn định, tín hiệu lạc quan…

"Dù vậy, nếu nhìn ở bức tranh chung, sốt đất xảy ra cục bộ một số địa phương khi có thông tin về quy hoạch. Giá có thể tăng vài trăm triệu đồng đến vài tỷ đồng… nhưng không phải là giao dịch quy mô lớn mà chủ yếu là giao dịch nhỏ, do một nhóm người đưa ra những thông tin về quy hoạch, điều chỉnh giá đất để trục lợi, kiếm lời qua cơn sốt đất", ông Phạm Lâm nói.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Phó chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. HCM chỉ ra một trong những nguyên nhân khiến tình trạng sốt đất cục bộ là do các ngân hàng gia tăng số dư nợ tín dụng. Trong quý đầu năm 2021, tăng trưởng tín dụng của ngành ngân hàng 2,13% nhưng tín dụng bất động sản lại tăng nhanh hơn mặt bằng chung. Nhiều ngân hàng thương mại đang chạy đua cho vay tiêu dùng, trong đó các gói cho vay bất động sản với lãi suất chỉ từ 4,99%-10%/năm. Động thái này của các ngân hàng đã thúc đẩy người dân vay để đầu tư vào bất động sản.

“Cần đánh thuế những người có nhiều bất động sản”

Về giải pháp để triệt những cơn sốt đất, lãnh đạo HoREA đề xuất ở góc độ quản lý nhà nước, kinh nghiệm từ một số nước cho thấy khi xử lý vấn đề này cần đánh thuế chuyển nhượng rất cao để triệt tiêu ý chí của nhà đầu tư. Cụ thể, nếu nhà đầu tư mua đi bán lại sẽ bị đánh thuế cao trong 2-3 năm đầu khi chuyển nhượng.

Đồng thời, nhà nước cũng cần đánh thuế những người có nhiều bất động sản và đánh thuế ở mức cao nếu không đưa đất vào sử dụng.

Với cơ chế về tín dụng, theo ông Châu, việc cho vay 70% giá trị tài sản bảo đảm có thể tạo cơ hội để nhà đầu tư vay mua lướt sóng nhiều hơn. Chính sách tín dụng này cũng cần thay đổi ở những giai đoạn sốt giá nhà đất, như giảm hạn mức cho vay xuống từ 70% về 30-50% tùy giai đoạn, kiểm soát việc đầu tư lướt sóng qua dòng tín dụng đổ vào thị trường bất động sản.

TS Sử Ngọc Khương, Giám đốc cấp cao Savills Việt Nam cho rằng vai trò của truyền thông ở các cấp cơ sơ rất quan trọng, nhất là những địa phương nơi xảy ra sốt đất.

Bởi nếu sốt đất, người dân sẵn sàng bán đất nông nghiệp - vốn là tư liệu sản xuất hằng ngày. Sau đó khi cơn sốt đi qua, họ không biết làm gì để có thêm thu nhập từ đó ảnh hưởng đến xã hội.

Với các nhà đầu tư là doanh nghiệp nước ngoài có dự án đang triển khai ở Việt Nam, có những dự án đã đền bù giải toả 90%-95% nhưng khi giá đất bị đẩy lên dù chỉ còn vài % cần giải phóng mặt bằng để triển khai cũng rất khó thương lượng.

Luật sư Nguyễn Văn Hậu kiến nghị các ngân hàng dưới sự quản lý nhà nước phải có cơ chế và chính sách chặt chẽ để lường trước được những rủi ro trong việc cho vay bất động sản.

"Chính sách quản lý cần thống nhất về cơ chế định giá đất theo thị trường. Về lâu dài nên bỏ khung giá đất do Chính phủ ban hành và giao UBND cấp tỉnh ban hành giá đất theo mục đích sử dụng đất để tính các nghĩa vụ tài chính về đất đai cũng như bồi thường khi thu hồi đất. Có cơ chế giám sát việc xây dựng bảng giá đất một cách công khai minh bạch…", Luật sư Nguyễn Văn Hậu đề xuất.

Tin mới lên