Ngân hàng

Lên sàn với định giá hơn 25.000 tỷ, OCB kinh doanh ra sao?

(VNF) - Sở Giao dịch Chứng khoán TP. HCM (HoSE) vừa thông báo về ngày giao dịch đầu tiên của Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB) với mã chứng khoán OCB.

Lên sàn với định giá hơn 25.000 tỷ, OCB kinh doanh ra sao?

Ngân hàng Phương Đông lên sàn ngày 28/1, định giá hơn 25.000 tỷ đồng

Theo đó, OCB sẽ giao dịch tại HoSE vào ngày 28/1 tới đây với giá tham chiếu là 22.900 đồng/cổ phiếu, biên độ dao động giá trong ngày giao dịch đầu tiên là +/- 20%. Giá trị vốn hóa thị trường của Ngân hàng Phương Đông tại thời điểm chào sàn vào khoảng 25.000 tỷ đồng.

Tổng số lượng cổ phiếu mà ngân hàng này đăng ký giao dịch là gần 1,1 tỷ đơn vị, tương đương giá trị chứng khoán đăng ký giao dịch là gần 11.000 tỷ đồng.

Được biết, kế hoạch niêm yết cổ phiếu OCB tại HoSE được ĐHCĐ thường niêm năm 2020 phê duyệt hồi tháng 6/2020. Sau đó, OCB được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận tăng vốn điều lệ vào đầu tháng 10/2020 và hoàn tất tăng vốn từ hơn 8.760 tỷ đồng lên gần 10.960 tỷ đồng thông qua việc phát hành cổ phiếu để trả cổ tức năm 2019.

Nhìn lại tình hình kinh doanh của OCB trước thềm niêm yết từ năm 2016 đến nay, thu nhập lãi thuần của ngân hàng này tăng trưởng khá mạnh qua từng năm trong giai đoạn 2016-2019.

Kết quả kinh doanh của OCB trong giai đoạn từ năm 2016 đến tháng 9/2020

Cụ thể, tăng trưởng về thu nhập lãi thuần duy trì ở mức trên 40% so với năm liền trước trong năm 2017 và năm 2018. Đến năm 2019 có phần chững lại, mức tăng trưởng thu nhập lãi thuần so với năm 2018 đạt 19%. Thu nhập lãi thuần 9 tháng năm 2020 của OCB tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2019, khá khiêm tốn so với mức tăng trưởng của những năm trước. 

Tương tự, lợi nhuận trước thuế năm 2017 và năm 2018 cũng tăng trưởng ngoạn mục ở mức trên 100% và đến năm 2019 thì mức tăng trưởng giảm xuống còn 46%. Lợi nhuận sau thuế lũy kế 9 tháng năm 2020 của OCB đạt mức tăng trưởng 29%, kém khá xa so với những năm trước, dù vậy, đây vẫn là mức tăng khá cao so với mặt bằng chung.

Số liệu lũy kế 11 tháng năm 2020 cho thấy, ngân hàng này đạt lợi nhuận trước thuế 3.830 tỷ đồng, tăng khoảng 30% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về tình hình nợ xấu, tính toán của VietnamFinance cho thấy, năm 2015, tỷ lệ nợ xấu (bao gồm cả nợ xấu nội bảng và nợ chưa dự phòng tại VAMC) của OCB là 5,65% cùng tỷ lệ bao phủ nợ xấu rất thấp, chỉ vỏn vẹn 15%.

Tuy nhiên một năm sau đó, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng này đã giảm mạnh xuống 3,09%, tỷ lệ bao phủ nợ xấu được nâng lên 27%.

Sang năm 2017, tỷ lệ nợ xấu đã được đưa về dưới ngưỡng quy định 3% của Ngân hàng Nhà nước, đạt 2,62%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu tăng nhẹ lên 32%.

Năm 2018, OCB chính thức tất toán toàn bộ trái phiếu đặc biệt tại VAMC và trở thành một trong những ngân hàng sạch nợ VAMC sớm nhất hệ thống. Tỷ lệ nợ xấu lúc này ở mức 2,29% và tỷ lệ bao phủ nợ xấu đã tiến đến ngưỡng trung bình ngành, đạt 44%.

Sang đến năm 2019, tỷ lệ nợ xấu của OCB tiếp tục giảm về 1,84%, tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên mức 55%

Tuy vậy, 9 tháng năm 2020, tổng nợ xấu của OCB tăng 30%, trong đó nợ dưới tiêu chuẩn tăng 35%, nợ nghi ngờ tăng 81% và nợ có khả năng mất vốn tăng 11%. Điều này đã khiến OCB không thể duy trì tỷ lệ nợ xấu ở mức dưới 2% mà thay vì đó là tăng lên 2,15%. Tỷ lệ bao phủ nợ xấu ở mức 54%.

Tổng tài sản của OCB hiện ở mức trên 130.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu khoảng 17.000 tỷ đồng. Dư nợ tín dụng trên 86.000 tỷ đồng và là ngân hàng thiên về cho vay trung và dài hạn khi các khoản cho vay này chiếm cỡ 70% dư nợ tín dụng.

Tin mới lên