Tài chính

Lãnh đạo VCBF tiết lộ lý do khối ngoại liên tục mua ròng từ tháng 10 đến nay

(VNF) - Theo bà Nguyễn Thị Hằng Nga, CFA, Phó tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank (VCBF), việc khối ngoại liên tục mua ròng từ tháng 10 đến nay một phần do định giá thấp của thị trường, phần quan trọng còn lại là triển vọng dài hạn của kinh tế Việt Nam.

Lãnh đạo VCBF tiết lộ lý do khối ngoại liên tục mua ròng từ tháng 10 đến nay

Bà Nguyễn Thị Hằng Nga, CFA, Phó tổng giám đốc Công ty Quản lý Quỹ Vietcombank (VCBF)

Tại Talkshow Phố Tài chính, bà Nguyễn Thị Hằng Nga, CFA, Phó tổng giám đốc VCBF đã tiết lộ lý do khối ngoại liên tục mua ròng từ tháng 10 đến nay sau khi bán ròng ở thị trường Việt Nam từ năm 2020-2021 cho đến tận đầu năm 2022.

Theo đó, một phần nguyên nhân là do định giá thấp của thị trường, phần quan trọng còn lại là triển vọng dài hạn của kinh tế Việt Nam.

“Chúng tôi đã nói chuyện với các nhà đầu tư nước ngoài, họ rất lạc quan về kinh tế, về triển vọng kinh tế Việt Nam trong dài hạn”, bà Nga cho biết.

Theo đó, khối ngoại cho rằng Việt Nam có cơ cấu dân số vàng, nói cách khác, Việt Nam sẽ có hơn 2 người lao động cho một người phụ thuộc. Giai đoạn dân số vàng này sẽ kéo dài khoảng 30 – 35 năm.

Bên cạnh đó, các nhà đầu tư nước ngoài cũng cho rằng người dân Việt Nam được giáo dục rất tốt, điểm số bậc tiểu học đạt mức cao so với mức trung bình trên thế giới.

Một điểm quan trọng khác mà khối ngoại đánh giá cao là tỷ lệ tham gia vào lực lượng lao động là nữ giới ở Việt Nam ở mức cao, khoảng 88%.

“Khi các nhà đầu tư nhìn vào Việt Nam, ước tính đến năm 2030, Việt Nam sẽ trở thành 1 trong 10 thị trường tiêu dùng lớn nhất ở trên thế giới. Trong khi đó, chúng ta có dân số trẻ, mức độ ứng dụng công nghệ rất cao”, bà Nguyễn Thị Hằng Nga cho biết.

Về thị trường chứng khoán, bà cho biết nhà đầu tư nước ngoài cũng kỳ vọng Việt Nam sẽ được nâng hạng lên thị trường mới nổi.

Theo một thống kê của giám đốc điều hành dịch tài chính của JP Morgan ở khu vực châu Á Thái Bình Dương, khoảng 5 tỷ USD ở các quỹ ETF sẽ đổ vào Việt Nam khi được nâng hạng lên thị trường mới nổi.

Do đó, nhiều nhà đầu tư ngoài nhìn nhận giờ là giai đoạn thị trường được định giá thấp và là cơ hội tốt để đầu tư vào Việt Nam. Đơn cử như quỹ Templeton Frontier Markets Fund đã và đang phân bổ ở Việt Nam cao hơn so với chỉ số tham chiếu của họ khoảng hơn 10%.

Bà Nguyễn Thị Hằng Nga cho biết VCBF đống quan điểm với các nhà đầu tư nước ngoài về triển vọng sáng trong dài hạn về kinh tế Việt Nam.

Riêng trong năm 2023, lãnh đạo VCBF nêu 3 yếu tố ảnh hưởng tới kinh tế trong nước mà nhà đầu tư cần theo dõi. Thứ nhất là chính sách thắt chặt tiền tệ của Mỹ. Theo đó, chính sách này hiện chưa kết thúc và với kỳ vọng kết thúc vào năm 2023, mức đỉnh lãi suất có thể lên đến khoảng 4,8 – 5%.

Thứ hai là chính sách Zero Covid của Trung Quốc và việc mở cửa trở lại trong năm 2023.

“Khi Trung Quốc mở cửa, sẽ có cầu tăng đột biến cả về du lịch và hàng hoá, có thể đẩy giá cả của các loại hàng hoá tăng lên và áp lực kiểm soát lạm phát đối với Mỹ cao hơn”, bà Nga cho biết.

Yếu tố cuối cùng là chiến tranh giữa Nga và Ukraine chưa kết thúc và còn tiếp tục ảnh hưởng như thế nào.

Lãnh đạo VCBF cho biết kinh tế Việt Nam có thể bị ảnh hưởng bởi cầu giảm ở các nước, do kinh tế Trung Quốc và kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng chậm lại. Tuy nhiên, khi Trung Quốc mở cửa lại thì cầu của quốc gia này sẽ tăng lên và ảnh hưởng tích cực đối với Việt Nam, đặc biệt là du lịch. Theo đó, lượng khách du lịch từ Trung Quốc vào Việt Nam trước dịch Covid-19 chiếm tới 1/3 tổng lượng khách du lịch quốc tế vào Việt Nam.

Theo bà Nguyễn Thị Hằng Nga, giải ngân đầu tư nước ngoài năm 2022 vẫn có tín hiệu tích cực khi đạt khoảng 19,7 tỷ USD trong vòng 11 tháng. Với những động thái quyết liệt của Chính phủ, bà Nga hy vọng đầu tư công năm 2023 sẽ là một trong những yếu tố giúp cho tăng trưởng kinh tế và tăng cung tiền trong thị trường, đóng góp cho thanh khoản trên thị trường.

“Tuy nhiên, vẫn còn những áp lực về lạm phát vì giá điện của chúng ta đã ổn định khoảng 3 năm nay và chưa có điều chỉnh nên áp lực điều chỉnh giá điện khá cao. Ngoài ra, chi phí giáo dục năm sau có thể sẽ tăng và gây áp lực lên lạm phát”, lãnh đạo VCBF cho biết.

Về thị trường chứng khoán, bà Nga cho rằng khó có thể dự đoán vì không thể đo lường hay đánh giá tâm lý của tất cả thành viên tham gia thị trường. Tuy nhiên, điểm tích cực là định giá thị trường hiện vẫn thấp, kể cả khi đã phục hồi thì mức định giá vẫn đang ở vùng thấp nhất lịch sử.

Tăng trưởng lợi nhuận doanh nghiệp trong năm sau được Bloomberg dự báo giảm xuống còn khoảng 14%, tuy nhiên vẫn đạt mức tăng trưởng dương.

“Khi lợi nhuận doanh nghiệp vẫn tăng trưởng và chỉ số định giá thấp thì rõ ràng thị trường vẫn còn hấp dẫn trong dài hạn”, bà Nguyễn Thị Hằng Nga cho biết.

Talk show Phố Tài chính là chương trình truyền hình cung cấp cho các nhà đầu tư những thông tin chính thống, đa chiều và các kiến thức chuyên sâu về thị trường tài chính - chứng khoán. Chương trình được phát sóng vào lúc 18h30 thứ 2 hàng tuần trên VTV8 và phát lại trên các nền tảng mạng xã hội của Talkshow Phố Tài chính.
Tin mới lên