Thị trường

'Lập Tổng cục quản lý thị trường sẽ khắc phục tình trạng 'trên bảo dưới không nghe'

(VNF) - “Để có thể xử lý nghiêm vi phạm sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu xuất hiện trà lan trên thị trường như hiện nay, cần phải có tinh thần ý thức trách nhiệm cao, đặc biệt là ở cơ quan công an”, ông Trần Hùng  (Phó cục trưởng Quản lý thị trường - Bộ Công Thương) nhấn mạnh.

'Lập Tổng cục quản lý thị trường sẽ khắc phục tình trạng 'trên bảo dưới không nghe'

Ông Trần Hùng - nguyên Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) - Phó cục trưởng Quản lý thị trường (Bộ Công Thương).

Ngày 6/7, Bộ Công thương, Cục quản lý thị trường (QLTT), UBND thành phố Hà Nội, Sở Công thương Hà Nội và Chi cục QLTT đã chỉ đạo các Đội QLTT tiến hành kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng, đặc biệt là hàng mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, dược liệu và vị thuốc y học cổ truyền.

Tại buổi "ra quân", ông Trần Hùng - nguyên Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban chỉ đạo 389) - Phó cục trưởng Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) đã có cuộc trao đổi nhanh ngoài lề với báo giới về một số vấn đề còn tồn đọng lâu nay.

- PV: Hiện nay thực trạng làm giả, làm nhái thuốc tân dược, thực phẩm chức năng bị cơ quan chức năng tiến hành bắt giữ và xử phạt rất nhiều, vậy tại sao khi chuyển sang xử lý theo hướng hình sự lại rất ít?

- Ông Trần Hùng: Câu hỏi của phía nhà báo cũng là trăn trở lâu nay của chúng tôi. Bởi thẩm quyền của Cục quản lý thị trường chỉ là phát hiện, thấy dấu hiệu vi phạm thì chúng tôi chuyển ngay cho cơ quan điều tra.

Thường thì cơ quan điều tra sẽ là người chịu trách nhiệm thụ lý để điều tra. Và sau điều tra, phía cơ quan này thông báo rằng vụ việc không đủ yếu tố để xử lý hình sự nên họ trả hồ sơ về. Qua đó có thể thấy rằng đây không phải là lỗi của Cục quản lý thị trường.

Ví dụ, vụ việc của công ty Vinaca là một điển hình của sự sai phạm. Khi Cục quản lý thị trường phát hiện ra sai phạm đã thông báo tới cơ quan công an quận Kiến An (Hải Phòng), nhưng sau thời hạn 2 tháng hết thời hạn tạm giữ, xử lý theo quy định của pháp luật lại thông báo không đủ dấu hiệu vi phạm hình sự và chỉ xử phạt 44 triệu đồng.

Tuy nhiên, Cục quản lý thị trường phát hiện có nhiều dấu hiệu vi phạm chưa được làm rõ, sau đó chúng tôi đã trực tiếp xuống tận nơi, rút hồ sơ và gửi lên cấp cao hơn. Cuối cùng người đứng đầu Công ty TNHH Vinaca Nguyễn Xuân Thu đã bị khởi tố, bắt tạm giam.

Tất cả những điều này nói lên rằng, để có thử xử lý ngiêm vi phạm việc làm giả, làm nhái thuốc tân dược, thực phẩm chức năng trà lan trên thị trường như hiện nay, chúng ta cần phải có tinh thần ý thức trách nhiệm cao, đặc biệt là ở cơ quan công an.

- Khó khăn nhất trong việc xử lý các vụ liên quan tới việc làm giả, làm nhái thuốc tân dược, thực phẩm chức năng hiện nay?

Khó khăn và vướng mắc lớn nhất hiện nay là liên quan tới các quy định của Bộ Y tế.

- Hiện nay thuốc tân dược, thực phẩm chức năng có rất nhiều đơn vị làm giả, làm nhái vẫn quảng cáo gần như công khai trên các phương tiện truyền thông đại chúng. Một số đơn vị từng bị bắt sản phẩm này thì họ lại thay tên, đổi nhãn mác và tiếp tục quảng cáo tiếp và bán tràn lan trên mạng xã hội. Vậy việc xử lý những vụ việc này như thế nào?

Việc xử lý các sai phạm này phải tuân theo các quy định hiện hành của pháp luật.

Ví dụ, việc bán hàng trên mạng cần xét xem họ đã có giấy phép thương mại điện tử chưa? Nếu bán thực phẩm chức năng thì đã có giấy phép từ Cục an toàn thực phẩm cấp hay không?

Hiện nay đang có tình trạng là các đơn vị kinh doanh lợi dụng việc ghi nhãn mác quảng cáo tương tự sản phẩm nói về công dụng hỗ trợ điều trị để người dân hiểu rằng đây là thuốc hay là thực phẩm chức năng.

Nhưng khi đưa ra pháp luật thì họ lách luật bằng cách nói rằng cái này không phải là thuốc, cái kia không phải là thực phẩm chức năng. Và khi có xảy ra sự việc nào đó, cần sự hỗ trợ từ phía cơ quan chức năng chỉ rõ thì họ lại nói rằng không có được công bố đây là thực phẩm chức năng hay là thuốc. Đây chính là kẻ hở được các đối tượng này lợi dụng để quảng cáo lừa bán sản phẩm qua mạng.

- Thực tế hiện nay “trên bảo dưới không nghe”, nhiều người cho rằng Cục quản lý thị trường chỉ quản lý về mặt hành chính, vấn đề này ông có ý kiến như thế nào?

Đây cũng là một vấn đề gây bức xúc của chúng tôi hiện nay chứ không phải chỉ riêng nhiều người. Bởi chúng tôi muốn làm nhưng không có đủ thẩm quyền, vì đây không phải là ngành dọc.

Những vụ việc chúng tôi đã xuống trực tiếp chỉ đạo ngay tại hiện trường, tuy nhiên vướng mắc lớn nhất hiện nay chính là liên quan tới các giấy tờ công văn có liên quan. Vì vậy, tình trạng "trên bảo dưới không nghe" đang tồn tại trên thực tế.

Trong thời gian tới đây, nếu Thủ tướng sớm thành lập Tổng cục quản lý thị trường thì vấn đề “trên bảo dưới không nghe” sẽ được giải quyết triệt để.

Xem thêm: Bộ trưởng Công Thương chỉ đạo dừng quy định ‘lạ đời’ về quản lý siêu thị

Tin mới lên