Tài chính quốc tế

Lên ngôi giàu nhất thế giới, áp lực làm từ thiện của ông chủ Amazon ngày càng tăng

(VNF) - Ông chủ Amazon, Jeff Bezos, đã vượt qua nhà đồng sáng lập Microsoft, Bill Gates để trở thành người giàu nhất thế giới, nhưng vẫn còn một danh hiệu mà Bezos khó có thể đạt được, đó chính là người hào phóng nhất.

Lên ngôi giàu nhất thế giới, áp lực làm từ thiện của ông chủ Amazon ngày càng tăng

Ông chủ Amazon Jeff Bezos, người vừa lên ngôi giàu nhất thế giới

Ngay cả khi có hơn 90 tỷ USD tài sản, Bezos vẫn chưa có được một danh hiệu từ thiện nào. Tuy nhiên, với việc khoác lên người chiếc áo choàng mới này, áp lực đặt lên ông Bezos sẽ càng ngày càng tăng lên.

Khi Gates xây dựng Microsoft, ông cũng phải đối mặt với áp lực ngày càng gia tăng từ công chúng - và cả cha mẹ của mình – về việc cho đi nhiều hơn. Bill Gates đã không thực sự làm từ thiện cho đến khi ông từ chức giám đốc điều hành của Microsoft vào năm 2000. Mọi chuyện chỉ thực sự bắt đầu từ thời điểm ông xây dựng Quỹ Bill & Melinda Gates, trở thành quỹ từ thiện lớn nhất nước Mỹ.

Ed Lazowska, Trưởng khoa CNTT và Cơ khí tại Đại học Washington, người đã từng xin tài trợ từ nhà sáng lập Amazon cho biết: "Jeff có lẽ vẫn chưa sẵn sàng, nhưng đây là một người, cũng giống như Bill, đang gắn bó với việc thay đổi thế giới theo những cách riêng. Từ thiện không phải là việc một sớm một chiều. Rồi ông ấy cũng sẽ như nhà sáng lập Microsoft. Không ai có quyền đòi hỏi, điều họ cần làm là cho ông ấy thời gian."

Một số nhà sáng lập công nghệ sẵn sàng ký những cam kết từ thiện khổng lồ trong khi vẫn tiếp tục công việc điều hành các doanh nghiệp của mình. Ông chủ của Facebook, Netflix hay Salesforce đều tham gia vào chiến dịch The Giving Pledge – một chiến dịch được Bill Gates và Warren Buffett khởi xướng, nhằm kêu gọi các tỷ phú quyên góp ít nhất một nửa tài sản của họ cho quỹ từ thiện.

Thực hiện một lời cam kết lớn như vậy đòi hỏi sự khiêm nhường và cả thời gian suy xét, vì vậy đối với một người ham công tiếc việc như Bezos, "điều ông ấy cần là một đối tác đáng tin cậy" - Jeff Raikes, cựu thành viên Ban điều hành của Microsoft, từng quản lý Quỹ Gates trong gần 6 năm cho biết. Ông nói rằng bà Melinda Gates và cựu thành viên Ban điều hành Microsoft, Patty Stonesifer đã quản lý Quỹ Gates trong khi Bill vẫn tiếp tục cống hiến cho Microsoft. Raikes cho biết thêm, vợ ông, Tricia, cũng đã giúp đỡ ông trong lúc ông bận rộn với công việc của mình.

Phần lớn những việc từ thiện liên quan đến Bezos cho đến nay hầu như là từ cha mẹ của ông, Mike và Jackie Bezos. Ông là thành viên ban điều hành quỹ Bezos Family Foundation mà cha mẹ ông quản lý. Cho đến năm 2015, cha mẹ ông Bezos đã dành hơn 68 triệu USD cổ phiếu của Amazon cho quỹ này. Ông chủ Amazon cũng ủng hộ 6 triệu USD cổ phiếu. Ngoài ra, gia đình Bezos cũng dành đến 65 triệu USD trong một thập kỷ để ủng hộ Trung tâm Nghiên cứu Ung thư Fred Hutchinson ở Seattle.

Mối quan tâm thực sự khiến ông chủ Amazon thực hiện bất kì một nỗ lực từ thiện cá nhân nào vẫn còn là một điều bí ẩn. R. Joe Ottinger, CEO của Innovate Leadership Network ở Seattle, cho biết: "Việc từ thiện của ông Bezos cho đến nay vẫn không theo bất kỳ một phương hướng cụ thể nào".

Các khoản đóng góp cá nhân của Bezos bao gồm 1 triệu USD cho Code.org, nhằm mục đích giảng dạy về khoa học máy tính tại tất cả các trường; hỗ trợ cho Worldreader, một tổ chức phi lợi nhuận được thành lập bởi cựu phó chủ tịch Amazon, sử dụng các thiết bị đọc sách điện tử để thúc đẩy việc học chữ ở các nước đang phát triển; và 10 triệu USD cho Bảo tàng Lịch sử & Công nghiệp Seattle. Bezos và vợ của ông, MacKenzie, đã ủng hộ 15 triệu USD cho ngôi trường cũ của họ, Đại học Princeton, trong việc nghiên cứu khoa học thần kinh, và họ cũng đã trao 2,5 triệu USD cho một ủy ban chính trị để hỗ trợ hợp pháp hoá hôn nhân đồng tính ở Washington vào năm 2012.

Đối với Amazon, việc từ thiện lại chủ yếu tập trung xung quanh vấn đề bất bình đẳng đang gia tăng trong thành phố, điều mà một số nhà hoạt động và chính trị gia đã đổ lỗi cho Amazon.

Năm ngoái, gã khổng lồ bán lẻ này đã cho phép tổ chức phi lợi nhuận Mary's Place sử dụng khách sạn Travelodge mà công ty sở hữu làm nơi ở tạm thời cho người vô gia cư trước khi Amazon phá hủy tòa nhà và Bezos đã tặng 1 triệu USD cho tổ chức này. Vào tháng 5, Amazon cuối cùng đã công bố kế hoạch xây dựng nơi tạm trú vô gia cư chính thức cho Mary's Place trong một tòa nhà văn phòng mới. Tháng 6 năm nay, Amazon cũng cho biết sẽ ủng hộ 1 triệu USD cho FareStart, một tổ chức phi lợi nhuận quản lý các nhà hàng và đào tạo những người lao động có hoàn cảnh khó khăn để họ có thể làm việc trong ngành công nghệ thực phẩm.

Cuối năm 2013, công ty bắt đầu chương trình AmazonSmile nhằm dành tặng một phần doanh thu cho các tổ chức phi lợi nhuận mà khách hàng lựa chọn. Amazon còn dành 2 triệu USD hỗ trợ các giáo sư và 10 triệu USD hỗ trợ xây dựng tòa nhà mới của Khoa CNTT và Cơ khí trường Đại học Washington. "Nếu bạn nhìn vào những gì mà Amazon đã làm cho Đại học Washington và vấn đề vô gia cư gần đây, bạn sẽ biết rằng Jeff nhúng tay vào mọi thứ", ông Ed Lazowska cho biết.

Bên cạnh việc điều hành Amazon, Bezos đang dành sự quan tâm và tiền bạc cho BlueOrigin LLC, một công ty thám hiểm vũ trụ. Blue Origin hướng tới mục tiêu cắt giảm chi phí tiếp cận không gian, đưa hàng trăm nhân công lên vũ trụ để thúc đẩy các ngành công nghiệp đặc biệt ngoài hành tinh.

Ông chủ Amazon dường như đang tìm kiếm một hướng đi mang tính cá nhân hơn. Vào tháng 6 vừa qua, ông đã viết trên twitter rằng: "Tôi muốn xin ý tưởng của mọi người. Tôi đang nghĩ đến một chiến lược dài hạn - trái ngược hẳn với việc mình thường làm từ trước đến nay… Tôi muốn thực hiện nhiều hoạt động từ thiện để giúp mọi người ngay bây giờ, ngay tại đây. Tức là trong ngắn hạn, vừa phục vụ nhu cầu cấp thiết vừa có tác động lâu dài".

Tin mới lên