Tài chính quốc tế

LHQ: Thế giới phải lựa chọn giữa hành động và ‘tự sát tập thể’ trước biến đổi khí hậu

(VNF) - Tổng thư ký Liên hợp quốc (LHQ) António Guterres cảnh báo thế giới sẽ phải lựa chọn hành động cùng nhau hoặc tự sát tập thể trong bối cảnh biến đổi khí hậu đang gây ra những hiện tượng thời tiết cực đoan trên khắp thế giới.

LHQ: Thế giới phải lựa chọn giữa hành động và ‘tự sát tập thể’ trước biến đổi khí hậu

Biến đổi khí hậu đang gây ra những hiện tượng thời tiết cực đoan trên toàn cầu.

Trong một thông điệp gửi tới buổi Đối thoại Khí hậu Petersberg ở Berlin, Đức, Tổng thư ký Liên hợp quốc António Guterres nói: “Nồng độ khí nhà kính, mực nước biển dâng và sức nóng của đại dương đã phá vỡ các kỷ lục mới. Một nửa nhân loại đang ở trong vùng nguy hiểm do lũ lụt, hạn hán, bão lớn và cháy rừng. Không có quốc gia nào được miễn nhiễm”.

Tuy nhiên, trước thách thức của cuộc khủng hoảng toàn cầu, ông Guterres cho rằng nhân loại đang không cùng hợp sức với nhau để giải quyết vấn đề. Thay vào đó, “các quốc gia tiếp tục chơi trò chơi đổ lỗi thay vì chịu trách nhiệm về tương lai của tập thể chúng ta, chúng ta không thể tiếp tục theo cách này vì thời gian không còn nữa”, người đứng đầu LHQ tuyên bố.

Ông Guterres nhấn mạnh các quốc gia trên thế giới “phải xây dựng lại lòng tin và xích lại gần nhau” để tạo ra một “phản ứng toàn cầu cụ thể” về khí hậu, bao gồm cung cấp viện trợ tài chính cho những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất bởi các sự kiện môi trường.

“Chúng ta có một sự lựa chọn. Hành động tập thể hoặc tự sát tập thể. Điều đó nằm trong tay chúng ta”, trích lời ông Guterres trong thông điệp gửi tới Đối thoại Khí hậu Berlin.

Cuộc họp tại Đức đã triệu tập đại diện từ 40 quốc gia để thảo luận về tiến độ thực hiện các thỏa thuận khí hậu, giảm sử dụng nhiên liệu hóa thạch và thúc đẩy chuyển đổi sang "các nguồn năng lượng bền vững" nhằm hạn chế sự nóng lên toàn cầu xuống 1,5 độ C, như đã thống nhất vào năm ngoái tại Hội nghị thượng đỉnh về khí hậu COP26 ở Scotland.

Những người tham dự cũng tham gia vào việc chuẩn bị cho Hội nghị Khí hậu Thế giới COP27, dự kiến sẽ được tổ chức vào tháng 11 năm nay tại khu nghỉ mát Sharm El-Sheikh của Ai Cập.

Triển vọng cho Cop27 đã mờ đi đáng kể trong những tháng gần đây, khi giá năng lượng và lương thực tăng đã nhấn chìm các chính phủ vào cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt lạm phát, một phần do sự xuất hiện dần dần từ đại dịch Covid-19 và trầm trọng hơn bởi cuộc chiến ở Ukraine.

Đầu tháng này, ông Guterres đã kêu gọi một “cuộc cách mạng năng lượng tái tạo” và yêu cầu ngừng hoạt động đối với các nhà máy điện than và bất kỳ hoạt động thăm dò dầu khí nào trên toàn thế giới. Lời kêu gọi của ông được đưa ra trong bối cảnh hỗn loạn ở một số quốc gia đã cố gắng thực hiện các cải cách với danh nghĩa hạn chế sự nóng lên toàn cầu.

Trong những ngày vừa qua, cháy rừng đã hoành hành trên khắp châu Âu và bắc Mỹ. Ở Nam Mỹ, khu khảo cổ Macchu Picchu đang bị hoả hoạn đe dọa. Nắng nóng khắc nghiệt đã phá vỡ kỷ lục trên khắp thế giới trong những tháng gần đây, khi các đợt nắng nóng ập đến Ấn Độ và Nam Á, hạn hán tàn phá các khu vực của châu Phi, và các đợt nắng nóng chưa từng có ở cả hai cực đã đồng loạt gây kinh ngạc cho các nhà khoa học từ hồi tháng 3.

Tại châu Âu, nhiều quốc gia cũng đang phải đối mặt với một mùa hè nóng bức chưa từng có, khi Anh, Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Pháp liên tục ghi nhận mức nhiệt cao kỷ lục, gây cháy rừng và khiến hàng nghìn người tử vong. Đợt nắng nóng được dự báo đang di chuyển về phía Bắc và sẽ ập đến Bỉ và Đức vào những ngày tới.

Xem thêm >> Liên hợp quốc: Covid-19 và chiến sự khiến số người bị đói trên toàn cầu tăng thêm 150 triệu

Tin mới lên