Tài chính

Lên kế hoạch lỗ 619 tỷ đồng, VNG ‘lội ngược dòng’ lãi 203 tỷ đồng sau 9 tháng

(VNF) - Công ty Cổ phần VNG ghi nhận lợi nhuận sau thuế lũy kế 9 tháng đạt hơn 203 tỷ đồng, khác hẳn so với kế hoạch lỗ 619 tỷ đồng cả năm mà ĐHCĐ VNG đặt ra.

Lên kế hoạch lỗ 619 tỷ đồng, VNG ‘lội ngược dòng’ lãi 203 tỷ đồng sau 9 tháng

Lên kế hoạch lỗ 619 tỷ đồng, VNG ‘lội ngược dòng’ lãi 203 tỷ đồng sau 9 tháng

Doanh thu thuần quý III của VNG đạt hơn 2.176 tỷ đồng, tăng 38% so với mức thực hiện cùng kỳ năm 2020. Trừ đi hơn 1.168 tỷ đồng giá vốn, VNG đạt được hơn 1.007 tỷ đồng lợi nhuận gộp trong quý, tăng 39%.

Công ty liên kết cho thấy hoạt động kém hiệu quả khi ghi nhận lỗ gần 4,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi gần 3 tỷ đồng.

Trừ chi phí tài chính được hoàn nhập, chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng mạnh so với cùng kỳ. Cụ thể, chi phí bán hàng tăng gần 62%, đạt hơn 634 tỷ đồng; chi phí quản lý doanh nghiệp tăng gần 57%, đạt hơn 289 tỷ đồng.

Chốt quý III, VNG báo lãi sau thuế hơn 50,6 tỷ đồng, giảm 66% so với mức thực hiện cùng kỳ năm 2020. Lợi nhuận ròng giảm gần 20%, ghi nhận gần 170 tỷ đồng trong kỳ.

Như vậy sau khi báo lỗ gần 27 tỷ đồng trong quý I, VNG đã liên tiếp ghi nhận lợi nhuận dương trong quý II và quý III.

Lũy kế 9 tháng, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của VNG lần lượt đạt 5.682 tỷ đồng và 203 tỷ đồng, tương ứng tăng 28% và giảm 51% so với 9 tháng năm 2020.

Lợi nhuận cổ đông công ty mẹ đạt hơn 538 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ.

Tổng tài sản của VNG tính tới cuối quý III đạt hơn 9.377 tỷ đồng, tăng 19% so với thời điểm đầu năm. Tiền và các khoản tương đương tiền tăng khoảng 948 tỷ đồng lên mức hơn 3.417 tỷ đồng. Đầu tư tài chính ngắn hạn và các khoản phải thu ngắn hạn lần lượt đạt 2.393 tỷ đồng và 1.161 tỷ đồng, tương ứng tăng 17% và tăng 3,4% so với đầu năm.

Tổng nợ phải trả của VNG tăng hơn 1.000 tỷ đồng lên mức hơn 2.815 tỷ đồng tính tới cuối quý III. Trong đó, chi phí phải trả ngắn hạn tăng gần 94%, đạt giá trị hơn 1.572 tỷ đồng. Nợ vay chỉ ghi nhận gần 69 tỷ đồng.

Năm 2021, VNG đặt kế hoạch kinh doanh với doanh thu mục tiêu hơn 7.609 tỷ đồng, tăng 26% so với mức thực hiện năm 2020. Lợi nhuận dành cho cổ đông công ty mẹ theo kế hoạch là 4 tỷ đồng.

Đáng chú ý, doanh nghiệp dự kiến lỗ sau thuế 619 tỷ đồng trong năm 2021 do đầu tư cho thanh toán, AI (trí tuệ nhân tạo) và Cloud, cũng như để dự phòng cho ảnh hưởng kéo dài của dịch Covid-19.

Thực tế, sau 9 tháng, VNG đã hoàn thành gần 75% kế hoạch về doanh thu. Về lợi nhuận, khác hẳn kế hoạch đề ra, VNG đạt mức lợi nhuận cổ đông công ty mẹ cao gấp 134 lần so với kế hoạch cả năm. 

Tính tới cuối quý III, tỷ lệ sở hữu của VNG tại Công ty Cổ phần Ti ki là 20,18%, tỷ lệ quyền biểu quyết là 20,63%.

Tin mới lên