Bất động sản

Lay lắt phận người ở khu đô thị Thủ Thiêm

(VNF) - Cả chục năm qua, hàng trăm hộ dân bị thu hồi đất, cưỡng chế nhà cửa tại dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm phải sống trong cảnh cơ cực, thiếu thốn đủ điều. Những hộ dân bám trụ lại nơi này, nhiều năm sống lay lắt bên lề những dự án xa xỉ.

Lay lắt phận người ở khu đô thị Thủ Thiêm

Nhiều người dân bị thu hồi đất cho rằng nhà cửa của họ nằm ngoài ranh quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Để thực hiện dự án khu đô thị Thủ Thiêm, chính quyền TP. HCM gần như giải toả trắng bán đảo Thủ Thiêm. Đến nay, nhiều khu “đất vàng” đã được giao cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng.

Có hai bức tranh đối lập ở đô thị Thủ Thiêm, cạnh những dự án hoành tráng hoa lệ là những căn nhà lụp xụp, rách nát. Nhà cửa xuống cấp, nước ngập đến đầu gối bất kể trời nắng hay mưa, điện sinh hoạt chập chờn, bị các con nghiện đe doạ, không có việc làm ổn định...

Bà cụ Lê Thị Hồng Vân

Căn nhà của cụ bà Lê Thị Hồng Vân (78 tuổi) nằm ở mặt tiền đường Lương Định Của, phường Bình Khánh, quận 2. Bà Vân cho biết, căn cứ theo Quyết định số 367của Thủ tướng phê duyệt quy hoạch khu đô thị mới Thủ Thiêm ngày 4/6/1996, vị trí nhà của bà nằm ngoài ranh quy hoạch.

Gần 30 năm qua, gia đình bà Vân sống tạm bợ trong căn nhà này bởi không biết bị giải toả lúc nào. Giờ đây căn nhà xuống cấp trầm trọng, mỗi khi gió mạnh gây rung lắc, mưa xuống thì bị thấm dột, ngập nước.

Bà Vân cho hay nếu căn nhà bị thu hồi để làm dự án thì phải bố trí cho gia đình bà nơi ở khác tương ứng. Còn nếu chưa giải quyết thì cho gia đình sửa sang nhà cửa để ổn định cuộc sống. Ngoài ra, do dự án kéo dài quá lâu nên địa phương không cho gia đình bà làm hộ khẩu, tạm trú khiến cho con cháu không làm được giấy khai sinh, không đi học được.

Ông Trần Ngọc Dũng trong "căn chòi" tạm bợ phận người

Căn chòi nơi sinh sống của gia đình ông Đặng Quốc Dũng (62 tuổi) thuộc Khu phố 1, phường Bình Khánh. Ông Dũng mua lô đất rộng 55m2 này và dựng nhà sinh sống từ năm 1993. Khi biết căn nhà thuộc diện bị giải toả để thực hiện dự án khu đô thị Thủ Thiêm, ông Dũng được thông báo chỉ được hỗ trợ 44 triệu đồng.

Sau 10 năm vác đơn khiếu nại các cấp, đến nay ông Dũng được biết số tiền bồi thường đã lên 1 tỷ đồng. Tuy vậy, ông Dũng và vợ con vẫn quyết bám trụ với mảnh đất của gia đình bởi không biết đi đâu và làm gì để sống.

Vợ chồng ông Nguyễn Hoàng Vân 

Nhà của vợ chồng ông Nguyễn Hoàng Vân sát vách nhà ông Dũng, rộng 42m2 nhưng chỉ được thông báo hỗ trợ di dời và bồi thường 650 triệu đồng. Không đồng ý với mức đền bù này, từ năm 2011 đến nay, gia đình ông Vân nhận nhiều thông báo cưỡng chế nhưng mọi chuyên đâu lại vào đấy.

Giờ đây, cuộc sống của gia đình ông Vân rất khó khăn khi nhà cửa xuống cấp không xây sửa được, nước ngập vào nhà bất kể trời nắng hay mưa, điện sinh hoạt thì chập chờn, thậm chí một số đối tượng nghiện hút hù doạ…

Sinh sống tại Khu phố 5, phường Bình Khánh từ năm 1976, căn nhà 88m2 cũng đồng thời là cơ sở may gia công màn ngủ của gia đình bà Nguyễn Thị Tám. Được bồi thường 1,6 tỷ đồng để di dời đi nơi khác nhưng bà Tám không đồng ý vì cho rằng nằm ngoài ranh quy hoạch.

Sau đó, căn nhà của bà Tám bị cưỡng chế. Giờ đây chỉ còn lại mảnh đất hoang lạnh. Mỗi ngày, bà Tám đều qua đây thắp nén nhang trên chiếc bàn thờ đã bị đập bỏ mấy lần.

"Gia cảnh" của bà Lâm Thị Nguyệt

Éo le nhất là trường hợp của bà Lâm Thị Minh Nguyệt, ngụ nhà số C4/4 đường Lương Định Của, phường Bình Khánh. Căn nhà rộng 115m2 trước đây gia đình bà được cấp cũng bị thu hồi. Chồng bà Nguyệt là ông Nguyễn Thanh Ba, vì uất ức trước giá bồi thường rẻ mạt dẫn tới bị tai biến, không nói được. 

Dù bà Nguyệt đã mua mảnh đất ở nơi khác để gia đình ổn định cuộc sống nhưng từ khi bị tai biến ông Ba vẫn không chịu về nhà mới. Ông dựng căn chòi kế bên mảnh đất bị thu hồi để hằng ngày nằm võng nhìn ra như người vô hồn.

Đối lập với những cao ốc phồn hoa là hình ảnh một Thủ Thiêm xác xơ tiều tụy, nơi có những phận người hàng chục năm bám víu đất sống lay lắt sau khi bị giải tỏa, cho đến tận bây giờ....

Tin mới lên