Tiêu điểm

'Lãnh đạo phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân tham nhũng'

(VNF) - Theo Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân tham nhũng, lãng phí.

'Lãnh đạo phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân tham nhũng'

Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng.

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013 – 2020, Tổng bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, khẳng định nhìn lại chặng đường 8 năm kể từ khi thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng đến nay, đất nước ta tiếp tục phát triển và đạt được nhiều kết quả rất quan trọng, khá toàn diện trên tất cả các lĩnh vực.

Trong đó, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng đã có chuyển biến mạnh mẽ và đạt được nhiều kết quả tích cực, rõ rệt. Đây chính là cơ sở và nguồn động lực to lớn để hoàn thành tốt các nhiệm vụ đã đề ra, đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.

“Không phải như một số ý kiến cho rằng nếu quá tập trung vào chống tham nhũng sẽ làm giảm sự đổi mới, sáng tạo, làm chùn bước những người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung và làm chậm sự phát triển đất nước.

Ngược lại, chính nhờ đẩy mạnh đấu tranh phòng chống tham nhũng đã góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói.

Người đứng đầu Đảng, Nhà nước nhấn mạnh cần kiên quyết đấu tranh, phản bác luận điệu của các thế lực thù địch, chống đối cho rằng đấu tranh phòng, chống tham nhũng, xử lý cán bộ, đảng viên sai phạm là "đấu đá nội bộ", là "phe cánh”, nhất là vào dịp chuẩn bị để tiến tới Đại hội XIII của Đảng.

“Đẩy mạnh phòng, chống tham nhũng và xây dựng, chỉnh đốn Đảng làm chùn bước những ai có động cơ không trong sáng, nhỡ nhúng chàm và những người không nắm vững chủ trương, chính sách của Đảng, thiếu kiến thức, kinh nghiệm và bản lĩnh, thiếu dũng khí”, Tổng bí thư nhấn mạnh.

Bên cạnh những kết quả đạt được, Tổng bí thư nhìn nhận công tác phòng chống tham nhũng vẫn còn tồn tại, hạn chế như chưa có sự chuyển biến rõ rệt; việc phát hiện, xử lý tham nhũng vẫn còn hạn chế, tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát còn thấp; việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý tham nhũng trong nội bộ, cơ quan, đơn vị còn là khâu yếu.

Tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực hành chính, dịch vụ công chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Tham nhũng trên nhiều lĩnh vực còn nghiêm trọng, phức tạp, với biểu hiện ngày càng tinh vi, gây bức xúc trong xã hội.

"Tham nhũng vẫn là một trong những nguy cơ đe doạ sự tồn vong của Đảng và chế độ", Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nhấn mạnh.

Nói về nguyên nhân cơ bản của những hạn chế, Tổng bí thư cho rằng do một số cấp uỷ, tổ chức đảng, chính quyền, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị chưa nhận thức sâu sắc mức độ nghiêm trọng của tình hình tham nhũng ở địa phương, cơ quan, đơn vị, lĩnh vực mình quản lý; chưa thực sự gương mẫu, quyết liệt, nói chưa đi đôi với làm, thiếu bản lĩnh, dĩ hoà vi quý, nể nang, né tránh, thậm chí bao che cho cán bộ, đảng viên vi phạm.

Bên cạnh đó, một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, trong đó có cả cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ cấp cao còn thiếu tu dưỡng rèn luyện, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tiêu cực, tham nhũng.

Ngoài ra, cơ chế kiểm soát quyền lực, công tác kiểm tra, giám sát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn chưa được quan tâm đúng mức; việc thực thi pháp luật nói chung và các quy định của Đảng, Nhà nước về phòng, chống tham nhũng nói riêng ở một số cơ quan, đơn vị, địa phương chưa nghiêm...

Về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Tổng bí thư lưu ý tiếp tục xây dựng, hoàn thiện đồng bộ thể chế về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, quản lý kinh tế - xã hội và phòng chống tham nhũng; kịp thời khắc phục những bất cập, bịt kín những "khoảng trống", "kẽ hở" để "không thể tham nhũng".

Bên cạnh đó, phải kiên trì giáo dục, rèn luyện cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức về đức tính liêm chính, xây dựng văn hoá tiết kiệm, không tham nhũng.

Mọi cán bộ, đảng viên phải ghi nhớ vấn đề cốt lõi là Đảng phải luôn luôn dựa vào nhân dân, lắng nghe nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân, việc gì có lợi cho dân thì phải quyết tâm làm và làm cho bằng được; ngược lại, việc gì nhân dân không đồng tình, thậm chí căm ghét, phản đối thì chúng ta cương quyết ngăn ngừa, uốn nắn và xử lý nghiêm các sai phạm.

"Cán bộ, đảng viên, trước hết là người lãnh đạo phải biết trọng liêm sỉ, giữ danh dự, biết xấu hổ khi bản thân và người thân tham nhũng, lãng phí", người đứng đầu Đảng, Nhà nước nói.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước yêu cầu, các cơ quan, đơn vị, tổ chức tiếp tục hoàn thiện và thực hiện nghiêm các quy định về công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong hoạt động của mình; kiểm soát có hiệu quả tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; cải cách hành chính và xây dựng đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm niệm vụ trong giai đoạn mới. Các cơ quan tiếp tục kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của các cơ quan, đơn vị có chức năng phòng, chống tham nhũng.

Tin mới lên